6. Bố cục của khóa luận
3.2.1. nghĩa của sự sống và cái chết
Giọng điệu triết lí bình luận trong trường ca xuất phát từ hai lí do. Thứ nhất, xuất phát từ đặc trưng thể loại, trường ca là tác phẩm trữ tình giàu chất trí tuệ, có khả năng tổng hợp cao và phạm vi phản ánh hiện thực cuộc sống rộng lớn cả bề sâu và chiều rộng. Thứ hai là xuất phát từ nhu cầu nhận thức của bản thân và thời đại của nhà thơ.
Trước năm 1975, nếu như, thơ ca nói chung và trường ca nói riêng mang âm hưởng sử thi, khuynh hướng giọng điệu ngợi ca, khẳng định, tự hào là chủ yếu thì sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, khuynh hướng sử thi nhạt dần và thay vào đó là khuynh hướng đậm chất đời tư, thế sự. Các tác giả trường ca đã có dịp để kiểm chứng, nghiệm suy về những gì đã qua. Các tác giả suy tư, triết lý về những vấn đề nhân sinh muôn thuở của con người, đó là sự sống, cái chết, niềm hạnh phúc lẫn nỗi khổ đau:
Cái chết không khổ đau và không hạnh phúc
Bao câu chuyện trầm luân thành truyền thuyết hôm qua Đã lùi xa, đã trở về với đất
Thành cánh đồng muôn thuở cỏ ru ca.
(Trên đường- Trần Anh Thái)
Vì thế thơ ca nói chung và trường ca nói riêng lúc này giọng điệu đã thâm trầm hơn, sâu lắng hơn với những sắc màu mang bình diện mới. Có thể nhận thấy điều này qua tính đa tầng của giọng điệu trong trường ca. Các tác giả đã không ngại ngần khi khi nói đến những đau thương mất mát, những cái chết bi thương, anh dũng của đồng đội, người thân trong cuộc kháng chiến trường kì và dằng dặc đó:
Nếu đồng đội tôi trở về đông đủ cả Sư đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn?
(Trường ca Sư đoàn- Nguyễn Đức Mậu)
Trải nghiệm cuộc chiến, cũng như các nhà thơ chiến sĩ khác, Hữu Thỉnh cảm nhận sâu sắc nỗi đau của dân tộc mấy mươi năm oằn mình hứng chịu đạn bom… Vì thế với con người trong cuộc chiến ấy, sự sống cái chết thật mỏng manh:
Bè bạn xanh rờn ngày nhập ngũ Thành vô danh trên khắp địa bàn
Thành tướng lĩnh cầm quân trận cuối Thành sử sách một thời không lặp lại.
(Đường tới thành phố)
Chiến tranh đã qua đi, nỗi đớn đau, cái mất mát, cái dằn xé cứ âm ỉ, dai dẳng trong lòng người. Giọng thơ nghiêng dần về sự triết lý, chiêm cảm khi nghĩ về sự hi sinh, chết chóc của bạn bè, người thân, đồng đội. Nó còn tiếp tục chảy thành dòng nghĩ suy về cuộc sống trong thời bình. Vẫn còn đó những mảnh đời tàn tạ, leo lắt, võ vàng… và trở thành “những khúc ca trăn trở, suy tư của một cái tôi cá nhân tâm huyết về thân phận con người với một nghệ thuật truyền cảm, đầy nhiệt huyết và đằm sâu chất triết lý” [24, tr, 35].
Xuất phát từ cảm hứng chủ đạo về đất nước, dân tộc và nhân dân, giọng điệu triết lý, chiêm nghiệm và suy tư về số phận con người đã trở thành dấu ấn riêng trong trường ca của Hữu Thỉnh:
Chị vẫn búi tóc cao hơn, chịu thương chịu khó Mẹ vẫn đong bữa ăn bằng chiếc lon nho nhỏ Quá nửa những cánh đồng dành cho đứa con xa.
(Sức bền của đất)
Sự lí giải này được nhà thơ “thể nghiệm qua tư duy phân tích tổng hợp và đạt chiều sâu trong sự tổ chức và kết cấu hình tượng người lính, người mẹ, người chị” [33]. Những con người giản dị ấy, họ lặng lẽ cống hiến và lặng lẽ hi sinh, họ đâu biết mình vĩ đại. Chính vì “lặng lẽ hi sinh và vì thế mà họ lặng lẽ vĩ đại” [21, tr.33]. Hữu Thỉnh đã tinh tế nhận ra điều đó:
Mẹ cả nghĩ và bố thường ít nói
Lúa đồng mình mỏi mắt vẫn chưa hoe.
Từ triết lý, chiêm cảm về số phận con người, Hữu Thỉnh đã có những câu thơ xúc động khi viết về mẹ. Là một người con đi đánh giặc xa gia đình, bao giờ Hữu Thỉnh cũng canh cánh một lòng nhớ về người mẹ tần tảo ở quê hương:
Lạt chẻ nghiêng đan quạt nan cho mẹ Thổi nắng đi cho mẹ chút thư nhàn
(Trường ca biển)
Trong trường ca Hữu Thỉnh, người đọc có thể bắt gặp những ưu tư, chiêm cảm về cuộc đời người mẹ. Một đời vất vả, lo toan, lầm lũi “thân cò”, để bây giờ tuổi trẻ, nhan sắc trôi qua tự bao giờ, mẹ chẳng buồn biết, chỉ có người con nhận ra và kịp xót xa.
