3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
1.4 XÃ CẨM THANH, THÀNH PHỐ HỘI AN, TỈNH QUẢNG NAM
Cẩm Thanh là một xã nông nghiệp nằm cách khu phố cổ Hội An chừng 5 km về phía Đông Nam, có tổng diện tích tự nhiên 895,43 ha được chia thành 8 thôn.Phía Bắc giáp phường Cẩm An bởi sông Ba Chươm, phía Nam giáp xã
Duy Nghĩa bởi hạ lưu sông Thu Bồn, phía Đông giáp phường Cửa Đại và phía Tây giáp phường Cẩm Châu bởi sông Cổ Cò. Xã có địa hình phức tạp, thuộc dạng địa hình ven biển, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông ngòi và kênh rạch chằng chịt [13],[ 15].
Do nằm ở vị trí hạ lưu sông Thu Bồn, xã Cẩm Thanh là một vùng đất ngập nước quan trọng có hệ động thực vật đa dạng và phong phú. Dựa trên những nguồn tài nguyên và cơ sở hạ tầng vốn có, xã tập trung phát triển kinh tế theo hướng nông – ngư nghiệp, dịch vụ - du lịch – thương mại và tiểu thủ công nghiệp trong đó lấy nuôi trồng thủy sản và du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn [13]. Hiện nay trên địa bàn xã có 6 di tích được UBND Tỉnh khoanh vùng bảo vệ, đặc biệt là khu di tích lịch sử cách mạng rừng dừa Bảy Mẫu và khu thắng cảnh Thuận Tình được chính quyền quan tâm đầu tư, khai thác và phục vụ tham quan phát triển du lịch nhằm tạo thu nhập cho người dân địa phương [13].
1.4.2 Giới thiệu về vùng đất ngập nước xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam
Nằm ở địa thế bốn bề là sông nước, xã Cẩm Thanh bị chia cắt bởi hệ thống sông rạch chằng chịt và là vùng đất nằm giữa nơi hợp lưu của hạ nguồn sông Thu Bồn, Đế Võng và Trường Giang, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ sinh thái rừng ngập mặn phát triển [8].
Khu vực này có hệ động thực vật rất đa dạng và phong phú, có các loài cây ngập mặn đặc trưng như ráng dại (Acrostichum aureum L.) thuộc họ Ráng (Pteridaceae), cây đước đôi (Rhizophora apiculata L.) thuộc họ Đước (Rhizophoraceae),… nhưng dừa nước (Nyppa fructicans) thuộc họ Cọ (Palmae) là loài chiếm ưu thế hơn cả [4].
Dừa nước (Nyppa fructicans) là một loài cây ngập mặn phân bố chủ yếu dọc theo bờ sông. Chúng mọc thành từng cụm trong những vùng sình lầy, hệ thống rễ chằng chịt và nằm sâu dưới lớp bùn đất, thân cây cũng ngầm xuống
nước và đất, chỉ có phần lá và cuốn hoa mọc lên trên [4], [8]. Theo nhiều người dân địa phương, dừa nước tự nhiên trước đây không nhiều mà phần lớn do người dân tự trồng. Khoảng thời gian trước năm 1980, diện tích rừng dừa nước bạt ngàn, trải rộng trên địa bàn các thôn 1, 2, 3, 6 và 8. Sau đó cùng với sự phát triển kinh tế, diện tích dừa nước bị thu hẹp do sự phát triển mạnh của nuôi trồng thủy sản, làm muối và các hoạt động kinh tế khác. Hiện nay do việc phát triển du lịch, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dừa nước tăng cao, nhiều người dân đã bắt đầu chăm sóc và trồng thêm dừa quanh nhà nên diện tích này đang dần tăng thêm [13].
Hệ sinh thái rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng đối với môi trường – sinh thái và kinh tế. Sự phát triển của RNM và mở rộng diện tích đất bồi là hai quá trình luôn đi kèm nhau. Ở những vùng đất mới bồi, độ mặn cao có các loài thực vật tiên phong như bần đắng (Sonneratia alba), cây mấm trắng (Avicennia alba); vùng cửa sông với độ mặn thấp hơn có cây bần chua (Sonneratia caseolaris L.),… Rễ cây ngập mặn, đặc biệt là quần thể thực vật tiên phong mọc dày đặc có tác dụng làm cho trầm tích bồi tụ nhanh hơn, vừa ngăn chặn tác động của sóng biển, giảm tốc độ gió, vừa làm vật cản cho trầm tích lắng đọng, giúp hạn chế xói lở và các quá trình xâm thực bờ biển. RNM được xem là một trong những HST có đa dạng sinh học cao nhất, chúng cung cấp một lượng lớn thủy sản có giá trị, đặc biệt là tôm sú, tôm biển xuất khẩu đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân địa phương. Ngoài ra, RNM còn hoạt động như một máy lọc sinh học, làm sạch nguồn nước và duy trì cân bằng sinh thái. Vật rụng (lá, cành, chồi, hoa, quả) của cây đượccác vi sinh vật phân hủy thành mùn bã hữu cơ, là nguồn thức ăn không thể thiếu cho nhiều loài sinh vật thủy sinh [6], [8].
CHƯƠNG 2
ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU