kệch trong cuộc xã giao. Người bản lĩnh, như trong mấy chương trước ta biết là người rất tôn trọng nhân-vị-tính của mình cũng như của người, là người lúc nào cũng lo phát huy xã-hội-tính của mình và đoàn thể để thành công.
Theo định nghĩa triết lý của Aristote, con người ai cũng biết, là con vật có lý trí. Có thể nói đơn sơ hơn, con người gồm phần xác và phần hồn. Hai yếu tố nầy cấu thành một thực tế mà người thời đại ta nói như cơm bữa là « nhân vị ». Xét về mặt đối nội và đối ngoại của nhân vị, ta thấy mỗi nhân vị có hai phần : nhân-vị-tính và xã-hội-tính. Nhận vị tính là tính cách của một cá nhân hiện hữu trong xã hội, độc lập, duy nhứt, chuyên biệt. Còn xã hội tính là tính cách hướng xã của từng cá nhân trong cuộc giao tế xã hội. Người ta có thể hiểu xã hội tính theo một nghĩa rộng là tính cách chuyên biệt của hợp đoàn cá nhân gồm những nhân vị để tạo thành một pháp nhân. Khi tôi ở trong rừng sâu, tôi vẫn là nhân vị, tôi có nhân vị tính, tôi cũng có xã hội tính hiểu theo nghĩa hẹp là tự nhiên tôi muốn sống với kẻ khác và vì nhu cầu vật chất hay tinh thần tôi cảm thấy cần sống với xã hội.
Đó là tôi có óc hưỡng xã. Tôi và bạn cùng một số người nào đó, hội họp lại để làm một khối người, khối người ấy tuy gồm những nhân vị của chúng ta, nhưng với tư cách pháp nhân có những đặc tính đặc biệt của nó mà có thể nhân vị không có khi ở cô lập. Về phương diện tâm lý chẳng hạn, theo Gustave Le Bon, cá nhân hợp thành đoàn thể có những lối tư tưởng, ăn nói, hành động phát xuất do cái « hồn của đoàn thể » do sự sống chung. Những nhận xét trên giúp ta am hiểu chân lý nầy là mỗi cá nhân của chúng ta là một thực hiện tình yêu của Thượng đế quan phòng trong chương trình tình yêu vô bờ bến của Người. Chúa Giêsu là Thượng Đế giáng trần đã thần hóa nhơn loại, đã kết hợp những cá nhân lại thành một thân thể mầu nhiệm mà người là đầu và tất cả chúng ta là chi thể. Cái mà người ta gọi là nhơn loại, đại đồng, bốn bể là anh em là cái mà Thượng đế đã đặt định trong chương trình đời đời của Người và Đức Giêsu lúc nhập thể thể hiện cùng phổ biến. Sở dĩ tôi thảo luận cùng bạn những vấn đề có tánh chất triết lý trên là để dọn đường cho câu chuyện dưới đây của chúng ta.
Bặt thiệp mà tôi đề cập cùng bạn, xin bạn đừng hiểu cho như phép lịch sự mà người ta hay quen quan niệm là phương thế lấy lòng người để thành công, thành công hiểu theo nghĩa làm giàu hay được một lợi nào đó.
Bặt thiệp cũng phải chỉ là một mớ công thức xã giao mà người ta dùng trong thời văn minh, ở những chỗ văn minh giữa những người văn minh để tỏ ra mình có học thức, giàu có, vinh sang, không thua người.
Bặt thiệp cũng không phải là những cung cách xã giao mà người nầy trả cho người kia như một thứ nợ sau khi được người ta tiếp đãi tử tế.
Bặt thiệp cũng không phải là lối sống chỉ dành riêng cho chỗ đông người, chỗ có kẻ lạ ; cũng không là một thứ xa xỉ phẩm của kẻ ăn không ngồi rồi, của các bà sang trọng, các cô của xã hội thượng lưu.
Thưa bạn, phải hiểu bặt thiệp trước hết là một tinh thần hướng xã và hợp xã căn cứ trên lòng quý mến nhân vị của tha nhân và nhứt là quí mến Thượng đế nhập thể trong tha nhân. Trong cuốn L'Eveil du Sens social, Henri Pradel có dẫn hai định nghĩa nầy của Georges Guyau và của Jaonen về óc hướng xã. Theo Guyau óc hướng xã là ý thức rõ rệt, dẻo dai, lắm lúc bắt buộc và trịnh trọng của sợi dây nối kết con người và xã hội Ki-tô và những bổn phận mà sợi dây ấy đòi buộc. Còn Jaonen nói óc hướng xã là xu hướng nhận thức và thực hiện nhanh chóng như do bản năng trong một cảnh hướng cụ thể đều phục vụ công ích cách thiết thực. Hai định nghĩa nầy rất chí lý. Ngay trong bản chất con người như tôi đã nói, có vừa nhân vị tính vừa xã hội tính. Người là con vật xã hội. Người dù muốn dù không tự nhiên có xu hướng về cuộc sống quần đoàn. Bạn ở mãi trong phòng kín một mình, không chịu được phải tìm kẻ xung quanh để giao thiệp. Tôi vẫn không thích và không thể ở trong một căn phòng cách cô độc năm nầy qua năm kia dù căn phòng ấy sơn son thếp vàng, có cao lương mỹ vị. Con người tự nhiên « thèm » tha nhân, thấy cần tha nhân. Hơn nữa khi ai cũng cảm thấy cần kẻ khác và nhứt là nhận thấy trong kẻ khác có một thực thể siêu hình là nhơn
loại, nhận thấy toàn thể nhân loại có đời sống cộng đồng trong tinh thần nhiệm thể, nên óc hướng xã có nghĩa là óc phục vụ, hi sinh. Cái tinh thần co rút cá nhân trong tháp ngà, thờ lạy nhân vị của mình, cái tinh thần bài ngoại cách quá khích, chỉ tôn trọng có dân tộc mình là tinh thần phản nhân bản, ích kỷ. Đã làm gương cho nhân loại, tinh thần bốn biển chung chợ, Ki-tô-giáo đã văn minh hóa mọi rợ, giải phóng người nô lệ, gội rửa các chế độ quân chủ và điều chế chế độ dân chủ. Cũng căn cứ vào tinh thần nầy mà một phần tử trong cộng đồng nhơn loại chịu ảnh hưởng Ki-tô giáo không ghét cá nhân của một người thù nào dù người ấy có làm hại cho công giáo, tam điểm mà chỉ bài xích là thuyết xấu từ bản chất thôi. Tôi có nghe một người đệ tam cao cấp nói với tôi : « Phải đã kích từng cá nhân bọn thực dân, kêu chúng bằng thằng. » Tôi phục lòng ái quốc cùng chí tranh đấu của ông ấy nhưng tôi cho ông kém óc hướng xã và không ý thức cộng đồng nhơn loại. Người bản lĩnh khi họ bặt thiệp lo nghĩ rằng các cá nhân trong nhơn loại vì có chung một nhiệm thể nên chia sớt đời sống với nhau. Một chi thể nào bệnh là toàn nhiệm thể cảm đau. Làm ích cho một phần tử là toàn thân sung sướng. Ý thức được tinh thần đó nên André Gide mới buông ra những lời đầy ý nghĩa nầy : « A ! giá mà hết mọi người công giáo trở thành những Ky-tô-nhân thì bây giờ mọi vấn đề đều được giải quyết ». Phải đó, một số công giáo dân và đại đa số người ngoài công giáo chỉ lo cuộc sống ích kỷ của cá nhân, gia đình, dân tộc, nên thế giới phải lăm le bên lò thuốc súng mà không biết viễn tượng ngày mai sẽ ra thế nào.