Có hạng người tự bản chất giả dối, trong bụng không muốn ai ăn uống gì hao tốn của mình, khinh người nữa,

Một phần của tài liệu Ebook Người bản lĩnh: Phần 2 (Trang 33 - 37)

muốn ai ăn uống gì hao tốn của mình, khinh người nữa, nhưng bên ngoài, ối thôi, môi mép và môi mép. Họ chào. Họ cười. Họ lăn xăn bắt tay. Họ siết tay. Họ nhìn âu yếm. Họ niểng đầu, họ nhăn mặt sao đó, tỏ ra cảm thông. Họ hỏi thăm lung tung. Họ mời mọc lăng nhăng. Nhưng lòng họ là cáo già. Cách chung họ chỉ bịp được những tâm hồn nông

cạn. Còn những con người từng trải gớm lối xã giao của họ như cùi.

Đức hợp quần rất cần thiết cho con người thể hiện óc hướng xã để vừa tỏ tinh thần bác ái với tha nhân vừa mưu cho mình những thành công lương thiện. Muốn có đức nầy nhứt định phải được giáo luyện. Trong nhiều tác phẩm trước nhứt là trong « Rèn nhân cách », tôi đã than phiền về lối giáo dục không chuẩn bị con người ra xã hội. Ở đây vì sự quan trọng của vấn đề, tôi nói thêm vài ý căn bản. Trong cuộc sống xã hội người ta có thể tha thứ sự dốt nát. Vả lại có khi người ta không bàn đến hay thương xót người kém văn hóa. Nhưng nhứt định mất dạy, thô lỗ thì không ai chịu được. Tuổi xuân nào sớm muộn rồi cũng ra cuộc đời, ở đó có trăm nghìn lối sống, gặp trăm ngàn thứ tâm hồn tế nhị khác nhau. Vậy mà tuổi xuân không được đầy đủ uốn nắn về xã dục. Tôi nói không được đầy đủ để nói rằng trong gia đình, ở học đường người ta cũng có dạy, nhưng hình như, nhứt là ở thời đại nầy, người ta lo đẩy mạnh nền giáo dục chủ tri, quảng cáo sự chụp giựt cấp bằng nên sự giáo luyện về tâm đức làm cho lấy có. Đầu năm 1960 tôi đọc vài tờ nhựt báo và báo chí, thấy ở Việt nam có sự than tiếc về « phong trào » thiếu niên phạm pháp. Mà ở Mỹ, ở Pháp và nhiều nước khác cũng vậy. Không lạ gì đâu : ai gieo gió thì gặp bão. Trong « Người Chí Khí » tôi nói con nít mới lớn lên là một tên mọi rợ, trong nó tàng trữ cái mầm giống của con người hạ. Nhà giáo dục là cha mẹ và thầy giáo có nhiệm vụ vừa tiêu cực giúp chúng chế ngự con người hạ đó, vừa tích cực đào luyện cho chúng những đức tánh nên người. Nhà giáo dục non tay ấn, tuổi trẻ không để ý

