Lạm dụng rượu, thuốc lá, thuốc cấm nâng cao tỷ lệ tử vong vì bệnh tật, tai nạn. Dùng thuốc, rượu có thể tạm thời giải tỏa khó khăn về tinh thần, kinh tế nhưng trong trường kỳ, vấn đề lại trầm trọng hơn. Rượu đưa tới ung thư gan; thuốc lá gây ung thư phổi; thuốc cấm tạo ra bệnh tâm thần. Ngoài ra ảnh hưởng xấu của rượu, thuốc cũng đưa tới xáo trộn gia đình, tội phạm xã hội.
9. Thực phẩm
Dinh dưỡng đầy đủ là yếu tố căn bản cho một sức khỏe tốt. Thiếu thực phẩm các loại đưa tới suy dinh dưỡng và một số bệnh tật. Mà ăn uống quá độ lại đưa tới nhiều bệnh về tim mạch, tiểu đường, ung thư, mập phì, sâu răng. Thực phẩm có nhiều chất béo, đường tinh chế gây ra mập phì nhiều hơn, nhất là ở lớp người kém lợi tức. Lý do là dân nghèo tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến hơn là thực phẩm tươi.
Nhà hữu trách cũng như xản xuất thực phẩm cần lưu ý cung cấp thực phẩm tươi nhiều chất dinh dưỡng cho mọi tầng lớp dân chúng không phân biệt giàu nghèo; cung cấp các thông tin về thực phẩm, cách thức nấu nướng, chế độ dinh dưỡng đúng đắn cho mọi người; hỗ trợ sự nuôi trồng sản xuất để bảo vệ
giá trị tự nhiên của thực phẩm...
Kết luận
Trên khắp thế giới, còn rất nhiều người kém may mắn, không nhận được sự chăm sóc y tế đầy đủ, nên dễ mang bệnh và sớm mệnh một hơn là người có ưu thế xã hội. Các bất công này ngày càng gia tăng mặc dù chúng ta đang sống vào giai đoạn toàn cầu hóa về mọi lãnh vực. Trong khi đó thì các chính sách y tế đều tập trung vào giải quyết vấn đề bệnh tật mà ít để ý tới môi trường xã hội. Vì thế, nhiều khó khăn cho sức khỏe vẫn tồn tại.
Cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài được chung hưởng quan tâm về chăm sóc y tế với dân bản xứ, nên cũng phần nào an tâm về các yếu tố xã hội tác dụng lên sức khỏe.
Riêng tại Việt Nam, từ nhiều năm qua, các giới chức y tế xã hội cũng đã đề cập tới những vấn nạn này, nhất là sự chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và thôn quê cũng như quá ưu đãi của giới có quyền hành.
Vào hai ngày 4 và 5 tháng 3 năm 2006, cơ quan y tế thế giới đã giúp Việt Nam tổ chức một hội thảo tại Hà Nội để thảo luận, tìm hiểu và thiết lập các chương trình đối phó với những yếu tố xã hội có tác dụng xấu.
Hy vọng rằng các chương trình này sẽ thực tế, phù hợp với hoàn cảnh sinh sống của dân chúng. Rồi cần áp dụng đúng đắn, tới nơi tới chốn với sự kiểm tra, theo dõi kết quả nghiêm chỉnh. Đúng thì tiếp tục. Sai thì can đảm nhận trách nhiệm rồi sửa đổi.
Và nhất là phải nghe phản ảnh từ quần chúng – đối tượng chính của các chương trình phục vụ.