Vẹo cột sống là một hình dạng bất bình thường về độ cong của xương sống. Ở một người bình thường và khi nhìn từ phía sau, cột sống là một đường thẳng đứng từ phần chót của gáy xuống tới xương cụt.
Nếu nhìn nghiêng, xương sống có hình chữ S, cong ra phía trước ở phần lưng trên và cong về phía sau ở phần lưng dưới.
Khi bị vẹo, nhìn từ phía sau sẽ thấy cột sống có một vài độ cong không bình thường.
Các dấu hiệu thường thấy của vẹo cột sống gồm có: – Hai vai cao thấp không đều nhau.
– Một xương bả vai nhô cao hơn phía bên đối diện. – Eo bên cao bên thấp.
– Một bên hông cao hơn bên kia.
– Khi đứng hoặc đi lại, người nghiêng về một phía.
Khi cột sống vẹo nhiều, xương sườn và lồng ngực nhô về phía trước, gây khó khăn cho sự thở và cũng gây ra đau lưng.
Nguyên nhân gây ra vẹo cột sống chưa được biết rõ. Có nhiều trường hợp do bẩm sinh, do chân dài chân ngắn. Vẹo cột sống thường thấy ở nhiều người trong một gia đình.
Vẹo cột sống không phải là hậu quả của dáng điệu không ngay ngắn, vận động cơ thể quá mạnh hoặc đeo vật nặng trên lưng.
Cứ 1000 trẻ em thì có từ 3-5 em bị vẹo cột sống và trẻ gái vẹo nhiều hơn trai. Vẹo trầm trọng hơn khi xảy ra ở tuổi trẻ, khi cột nghiêng nhiều nhất là
nghiêng ở phần trên cột sống.
Bất thường này ít xảy ra ở tuổi trưởng thành, đôi khi vì cột đã bị vẹo từ nhỏ mà không chữa hoặc vẹo do thoái hóa cột sống.
Bình thường, vẹo cột sống không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi cột vẹo nhiều sẽ gây tổn thương cho tim, phổi, đau lưng. Lồng ngực sẽ đè vào tim, phổi gây khó khăn cho sự hô hấp và sự bơm máu từ tim. Vẹo cột sống gây ra đau lưng kinh niên, đôi khi viêm xương khớp cột sống. Thường thường, bác sĩ gia đình cũng như trường học đều khám để coi trẻ em có bị vẹo cột sống không.
Trẻ bị vẹo cột sống được điều chỉnh bằng:
– Ðeo nẹp lưng (brace) để vẹo không trầm trọng hơn. Khi cởi bỏ nẹp, cột sống vẹo trở lại.
– Giải phẫu nối đốt sống ở chỗ vẹo với nhau, nhờ đó cột sống thẳng trở lại. Phẫu thuật này rất phức tạp, cần được bác sĩ và bệnh nhân cân nhắc lợi hại trước khi thực hiện.