II. QUY TRÌNH KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH DO CÔNG TY KIỂM TOÁN VÀ KẾ TOÁN HÀ NỘI THỰC HIỆN.
4. Hoàn thành cuộc kiểm toán.
Đây là giai đoạn kết thúc quá trình kiểm toán. trong giai đoạn này, kiểm toán viên đưa ra một sản phẩm quan trọng nhất của cuộc kiểm toán đó là Báo cáo kiểm toán. Báo cáo kiểm toán thể hiện ý kiến nhận xét , đánh giá của Kiểm toán viên về các Báo cáo tài chính được được kiểm toán.
Các công việc trong giai đoạn hoàn thành cuộc kiểm toán ở CPA HANOI bao gồm các nội dung sau:
4.1 Xem xét các sự kiện sau ngày lập Báo cáo tài chính.
Đối với các sự kiện phát sinh sau ngày lập Báo cáo tài chính, Kiểm toán viên đánh giá các sự kiện xem có trọng yếu hay không sau đó thông báo và thảo luận với nhà Quản trị doanh nghiệp để họ thông báo, sửa đổi bổ sung cần thiết vào Báo cáo tài chính.
4.2 Soát xét kết quả kiểm toán các phần hành.
Trưởng đoàn kiểm toán có nhiệm vụ soát xét việc thực hiện quy trình kiểm toán của từng kiểm toán viên phụ trách phần hành và kết quả kiểm toán các phần hành đó. Ngoài ra trưởng đoàn kiểm toán tham khảo thêm các thông tin liên quan để đánh giá kết quả kiểm toán của từng Kiểm toán viên. Kết quả của việc soát xét sẽ làm cơ sở chủ yếu để tổng hợp ý kiến đưa vào Báo cáo kiểm toán.
Dựa vào tính cẩn trọng nghề nghiệp, Kiểm toán viên của công ty thường thực hiện kiểm tra lại các kết quả kiểm toán đã thực hiện và thường xảy ra 2 khả năng:
+ Nếu Kiểm toán viên thấy thoả mãn về kết quả đánh giá thì Kiểm toán viên sẽ đưa ra dạng nhận xét thích hợp với kết quả kiểm toán.
+ Nếu Kiểm toán viên thấy chưa thoả mãn ở một khía cạnh nào đó thì Kiểm toán viên sẽ thu thập thêm bằng chứng để chứng minh, bổ sung. Nếu bằng chứng bổ sung là thoả mãn (tức là bằng chứng không bác bỏ kết quả kiểm toán đã thực hiện) thì Kiểm toán viên sẽ lựa chọn dạng nhận xét thích hợp trong Báo cáo kiểm toán.
Sau khi thực hiện kiểm toán ở đơn vị khách hàng, nhóm kiểm toán sẽ họp và thảo luận tổng hợp các kết quả kiểm toán. Các kết quả kiểm toán này bao gồm:
+ Các vấn đề mà Kiểm toán viên phát hiện trong quá trình thực hiện cuộc kiểm toán.
+ Các sai sót và các bút toán mà Kiểm toán viên đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh và trình bày lại.
Việc tổng hợp kết quả kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoàn thiện cuộc kiểm toán, tác dụng của nó thể hiện trên các khía cạnh trọng yếu sau:
+Các kết quả kiểm toán được tổng hợp giúp cho Kiểm toán viên lựa chọn dạng nhận xét phù hợp với BCTC của Doanh nghiệp đồng thời giúp Kiểm toán viên viết thư quản lý gửi cho đơn vị.
+ Các vấn đề sai sót mà Kiểm toán viên phát hiện trong quá trình kiểm toán sẽ được ghi vào trong hồ sơ kiểm toán hàng năm để chuẩn bị cho cuộc kiểm toán năm sau. Khi thực hiện cuộc kiểm toán cho doanh nghiệp vào năm sau, Kiểm toán viên sẽ xem xét liệu các sai phạm này đã được khắc phục hay chưa, từ đó có thể khắc phục nhanh chóng các sai phạm của doanh nghiệp, rút ngắn thời gian kiểm toán cũng như tiết kiệm được chi phí kiểm toán. Sau khi phát hiện ra các sai sót trong hạch toán kế toán của doanh nghiệp, Kiểm toán viên thường đưa ra các bút toán kiến nghị với doanh nghiệp để điều chỉnh các sai phạm.
Dự thảo báo cáo bao gồm: + Báo cáo kiểm toán dự thảo.
+ Bảng Cân đối kế toán sau điều chỉnh. + Báo cáo kết quả kinh doanh dự thảo . + Báo cáo lưu chuyển tiền tệ dự thảo.
Dựa vào kết quả tổng hợp của cuộc kiểm toán, so sánh với mức trọng yếu, thảo luận và yêu cầu đơn vị sửa lại Báo cáo tài chính theo số liệu của Kiểm toán viên, nhóm kiểm toán sẽ lập báo cáo kiểm toán chính thức.
4.5 Lập Báo cáo kiểm toán chính thức và thư quản lý (nếu có).
Sau khi đưa ra Báo cáo kiểm toán dưới dạng dự thảo, Kiểm toán viên sẽ gửi cho khách hàng để lấy ý kiến của họ đồng thời thảo luận với khách hàng. Cuộc thảo luận này xoay quanh những vấn đề, những sai phạm mà Kiểm toán viên phát hiện được trong quá trình kiểm toán. Nếu khách hàng không thoả mãn và đưa ra các bằng chứng mới để chứng minh, thì Kiểm toán viên cũng đưa ra các bằng chứng (Hồ sơ kiểm toán) được dùng làm cơ sở cho nhận xét của mình. Nếu các bằng chứng của khách hàng không thuyết phục, hoặc khách hàng không đưa ra được các bằng chứng giải trình, hoặc khách hàng không có ý kiến gì về những phát hiện của Kiểm toán viên. Thì hai ngày sau khi nhận được ý kiến cuối cùng của khách hàng về Báo cáo kiểm toán dự thảo, Kiểm toán viên sẽ phát hành báo cáo kiểm toán chính thức.
Ngoài ra các kiểm toán viên thực hiện cuộc kiểm toán cũng tiến hành xem xét các sự kiện xảy ra sau ngày công bố Báo cáo kiểm toán. Trong trường hợp, Kiểm toán viên phát hiện có những sai phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến tính trung thực và hợp lý của các thông tin trên Báo cáo tài chính hoặc là xuyên tạc các thông tin này qua việc không tuân thủ các nguyên tắc kế toán thì Kiểm toán viên sẽ yêu cầu khách hàng mở một cuộc kiểm toán bổ sung để công khai các kết quả kiểm toán bổ sung. Theo pháp luật hiện hành thì Kiểm toán viên và công ty kiểm toán không chịu trách nhiệm về sự kiện này.
Sau khi hoàn thành cuộc kiểm toán, ngoài Báo cáo kiểm toán, CPA HANOI cũng gửi kèm thư quản lý tới doanh nghiệp. Trong thư quản lý, Kiểm toán viên ghi chép những đánh giá của mình về hệ thống kiểm soát
nội bộ của doanh nghiệp. Những đánh giá này Kiểm toán viên đã rút ra từ cuộc kiểm toán nhằm cung cấp các ý kiến trợ giúp mang tính chất xây dựng đối với Ban giám đốc doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả Sản xuất kinh doanh. Nội dung của thư quản lý được Kiểm toán viên trình bày rõ ràng, dễ hiểu. Đối với một vấn đề cần hoàn thiện thì thường bao gồm các mục: Kiểm tra của Kiểm toán viên, phát hiện và ý kiến của Kiểm toán viên. Thư quản lý thường gồm 2 nội dung chính sau:
- Hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ. - Các phần hành kế toán chủ yếu.