1.2.2.1. Cái tôi của học sinh THPT
Sự tự ý thức là một đặc điểm nổi bật trong sự phát triển nhân cách của học sinh THPT, nó có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển tâm lý của lứa tuổi này. Biểu hiện của sự tự ý thức là nhu cầu tìm hiểu và tự đánh giá những đặc điểm tâm lý của mình theo chuẩn mực đạo đức của xã hội, theo quan điểm về mục đích cuộc sống… Điều đó khiến các em quan tâm sâu sắc tới đời sống tâm lý, những phẩm chất nhân cách và năng lực riêng. Các em không chỉ nhận thức về cái tôi hiện tại của mình mà còn nhận thức về vị trí của mình trong xã hội tương lai. Các em không chỉ chú ý đến vẻ bên ngoài mà còn đặc biệt chú trọng tới phẩm chất bên trong. Các em có khuynh hướng phân tích và đánh giá bản thân mình một cách độc lập dù có thể có sai lầm khi đánh giá. Ý thức làm người lớn khiến các em có nhu cầu khẳng định mình, muốn thể hiện cá tính của mình một cách độc đáo, muốn người khác quan tâm, chú ý đến mình…
Nhìn chung thanh niên mới lớn có thể tự đánh giá bản thân một cách sâu sắc nhưng đôi khi vẫn chưa đúng đắn nên các em vẫn cần sự giúp đỡ của người lớn. Một mặt, người lớn phải lắng nghe ý kiến của em các, mặt khác phải giúp các
em hình thành được biểu tượng khách quan về nhân cách của mình nhằm giúp cho sự tự đánh giá của các em được đúng đắn hơn, tránh những lệch lạc, phiến diện trong tự đánh giá. Cần tổ chức hoạt động của tập thể cho các em có sự giúp đỡ, kiểm tra lẫn nhau để hoàn thiện nhân cách của bản thân.
– Tự ý thức là khả năng học sinh tự tách ra khỏi bản thân mình làm đối tượng của nhận thức, để đánh giá. Tự đánh giá là một khả năng được hình thành trong suốt quá trình phát triển nhân cách và được coi là dấu hiệu cơ bản để nhận biết mức độ trưởng thành của nhân cách. Ở HS THPT tự đánh giá thể hiện ở một số đặc điểm nổi bật sau:
+ Đối chiếu bản thân với chuẩn mực xã hội
+ Sự đánh giá có tính phê phán và đòi hỏi cao ở bản thân + Tự đánh giá có chiều sâu và khái quát hơn
+ Tự đánh giá thể hiện theo ba cách: So sánh mức độ kì vọng với kết quả của bản thân; đối chiếu so sánh với ý kiến của người khác về bản thân; sự thành thạo trong công việc, sự hấp dẫn trong tình yêu và tình bạn thân.
+ Tự đánh giá mang tính chủ quan và có chút cao hơn so với hiện thực
Tuy nhiên, quá trình hình thành nhân cách bao gồm cả việc hình thành “cái tôi”. Cái tôi hay hình ảnh về cái tôi có nhiều nội dung và nhiều mức độ như cái tôi thể chất, cái tôi hiện thực, cái tôi lí tưởng… Khi ở độ tuổi này, HS rất quan tâm đến thân thể của mình trong con mắt người khác. Hình ảnh cái tôi được đánh giá qua nhiều tiêu chí khác nhau: tính bền vững, tính tương phản, mức độ rõ ràng.
– Sự cường điệu tính độc đáo riêng của mình là đặc điểm của nhiều học sinh. – Cái tôi của nữ và nam có sự khác biệt. Nữ giới nhạy cảm và có xu hướng hướng nội hơn.
1.2.2.2. Nhận thức của học sinh về trợ giúp tâm lý
Khi học sinh có vấn đề và có nhu cầu giúp đỡ các em sẽ tìm đến phòng tham vấn học đường để được trợ giúp. Tuy nhiên, tham vấn học đường hiện nay ở Việt Nam đôi khi lại không như vậy. Nhìn chung học sinh tự đến phòng tham vấn học đường là rất ít. Không ít trường, học sinh tới phòng tham vấn là do giáo viên gửi
đến. Điều này tạo ra một tâm lý gượng ép, thiếu sẵn sàng hợp tác của học sinh đối với chuyên viên tham vấn. Không ít giáo viên trong trường có quan niệm phòng tham vấn tâm lý là nơi chỉ những học sinh “có vấn đề” mới phải đến điều này làm cho các học sinh rất sợ bị phân loại, bị gán nhãn trong trường.
Thông thường, khi vướng mắc tâm lý, ít khi học sinh nghĩ đến việc tìm nhà chuyên môn để giải quyết, những trường hợp mắc các rối nhiễu tâm lý nặng như trầm cảm, loạn thần... thường được chỉ định đến gặp bác sĩ tâm thần chứ không phải chuyên gia tâm lý. Học sinh rất ít khi tự động tìm đến các dịch vụ tâm lý, có chăng chỉ tâm sự trên điện thoại hay với các nhà tư vấn trực tuyến.
Khi các em có nhu cầu bộc lộ chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình cho người có chuyên môn mà các em cần, khi các em biết mình đang có vấn đề gì đó không ổn, biết rằng nên cần đến sự giúp đỡ của người có chuyên môn, chấp nhận nói ra vấn đề của mình một cách khách quan để nhận được sự giúp đỡ, sẵn sàng đón nhận một sự thực, một cách nhìn nhận mới và thay đổi hành vi, cách sống(nếu cần) và chấp nhận có thể tốn kém thời gian, công sức cho việc giải quyết vấn đề của mình.
Nhận thức của HS THPT về hoạt động trợ giúp tâm lý học đường chính là nhận thức về hình ảnh của nhà tâm lý học đường, về công việc của họ và mức độ cần thiết của dịch vụ với bản thân học sinh.
Tiểu kết chương 1
Chương 1 đã đi vào tìm hiểu một số vấn đề cơ bản của đề tài như khái niệm nhu cầu, tâm lý học đường, trợ giúp tâm lý học đường và khái niệm chính là nhu cầu trợ giúp tâm lý của học sinh cũng như đã chỉ ra các yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến nhu cầu này. Khái niệm chính của đề tài là nhu cầu trợ giúp tâm lý của học sinh được định nghĩa là: “những mong muốn của các em học sinh
được tiếp cận với các hoạt động hỗ trợ tâm lý học đường, để được nâng đỡ về mặt tâm lý, giải tỏa cảm xúc, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến học đường để đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển nhân cách toàn diện”.
Chương 1 cũng đã xác lập các khó khăn của học sinh, từng nhóm nhu cầu cần được hỗ trợ của học sinh và nhu cầu của học sinh về đội ngũ, hình thức hỗ trợ.
Chương 2. TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU