8. Kết cấu luận văn
3.1.2. Bám sát mục tiêu, kế hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên của Trường Chính
Trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên và Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên cũng đã xây dựng phương hướng chung, mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên Nhà trường giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến 2030. Theo đó, về phương hướng chung, Nhà trường xác định sẽ tích cực, chủ động áp dụng đồng bộ mọi biện pháp nhằm xây dựng, kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp mẫu mực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có năng lực sư phạm, phong cách làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Nhà trường trong thời kỳ mới. Xây dựng đội ngũ giảng viên tiên phong trong đổi
mới phương thức giảng dạy, nhuần nhuyễn kỹ năng vận dụng, liên hệ thực tiễn trong giảng dạy lý luận; tiên phong trong xây dựng văn hóa trường chính trị, nâng cao đạo đức nhà giáo; tăng cường mạnh mẽ việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Từ phương hướng chung đó, Nhà trường xác định các mục tiêu chung là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên về mọi mặt, gồm: cơ cấu (cơ cấu số lượng, chuyên ngành đào tạo, giới…); phẩm chất chính trị, năng lực, chất lượng giảng dạy, khả năng nghiên cứu khoa học… đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới trường chính trị trong tiến trình hội nhập. Cùng với đó, các chỉ tiêu cũng đã được đặt ra nhằm lượng hóa mục tiêu trong quá trình triển khai thực hiện, cụ thể gồm:
+ Phấn đấu đến năm 2023 toàn trường có 70% đội ngũ giảng viên được đào tạo về Cao cấp LLCT, năm 2026 là 100% được đào tạo.
+ Năm 2023 sẽ có 100% số giảng viên có trình độ thạc sĩ.
+ Phấn đấu đến năm 2025, Nhà trường có 03 tiến sĩ. Phấn đấu đến năm 2030 có được toàn trường sẽ có 06 tiến sĩ.
+ Giai đoạn 2021 – 2025, hoàn thiện và áp dụng khung đánh giá năng lực, phẩm chất, đạo đức đội ngũ giảng viên với những tiêu chí, thước đo cụ thể. Khung đánh giá năng lực, phẩm chất, đạo đức là công cụ để đánh giá chất lượng giảng viên trên mọi mặt hàng tháng, hàng quý và cả năm.
+ Giai đoạn 2025 – 2030, tối thiểu 70% trở lên giảng viên được chuẩn hóa, có trình độ chuyên môn phù hợp chức danh, VTVL, thành thạo phương pháp nghiên cứu khoa học và phương pháp giảng dạy hiện đại.
+ Đến năm 2022, 100% giảng viên được đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao về phương pháp giảng dạy hiện đại; sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện hiện đại, nâng cao hiệu quả các mặt công tác; có ý thức trách nhiệm, tinh thần thái độ công tác văn minh, hiện đại.
Trên cơ sở phân tích biến động về đội ngũ giảng viên của Nhà trường giai đoạn 2021 – 2025 và giai đoạn 2025 – 2030, Nhà trường cũng đã xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng từng giai đoạn có thể thực hiện theo phương án và lộ trình cụ thể, trong đó:
* Giai đoạn 2021 – 2025:
- Cử các giảng viên có trình độ đào tạo chuyên ngành Triết học, Tư tưởng Hồ Chí Minh đi nghiên cứu nâng cao trình độ ở các chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học và đào tạo, hoặc bồi dưỡng chuyên sâu để đảm nhận phần tình hình, nhiệm vụ địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, 100% giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Đào tạo chuyên sâu, hoặc đào tạo chuyên ngành cho 03 giảng viên của Khoa Xây dựng Đảng để đảm nhiệm tốt hơn nội dung quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
- Cử các giảng viên của Khoa Nhà nước và Pháp luật có trình độ đào tạo ở chuyên ngành Hành chính công được sắp xếp học nâng cao theo hướng chuyên ngành về kỹ năng, phương pháp giảng dạy, kỹ năng lãnh đạo, quản lý…
- Về trình độ chuyên môn: Xây dựng kế hoạch đào tạo trình độ thạc sĩ cho 03 giảng viên được đào tạo trình độ tiến sĩ.
- Về trình độ LLCT: Xây dựng phương án đào tạo Cao cấp LLCT.
* Giai đoạn 2025 – 2030
- Khoa Lý luận cơ sở: 07 giảng viên với các chuyên ngành Triết học (03 giảng viên), Hồ Chí Minh học (01 giảng viên), xây dựng đảng và chính quyền nhà nước (01 giảng viên), lịch sử đảng (01 giảng viên) kinh tế chính trị (01 giảng viên). Nếu phương án chuyển đổi, nâng cao trình độ theo phương án giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện hoàn tất, thì giai đoạn này, Khoa có thêm 01 giảng viên chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học, 01 giảng viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu đảm nhận phần tình hình, nhiệm vụ địa phương. Về cơ bản mỗi chuyên ngành chính sẽ có 01 đến 02 giảng viên đảm nhận.
