Chương 10: TỪ CÓ NHÀ ĐẾN KHÔNG NHÀ

Một phần của tài liệu sachvui-vn-Suy-ngam-ve-thien-va-ac-stephen-batchelor (Trang 51 - 55)

Khi lạc vào trong một vùng đất xa lạ, không những tôi đánh mất phương hướng và sự tự do di chuyển mà còn đánh mất sự kết nối với những người khác. Ngay khi nhận ra mình lạc đường, tôi cảm thấy đơn độc và bị cô lập. Có lẽ con đường là sự kết nối duy nhất của tôi với loài người. Có thể tôi đã không trông thấy người khác trong nhiều ngày, nhưng chỉ khi con đường biến mất tôi mới cảm thấy mất tinh thần. Là một khoảng hở đủ rộng giữa mọi vật để người ta có thể lách qua, con đường đã nhân cách hóa cảnh vật. Ánh sáng từ ngọn đồi phía xa cho biết điểm đến; chúng kết nối tôi với những người thắp sáng chúng.

Bản thân con đường thì không có gì. Đó là dấu vết để lại từ dấu chân của những người đi trước. Niềm an ủi của việc tìm lại con đường chính là niềm an ủi của việc được kết nối trở lại với những người khác giống như bản thân tôi. Không những tôi có thể bắt đầu lại chuyến đi đến mục tiêu đã từng bị cản trở, mà còn quay trở về với gia đình, dòng họ. Một cái chai vừa được thải ra giống như một tấm biển chỉ đường hay một cây cầu làm người đi yên lòng. Vì con đường là một khoảng không gian chủ quan qua lại. Chiều hướng tự do và có mục đích của nó được những người cần đến nó tạo ra và duy trì. Bỏ mặc nó trong một hoặc hai năm, cỏ và cây cối sẽ lại mọc đầy. Khi đi bộ dọc theo con đường, bạn sẽ mắc nợ tất cả mọi người: đàn ông, phụ nữ, trẻ con và những người đi trước. Và cứ mỗi lần đặt chân trên nền đất, bạn đã duy trì con đường cho những người theo sau. Bằng việc gạt cành cây đổ qua một bên, bạn đã có trách nhiệm với những người sẽ đi tới sau này. Con đường gợi lên ký ức ban đầu về loài người. Vì chúng ta là những người du cư, lánh nạn, di trú, những người lang thang trên khắp bề mặt trái đất. Chúng ta đến từ mọi nơi. Là những tạo vật có dáng đi không đổi, chúng ta không ngừng nghỉ, hiếm khi nào thoải mái khi đứng yên. Chúng ta bỏ nơi này đến nơi khác rồi lại chuyển đi tiếp. Chúng ta lẩn trốn thiên tai, bão lụt và chiến tranh. Cho dù có tìm kiếm thức ăn, việc làm, sự an toàn, hay ý nghĩa, chúng ta vẫn đi trên con đường mà người khác để lại hay những dấu vết đi trước của chính mình. Bất cứ nơi nào có dấu vết của chúng ta - về bối cảnh văn hóa hay vật lý - thì khả năng hình thành con đường vẫn có thể xảy ra. Đức Phật đã miêu tả con đường như việc “đi về phía trước”, từ có nhà thành không nhà. “Trong nhà”, Ngài nói, “cuộc sống trở nên ngột ngạt trong bầu không khí đầy bụi. Nhưng cuộc sống đi về phía trước thì rộng mở”. Theo truyền thống, “việc đi về phía trước” muốn nói đến sự từ bỏ cuộc sống gia đình của một thầy tu hay nữ tu, nhưng đối với thế hệ hay thay đổi thì nó đơn

giản chỉ là lời nhắc nhở đến tình trạng loài người. “Những con cáo có hang”, Chúa Giêsu nói, “và những con chim có tổ; nhưng con cái loài người thì không có chỗ để tựa đầu”. Một sinh vật có tri giác, hoài nghi về những lời hứa của tôn giáo, thì không hề mong muốn tình trạng vô gia cư.

Mỗi lần tình trạng vô gia cư nhằm vào chúng ta, chúng ta lại nghiệm rõ lời giải thích hiểm ác của thế giới rằng ngôi nhà là nơi mang lại sự an toàn và hạnh phúc. Nơi nào coi bản thân mình như nơi trú ẩn cuối cùng sẽ không có khả năng thực hiện lời hứa của mình. Chúng ta thấy bản thân mình bị lúng túng và bị vướng mắc vào nó, hoặc sẽ bị đuổi ra khỏi nó cho đến chết. Tự mình cam kết với con đường là từ bỏ niềm an ủi của việc ổn định cuộc sống. Người ta thừa nhận số phận nay đây mai đó cùng với nhóm người có chung số phận với họ.

“Con đường dẫn đến cuộc sống thì hẹp”, Chúa Giêsu nói, “và ở đó chỉ có vài người tìm thấy nó”. Nhưng tìm ra con đường cũng không có nghĩa tôi sẽ không đánh mất nó. Có thể bạn đã có lần vấp ngã khi tình cờ băng ngang qua nó, chỉ dùng phần còn lại của cuộc đời để cố gắng tìm lại nó. Bạn đã bị thuyết phục sẽ khám phá ra con đường chỉ bằng việc noi theo dấu chân người khác. Đức Phật nhận thấy điều đó không đủ để tìm ra con đường. Người ta phải chuyên tâm miệt mài mới tìm ra nó.

Tiếng Phạn và tiếng Ấn Độ gọi “sự chuyên tâm miệt mài” là bhavana. Gốc của chữ bhavana là bhu, có nghĩa là “trở thành”. Bhavana có nghĩa là “mang vào bản thân con người” hay “cho phép đưa vào con người”. Chuyên tâm miệt mài nghiên cứu con đường tức là mang tự do, mục đích và khoảng không gian dùng chung cho bản chất con người. Đó là một nhiệm vụ đầy tính sáng tạo. Giống như việc trồng một cái cây, người ta tạo điều kiện để nó phát triển. Bằng việc chuẩn bị đất đai, gieo hạt, cung cấp ánh sáng và nước, chúng ta tạo ra một cánh đồng lúa mì vàng óng. Nơi đó, thứ gì mà trước đây không có thì giờ đây đã hiện diện đầy đủ, phong phú.

Con đường được tạo ra bằng việc làm rõ mục đích của con người và loại bỏ những gì cản trở việc thực hiện chúng. Nó được hình thành từ sự cam kết và được mở rộng bằng việc bỏ qua không nghĩ đến. Nó miêu tả việc thực hiện một điều gì đó và cho phép một điều gì đó xảy ra. Con đường vừa là nhiệm vụ, vừa là món quà. Bằng việc áp dụng nhiều sự kiểm soát, người ta đã ngăn cấm việc bộc lộ nó ngay lập tức, trong khi chỉ bằng việc bỏ mặc mọi thứ, người ta đã đánh mất tầm nhìn của một quan điểm hướng dẫn. Nghệ thuật của việc tạo ra con đường là không làm quá nhiều, cũng không làm quá ít. Khi Phật giáo Thiền phát triển ở Trung Quốc, ý niệm về con đường đã được

phân chia dọc theo những tuyến này. Những ai nhìn thấy con đường trước tiên dưới dạng nhiệm vụ sẽ miêu tả nó như một loạt những bước chân dần dần dẫn đến mục tiêu. Những ai nhìn thấy con đường trước tiên như một món quà sẽ hình dung nó như một sự bùng phát bất ngờ và không thể đoán trước của sự tự do và sự nhận thức sâu sắc. Con đường “dần dần” là một con đường phát triển theo thời gian; con đường “bất ngờ” là khoảng không gian mở mà chúng ta được tự do hành động khi tinh thần điều khiển chúng ta. Con đường dần dần được hoàn thành bằng lời cam kết và tính kỷ luật; con đường bất ngờ thì vượt ra khỏi tầm với của việc rèn luyện và bùng nổ không cần nỗ lực. Việc tạo ra con đường giống như việc học đàn dương cầm. Tôi có thể đòi hỏi tính kỷ luật trong nhiều năm để đạt được sự thành thạo về mặt kỹ thuật đối với loại nhạc cụ này; nhưng để hiểu được âm nhạc, đòi hỏi phải có tính nhạy cảm và sự cảm thụ nghệ thuật, những thứ này thì không thể học được.

Khi chúng ta học chơi loại nhạc cụ phức tạp của xương thịt, thần kinh, rung động, suy nghĩ và cảm giác, chúng ta đã theo dấu con đường giống như một con kênh len lỏi qua sự cảm nhận. Nó được dẫn dắt bằng sự khao khát thuộc về trực giác đối với những gì chúng ta đánh giá là sâu sắc nhất; không gian của nó có tính rộng mở mà chúng ta có khả năng chịu đựng trong trái tim và trí óc; nó được duy trì bởi mạng lưới của tình bạn, truyền cảm hứng cho chúng ta tiếp tục đi tới. Một ngày nào đó, con đường đi theo diễn biến cuộc sống của chúng ta lại trở thành con đường kế tiếp. Nó được tìm ra giữa những gì trần tục nhất của mọi hoàn cảnh cũng như những gì tuyệt vời nhất, nhưng rồi chúng ta lại đánh mất nó như một câu chuyện tự kể về sự đổi hướng của chính mình để đi chệch sang một lối khác. Rồi chúng ta lại tìm được nó. Và lại đánh mất nó một lần nữa.

Con đường giống với một nhiệm vụ hơn là một món quà. Trong việc kết nối người này với người kia, nó cũng là một mối liên kết. Con đường mở ra không chỉ ở những chỗ sâu kín nhất của tâm hồn mà còn qua lời nói và hành động ở thế giới bên ngoài. Nó vươn dài, vượt ra khỏi giới hạn của chúng ta thông qua những mối quan hệ kết nối chúng ta với người khác. Cuộc đời là một chuyến đi xuyên qua cả thế giới mà chúng ta cùng chia sẻ. Sau này, khi chúng ta rời đi thì con đường vẫn được nhận biết bằng những dấu vết mà chúng ta để lại, về những gì mà chúng ta biết cũng như những gì mà chúng ta đã tạo ra và biến đổi.

Tiếng Tây Tạng dịch chữ bhavana thành sgom, có nghĩa “trở nên quen thuộc” với một điều gì đó. Để tạo ra một con đường cần phải trở nên thân thiết với khoảng không gian bên trong, chung quanh và phía trước chúng ta.

Sự thân thiết này xuất phát từ sự quan tâm tới những gì đang bộc lộ trong cơ thể, cảm giác, trí óc và cả thế giới vào mọi lúc. Chúng ta trở nên quen với khẩu vị, cảm giác và kết cấu của con đường. Nó đã ngừng trở thành một điều gì đó mà chúng ta khao khát. Khi lạc mất điều này, chúng ta cảm thấy sự mất mát như một hành động tự phản bội..

Con đường của đạo Phật trở về trước khoảng 2500 năm cho đến thời Gotama, có rất nhiều thế hệ đã tuân theo bước chân của Ngài. Nó chỉ tồn tại khi người ta đã hoàn thành mọi nhiệm vụ, hưởng những món quà và tạo dựng những mối liên kết bên trong cuộc sống của họ. Nếu con đường này tiếp tục đi đến tương lai thì trách nhiệm sẽ thuộc về những người giờ đây đang thực hành nó. Là khoảng không gian dùng chung, nó phụ thuộc vào những ai bước đi trên nó. Nếu thế hệ nào không có khả năng thì tính chất rộng mở mong manh của nó có thể sẽ mất đi.

Tuy nhiên, sự thôi thúc được định hướng tốt nhằm duy trì một tôn giáo có nguy cơ ướp xác nó. Mặc dù bạn có thể thành công trong việc duy trì những thể chế và giáo điều của nó trong một thời gian, nhưng không thể duy trì con đường nhiều hơn so với việc duy trì dòng chảy của con sông hay tiếng rì rào của gió. Một cách lặng lẽ, Mara đã cố gắng đảm bảo cho bản chất của nó là công khai và linh hoạt. Sự tồn tại của con đường đạt được không chỉ bằng việc duy trì mà còn bằng việc đi trên nó - ngay cả khi bạn không có ý tưởng rõ rệt nào về nơi nó sẽ đến.

Khi những tôn giáo lớn mạnh từ những khởi đầu tầm thường trở thành những tôn giáo có giáo hội và chính thống, con đường chật hẹp đã trở thành một xa lộ sáng sủa. Hiểm họa của việc bắt đầu một cuộc hành trình đi vào nơi chưa biết đã được thay thế bằng sự tự tin của việc bắt đầu một cuộc dạo chơi được hoạch định tốt. Từ vô gia cư lại bắt đầu cảm thấy có nhà trở lại. Sự tự do của con đường rộng mở đã thay thế cho công việc vất vả cực nhọc của việc lặp đi lặp lại chu trình những thói quen. Khi chúng ta tiếp tục đi theo con đường có nhiều người lui tới của Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo hay Hồi giáo, có lẽ chúng ta không còn quan tâm đến tính chắc chắn của chúng. Những con đường mòn nguy hiểm đã tách khỏi con đường chính và mất dần trong tình trạng ngổn ngang đã thu hút sự chú ý của chúng ta. Chúng ta nhận ra con đường chúng ta theo có lẽ đã biến mất để trở thành vùng đất không có lối đi.

Một phần của tài liệu sachvui-vn-Suy-ngam-ve-thien-va-ac-stephen-batchelor (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)