gì sự tự luyện thì con người hạ của thiếu niên chỉ còn bị rào bởi cái lưới lễ giáo, dư luận. Chừng nào có cơ hội thì chúng xé lưới nầy mà làm xằng. Chúng chọc gái. Chúng ăn mặc kiểu kép hát. Chúng đánh lộn. Chúng ăn cắp. Chúng du hí. Chúng trốn học. Một phần, tại không ai giúp chúng chế ngự con người hạ đầy chất man rợ, con đẻ của nguyên tội, một phần, tại người lớn trong gia đình và xã hội « dạy » chúng. Tôi bàn rộng vấn đề nầy trong « Con đường giáo dục mới ». Ở đây xin mời bạn nghĩ một điểm nầy. Ngày nay người lớn chúng ta than phiền thiếu niên chọc gái, nghĩa là chúng ta muốn nói tình yêu sao sớm quá và dậy cách sai quấy trong chúng. Mà một phần tại chúng ta. Trong gia đình nhứt là ở thành phố ngày nay cha mẹ lấy làm văn minh ở chỗ tỏ lòng âu yếm với nhau công khai, đùa giỡn nhau trước mặt con cái. Ông cha ăn mặc trống trải để đi tắm. Bà mẹ theo thời trang ăn mặc lõa lồ. Khách người lớn đến nhà ăn mặc như thiếu vải, tán đủ thứ chuyện tình. Radio cơ hồ như ngày đêm rót vào tai con nít những chuyện tình cải lương, hát bội. Tôi biết kết cùng chuyện tình là đạo đức. Nhưng phải lớn tuổi mới thấy được kết cùng ấy. Mà sợ lớn có khi không thấy được nữa. Thiếu niên nhứt, là con nít chưa sạch máu đầu, lòng trắng như tờ giấy mới, có biết gì bề trái của xã hội, có hiểu gì sự éo le của tình duyên để học khôn. Chúng xin ăn, khi sắp ngủ, khi ngồi học khi chơi khi mơ mộng đều thường nghe những nhân vật xấu trong tuồng kịch la ó cách thô bỉ những tiếng ân ái, chọc ghẹo, lừa bịp, năn nỉ v.v... Con người hạ của chúng như bông gòn và sự lớn lên của chúng như dầu săng, còn các gương xấu ấy như lửa. Nên chúng thiên về đường xác thịt bậy và

sớm chẳng lạ gì. Nói không phải tôi chủ trương đả đảo tuồng kịch có đề tài tình. Không. Người ta có thể sửa xã hội bằng cách ngạo cười bề trái của xã hội. Người xưa chẳng đã nói : « Người ta sửa phong tục bằng cười cợt : castigat ridendo mores. » Nhưng cha mẹ phải khôn ngoan giúp con cái mình khỏi sớm nhiễm những gì có thể làm cho lòng thú của chúng chồm dậy. Tôi chỉ mới nói ảnh hưởng của Radiô, còn nào điện ảnh, tiểu thuyết khiêu dâm, báo chí bươi móc đời tư tồi bại của thiên hạ v.v... Óc hướng xã của con người ngay khi còn măng trẻ mới mọc lên đã bị theo đường tà. Cách chung chúng ta thấy tinh thần hợp quần ít được giáo luyện đúng đắn. Chúng ta phải tự luyện bằng những kinh nghiệm nhiều khi rất đau xót. Có người gần suốt đời người vẫn thấy xã giao lúng túng. Một phần tại không thói quen bặt thiệp mà nhứt là tại lúc thanh niên lòng ích kỷ không được trấn áp. Ai trong chúng ta mà không tự nhiên ích kỷ. Ngay từ lúc nhỏ đứa bé đã biết la khóc để đòi bú, vài tháng là biết đòi vật nầy vật nọ, trọng trọng là giành đồ chơi với đứa bên cạnh, có khi ôm cả đống đồ chơi nào banh, ngựa cây, súng giả, hòn bi mà còn tóm luôn búp bê, gà, ngỗng bằng cao su. « Cái tánh » tham nếu không trừ được thành « tật » tham. Mà đã là tham thì còn nói gì hi sinh lúc xã giao với người xung quanh.

Trong khi xã giao, người có óc hợp quần hiểu theo nghĩa đúng đắn, không phân biệt cá nhân của kẻ mình giao tiếp. Vẫn tôn trọng chức vị, nhưng trong thâm tâm phải chủ trương rằng tất cả mọi người đều đồng đẳng và bình đẳng trước mặt Thượng đế. Gặp ai ta vui vẻ chào hỏi, dù buồn khổ trong lòng đến đâu ta vẫn bắt tay hay cúi đầu niềm nở không

phải tại vì người đó có chức vị cao, có lắm tiền, có duyên dáng, nhan sắc mà chỉ tại họ là một nhân vị ta phải quí trọng, họ là một phần tử trong đại gia đình nhơn loại ta phải coi như huynh đệ. Hiểu lịch sự như vậy không thể nào ta xã giao mà khinh người, mà môi mép bên ngoài để lường gạt, vụ lợi. Tôi sẽ bàn cùng bạn riêng những cách thi hành đức hợp quần trong cuốn « Đức bặt thiệp ».

Một phần của tài liệu Ebook Người bản lĩnh: Phần 2 (Trang 33 - 37)