hóa, học nghề, chế độ thăm gặp, sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin liên lạc của phạm nhân, học sinh
Thời gian qua, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các Bộ, ngành chức năng, các cấp chính quyền, các đoàn thể xã hội từ trung ương đến địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và phổ biến đường lối, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách nhân đạo về đặc xá; giáo dục công dân; thực hiện xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như thi tay nghề, hội diễn văn nghệ, thể thao… Từ đó đã có tác dụng giáo dục, chuyển biến nhận thức của phạm nhân và thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Đến nay, cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao từng bước được đầu tư, nâng cấp. Các trại giam đều có hệ thống truyền thanh, các buồng giam đều có đài phát thanh, truyền hình, báo chí; nhiều trại giam đã xây dựng được các phòng học tập, thư viện, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, thành lập đội văn nghệ tuyên truyền, đáp ứng ngày càng tốt hơn và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, thông tin, liên lạc cho phạm nhân…
Kế thừa những kết quả đã đạt được nêu trên, Luật THAHS tiếp tục quy định việc học văn hóa, học nghề là chế độ bắt buộc với những nội dung cơ bản như học văn hóa xóa mù chữ, học pháp luật, giáo dục công dân. Phạm nhân cũng được cung cấp các thông tin thời sự, chính sách, pháp luật. Cùng đó, nhằm nâng cao nhận thức, xóa bớt sự mặc cảm của phạm nhân, các điều 44 và 46 của Luật đã quy định cụ thể về chế độ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao của phạm nhân; bảo đảm cho phạm nhân có thể được gặp thân nhân… Các quy định này bảo đảm sự bình đẳng giữa các phạm nhân, không có sự phân biệt đối xử về giới; hơn nữa, còn căn cứ vào giới tính, độ tuổi, tính chất, mức độ phạm tội, nhân thân để có hình thức và nội dung giáo dục,
cải tạo phù hợp.
Đối với học sinh, các chế độ về học văn hóa, học nghề, chế độ thăm gặp, sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin liên lạc cũng được Nhà nước bảo đảm thực hiện đầy đủ. Theo quy định tại khoản 1 Điều 129, việc học văn hóa là bắt buộc đối với học sinh chưa đạt trình độ phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; đối với học sinh khác thì tùy khả năng, điều kiện thực tế mà tổ chức cho họ học tập phù hợp. Ngoài giờ học văn hóa, học nghề, lao động, học sinh được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác do trường giáo dưỡng tổ chức; được gặp thân nhân, được gửi và nhận thư, nhận quà, trừ rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích khác, đồ vật và các loại văn hóa phẩm bị cấm. Có thể nói, so với Nghị định số 52/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 hướng dẫn biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng, các quy định của Luật THAHS đã bổ sung một số quy định về chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, vui chơi, giải trí theo hướng bảo đảm tốt hơn để người phải chấp hành biện pháp tư pháp này có đủ điều kiện sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội phù hợp với độ tuổi, giới tính, trình độ văn hóa và các đặc điểm nhân thân khác của họ.