Nhóm yếu tố khách quan

Một phần của tài liệu NHU CẦU TRỢ GIÚP TÂM LÝ CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUẬN BÌNH TÂN, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 48 - 51)

1.2.1.1. Lịch học và chương trình học

Theo khung kế hoạch thời gian năm học của học sinh THPT năm học 2021- 2022 các trường phải đảm bảo có ít nhất 35 tuần thực học (học kỳ 1 có ít nhất 18 tuần, học kỳ 2 có ít nhất 17 tuần). Theo phân phối chương trình có trung bình từ 24 đến 29 tiết học trên 1 tuần. Có từ 5 đến 7 tiết trên một ngày. Thời gian học từ Thứ 2 đến Thứ 6. Buổi sáng từ 7h00 đến 11h20. Buổi chiều từ: 13h00-16h55. Cứ sau mỗi 2 tiết học sinh sẽ nghỉ giải lao 20 phút. Ngoài thời gian học trực tuyến nghiêm túc thì trong quá trình tự học, học sinh phải hoàn thành các nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao và hoàn thành các nội dung theo quy định.

Ngoài việc học theo khung chương trình trong nhà trường, nhiều học sinh còn tham gia các lớp học bên ngoài nhà trường nhằm bồi dưỡng và nâng cao kiến thức ở các môn học, bên cạnh đó việc tham gia các lớp năng khiếu bên ngoài nhà trường cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ các em tham gia.

1.2.1.2. Quan niệm của xã hội về “trợ giúp tâm lý”

Thực tế cuộc sống nhà trường trong bối cảnh thông tin bùng nổ, các phương tiện truyền thông phát triển, thay đổi nhanh chóng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề tác động mạnh đến việc học tập và sinh hoạt của HS. Trong đó có những vấn đề không thể giải quyết được trong khuôn khổ phạm vi, chương trình giáo dục theo nhiệm vụ được giao như định hướng cho HS cách quan hệ giao tiếp, ứng xử giữa HS - HS, GV - HS, PH - HS, bạo lực học đường, quan hệ giữa các bạn trẻ, tình bạn khác giới, giáo dục hướng nghiệp và phân luồng cho HS sau phổ thông để các em phát hiện đúng và phát triển hết tiềm năng của bản thân… Mặt khác, đối với HS phổ thông, khi mà nhân cách các em đang trong quá trình hình thành, phát triển có thể phải đối mặt với nhiều thách thức không dễ vượt qua. Các vấn đề tâm lý, các khó khăn trong cuộc sống nếu không được tư vấn, chia sẻ, giải tỏa kịp thời thì rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Ngày 18/12/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban thành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông với mục đích:

+ Về mục đích, yêu cầu

Phòng ngừa hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và trong cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường.

Hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách.

Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong nhà trường và sự tham gia của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh (gọi chung là cha mẹ học sinh) và các lực lượng ngoài nhà trường có liên quan trong các hoạt động tư vấn tâm lý học sinh. Đảm bảo quyền được tham gia, tự nguyện, tự chủ, tự quyết định của học sinh và bảo mật thông tin trong các hoạt động tư vấn tâm lý theo quy định của pháp luật.

+ Về nội dung thực hiện

Tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản, vị thành niên phù hợp với lứa tuổi.

Tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác.

Tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp Tham vấn tâm lý đối với học sinh gặp khó khăn cần hỗ trợ, can thiệp, giải quyết kịp thời. Giới thiệu hỗ trợ đưa học sinh đến các cơ sở, chuyên gia điều trị tâm lý đối với các trường hợp học sinh bị rối loạn tâm lý nằm ngoài khả năng tư vấn của nhà trường.

+ Về hình thức thực hiện

- Xây dựng chuyên đề về tư vấn tâm lý cho học sinh và bố trí thành các bài giảng riêng hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ. Tổ chức dạy tích hợp các nội dung tư vấn tâm lý cho học sinh trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

- Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa, câu lạc bộ, diễn đàn về các chủ đề có liên quan đến nội dung cần tư vấn, hỗ trợ học sinh. Tư vấn, tham vấn cá nhân, tư vấn nhóm, trực tiếp tại phòng; tư vấn trực tiếp qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của nhà trường, email, mạng xã hội, điện thoại và các phương tiện thông tin truyền thông khác.

- Phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh.

1.2.1.3. Cơ sở vật chất và nguồn nhân lực tham vấn tâm lý trong trường học

Nhu cầu hỗ trợ về tâm lý cho HS (người học) ngày càng trở nên cấp thiết hơn trong cuộc sống nhà trường ở mọi bậc học. Các văn bản pháp quy về nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường như Luật Giáo dục, Điều lệ nhà trường, các chỉ thị hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ năm học luôn đặt vấn đề về công tác hỗ trợ tâm lý cho người học. Như vậy, có thể thấy nhiệm vụ hỗ trợ tâm lý cho người học đã được nhận thức là cần thiết và bước đầu đã được triển khai như nhiệm vụ chính thức trong nhà trường ở các cấp học. Tuy nhiên, theo những quy định hiện hành, trong nhà trường chưa có thiết chế chuyên biệt cho công tác TLHĐ. Các văn bản pháp lý quy định hoạt động của nhà trường không có quy định về việc thành lập và hoạt động của phòng tư vấn hỗ trợ tâm lý. Nhiệm vụ hỗ trợ tâm lý cho người học đang được giao phó cho GV, cán bộ y tế trường học và cán bộ của các tổ chức đội, đoàn, hội. Các nhiệm vụ trên được quy định tại khoản 3, điều 72, Luật Giáo dục năm 2005; tại khoản 2 điều 34, chương 4 Điều lệ Trường tiểu học (Bộ GD&ĐT năm 2010); tại khoản 6, điều 31, chương 4, Điều lệ trường THCS, THPT và Trường phổ thông có nhiều cấp học (Bộ GD&ĐT năm 2011).

Trong việc thực thi nhiệm vụ làm phát triển toàn diện người học, vai trò của nhà giáo, cán bộ của các tổ chức đội, đoàn, hội và chuyên viên tâm lý là không

giống nhau; phương thức và tác động đến người học cũng khác biệt. Do vậy, sẽ khó có hiệu quả khi những nhiệm vụ đặc trưng của chuyên viên tâm lý được giao cho các nhà giáo đang thực hiện hoạt động dạy và giáo dục trong nhà trường, vốn không được đào tạo về chuyên môn TLHĐ. Triển khai sứ mệnh làm phát triển toàn vẹn nhân cách người học ở mọi cấp học, chuyên viên tâm lý có vai trò chuyên gia - cố vấn độc lập về các vấn đề tâm lý của quá trình dạy học và giáo dục.

Thêm nữa, hiện nay các phòng tham vấn tại các trường học vẫn chưa đảm bảo được sự riêng tư, yên tĩnh, có không gian rộng để có thể tham vấn nhóm nhỏ… thường sẽ tận dụng không gian của phòng giám thị, phòng y tế, phòng thư viện, phòng công tác đoàn…, nên ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tham vấn. Chính điều này cũng làm cho học sinh sợ lộ các bí mật khi đến phòng tham vấn…chỉ một số ít các trường có phòng tham vấn tâm lý học đường chuyên biệt được đảm trách bởi chuyên viên tâm lý, có chuyên môn, kỹ năng trong tham vấn tâm lý học đường.

Một phần của tài liệu NHU CẦU TRỢ GIÚP TÂM LÝ CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUẬN BÌNH TÂN, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(113 trang)
w