- Khoa Xây dựng Đảng: 7 giảng viên. Khi phương án giai đoạn trước được thực hiện, Khoa lúc này sẽ có đủ các giảng viên đảm nhiệm các chuyên ngành.
- Khoa Nhà nước và Pháp luật: 05 giảng viên. Khi phương án giai đoạn trước được thực hiện, Khoa lúc này sẽ có đủ các giảng viên đảm nhiệm các chuyên ngành: Luật (02 giảng viên), hành chính (02 giảng viên); kỹ năng lãnh đạo, quản lý, phương
pháp giảng dạy (01 giảng viên).
* Cơ cấu về trình độ đến năm 2030:
- Về trình độ chuyên môn: Xây dựng kế hoạch đào tạo trình độ tiến sĩ với số lượng khoảng 02 đến 03 giảng viên ở các chuyên ngành thuộc khoa Lý luận cơ sở và Xây dựng Đảng.
- Về trình độ lý luận chính trị: Xây dựng kế hoạch đào tạo Cao cấp LLCT cho từ 08 đến 10 giảng viên theo các phương án biến động đã phân tích trên[36,tr.60].
Để đạt được các chỉ tiêu trên, Nhà trường sẽ thực hiện các biện pháp để có thể tăng cường thêm đội ngũ giảng viên có chất lượng. Đổi mới công tác tuyển dụng giảng viên phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tính đặc thù của ngành nghề. Cùng với đó, Nhà trường sẽ tham mưu cho tỉnh Thái Nguyên phương án tuyển dụng, xây dựng khung tiêu chí chuẩn để tuyển dụng những người có thể tiếp cận và thực hiện ngay được nhiệm vụ của giảng viên. Tránh tình trạng, tuyển người có bằng cấp nhưng không có năng lực giảng dạy thực sự. Nhà trường phải là đơn vị xét tuyển trực tiếp mới có thể đánh giá được chính xác năng lực của người dự tuyển giảng viên.
Ngoài ra, để tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ giảng viên, Nhà trường cũng có kế hoạch tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch mở và các vị trí lãnh đạo, quản lý. Khi được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, giảng viên sẽ có ý thức nâng cao tinh thần trách nhiệm, rèn luyện phẩm chất chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và điều chỉnh lối sống phù hợp hơn. Cùng với đó, có những chính sách cụ thể trong việc “thu hút nhân tài” về công tác tại Nhà trường. Bởi hoạt động của Nhà trường, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu và giảng dạy đòi hỏi phải được đảm nhận bởi những người có “thực tài”, những người được đào tạo một cách bài bản, có kiến thức sâu rộng, đạo đức trong sáng và lý tưởng cao đẹp.
Trong quá trình sử dụng những giảng viên, những đồng chí có năng lực, phẩm chất tốt, có tinh thần phấn đấu vươn lên cần có những cơ chế sử dụng một cách hợp lý, quán triệt tư tưởng dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”[25, tr.43]. Nhà trường sẽ luôn đề cao nguyên tắc bố trí giảng viên theo đúng năng
lực, sở trường, đúng người, đúng việc, luôn quan tâm định hướng giúp họ hiểu rõ mọi mặt công việc của mình; tạo môi trường làm việc tốt để phát huy hết năng lực, sở trường, tạo cơ hội để phát triển.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đổi mới phương pháp và làm tốt công tác đánh giá đối với đội ngũ giảng viên, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển, điều động, đặc biệt quan tâm đến giảng viên có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực công tác trong diện quy hoạch để luân chuyển, điều động. Thông qua đó, giúp cho giảng viên nhanh chóng trưởng thành từ thực tiễn, xây dựng đội ngũ giảng viên cho những năm sau. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở các khoa, để phục vụ yêu cầu giai đoạn trước mắt và lâu dài. Tích cực hơn nữa trong thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI.
Như vậy, việc đánh giá đội ngũ giảng viên của Nhà trường trong thời gian tới cần phải căn cứ trên cơ sở phương hướng, bám sát mục tiêu và các chỉ tiêu hết sức cụ thể về phát triển đội ngũ giảng viên mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên và Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã đặt ra. Đây cũng là mục tiêu quan trọng cho hoạt động đánh giá nhằm đảm bảo tính khả thi và giúp cho định hướng đánh giá đối với giảng viên đạt được hiệu quả, gắn với sự phát triển chức nghiệp của từng cá nhân giảng viên của từng đơn vị đã được quy hoạch rõ ràng theo các vị trí công việc trong kế hoạch của Nhà trường.