Có lẽ, khái niệm “tăng trưởng kinh tế” thì không cần phải nhắc lại, nhưng về “công bằng xã hội” thì phải thống nhất tương đối về cách hiểu, trước khi bàn đến những vấn đề cần khắc phục về việc giải quyết mối quan hệ giữa chúng. Vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về công bằng xã hội qua các thời đại khác nhau, nhưng chúng ta chỉ nên bàn đến công bằng xã hội trong thời đại chúng ta, mà chủ yếu là hiện nay.
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư, “Công bằng xã hội là phương thức đúng đắn nhất để thỏa mãn một cách hợp lý những nhu cầu của các tầng lớp xã hội, các nhóm xã hội, các cá nhân, xuất phát từ khả năng hiện thực của những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Về nguyên tắc chưa thể có sự công bằng nào được coi là tuyệt đối trong chừng mực mà mâu thuẫn giữa nhu cầu của con người và khả năng hiện thực của xã hội còn chưa được giải quyết. Bởi vậy, mỗi thời đại lại có những đòi hỏi riêng về sự công bằng xã hội”1. Tiếp đó, các tác giả Từ điển cũng chỉ ra rằng: hiện nay, công bằng xã hội đang trở thành mối quan
tâm hàng đầu của nhân dân. Những mục tiêu để đảm bảo công bằng xã hội là vô cùng lớn, trong đó tập trung vào những điểm chính yếu như phải xử lý tốt mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân, xóa bỏ mọi hình thức đặc quyền, đặc lợi, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Phải có các chính sách và cơ chế điều tiết nguồn thu nhập, bảo đảm sự công bằng trong phân phối sản phẩm xã hội. Xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho mỗi thành viên trong xã hội, mỗi người lao động đều có quyền giám sát, kiểm tra mọi hoạt động kinh tế, xã hội, phân phối sản phẩm và phúc lợi.
Còn theo các tác giả của đề tài khoa học KHXH.03.06 về Quản lý sự phát triển xã hội trên nguyên tắc tiến bộ và công bằng thì “Công bằng xã hội là một giá trị định hướng để con người thỏa mãn những nhu cầu cơ bản về đời sống vật chất và tinh thần trong mối quan hệ phân phối sản phẩm xã hội tương đối hợp lý giữa các cá nhân và nhóm xã hội, phù hợp với sự cống hiến của mỗi người và với khả năng hiện thực của những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định”2.
BùI NGỌC THANH*
(*) TS. Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
(1) Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam, tập 1, H., 1995, tr 580 -581.
(2) Quản lý sự phát triển trên nguyên tắc tiến bộ và công bằng, NXB Chính trị Quốc gia, H., 2001, tr 31-35.