Ai ơi khêu lửa làm chi? Mẹ đang chạy bữa
Làm sao lấy lại thời son trẻ Thời son trẻ hoa xoan?
(Trường ca biển)
Bằng chất giọng trầm ấm đầy trăn trở khi viết về mẹ. Hữu Thỉnh đã bộc lộ nỗi xúc động về mẹ với tấm lòng thương yêu, tôn kính của đứa con: “Ta chưa một lần nói được nên lời/ Lòng ta với mẹ/ Xanh náo nức trời mùa khô rất trẻ/ Hầm hập quanh người đất đổ mồ hôi” [12, tr.14].
Bên cạnh những vần thơ mang âm hưởng triết lý, suy tư, lý giải về số phận người mẹ, Hữu Thỉnh còn dành những câu thơ hay để viết về hình ảnh người chị:
Ngày anh trống chỗ trong hàng
Mây đen một mảnh nhỡ nhàng về quê Có chiều cỏ đắng trên đê
Vào ra có chị đi về lẻ loi.
(Trường ca biển)
Hình ảnh người chị trong trường ca Hữu Thỉnh là một người phụ nữ gặp nhiều éo le, ngang trái, hẩm hiu góa bụa khi đang độ tuổi má hồng, khi đang ở thời xuân sắc:
Ngày anh về Lúa đồng cúi hạt
Nước mắt đi trước người
Mộ anh đặt nơi chăn trâu thuở nhỏ Cỏ đeo sương đường kẻ vấp
Mãn tang anh chị vẫn chưa già.
(Trường ca biển)
Giá trị nhân bản ở trường ca Hữu Thỉnh được bộc lộ ở chất giọng đằm sâu, triết lý khi nhà thơ nhận ra “sự vĩ đại của dân tộc mình chính trong những giọt nước mắt, từ những người vợ vọng phu, qua sự cao khiết của nỗi buồn” [31]. Những giọt nước mắt của người “vợ vọng phu” ấy tràn ra tuyến lệ, ướt làn mi, chảy dằng dặc qua những tháng ngày:
Chị đợi chờ quay mặt vào đêm Hai mươi năm mong trời chóng tối Hai mươi năm cơm phần để nguội.
(Trường ca biển)
Sự chờ đợi ấy đã kéo thành nỗi mỏi mòn và vô vọng trong sự bất lực và đớn đau. Trái tim con người không thể đóng băng mãi nên rốt cục đắng cay vẫn một mình người phụ nữ hứng chịu âm thầm:
Tôi lớn lên
Có người thắt cổ sau chùa Không ai kịp khóc
Chị đã sống mười chín năm
Người ta xóa đi trong nửa giờ đưa đám Người ta coi cuộc tình là tội phạm
Cây phướn sầu trên mặt đất hoang mang.
Bằng chất giọng triết lý, suy tư, chiêm nghiệm, Hữu Thỉnh đã bộc lộ nỗi xót đau thấm thía về số phận, thân phận con người. Rõ ràng, ‘‘quan tâm đến thân phận, không ngừng chiêm cảm, triết lý về thân phận con người là sợi dây nhất quán chảy suốt đời thơ Hữu Thỉnh [26]. Chính vì thế, khi đọc trường ca của ông, dường như “đoạn thơ nào ông cũng nóng lòng trả về cho thơ, chốt lại một nỗi niềm triết lý nào đó” [7, tr.56].
Không có cái chết nào nhục nhã hơn là sống không phải mẹ?
Bao hiểm nguy con xin lại bắt đầu
Con xin lại bắt đầu bằng lời ru trong suốt Ra sông lấy sóng mà yêu
Đường xa gặp núi lấy đèo mà tin
(Trường ca biển)
Hình ảnh người mẹ trong thơ Hữu Thỉnh không chỉ là hình ảnh người phụ nữ bao dung, giàu đức hi sinh mà còn là người truyền dạy những kinh nghiệm sống để vượt qua những gian nan, thử thách, bao sóng gió đang đợi chờ ở phía trước:
Mẹ đã nuôi con lớn Đã dạy con khôn
Sống sướng vui và đau khổ với con người Sống dễ dàng và khó khăn với con người Sống cởi mở và phòng xa với con người.
(Trường ca biển)
Đắm sâu vào thế giới nghệ thuật trường ca Hữu Thỉnh, người đọc nhận ra bản chất triết lý trong trường ca của ông bắt nguồn từ những vấn đề liên quan đến số phận và cuộc đời con người. Nó như “những câu hỏi tu từ vang lên riết róng như là sự hối thúc cái tôi trữ tình cá nhân đi tìm giải mã bản chất
cuộc sống, con người và số phận” [39]. Đó là những câu hỏi mang tính triết lý của mọi người, của mọi thời và của mọi thế hệ:
Tình là gì mà trái đào xà tích? Duyên là gì mà em phải xa anh? Gặp nhau vẫn gặp mà đành quay đi Tóc em dài gội lá đài bi
Cuộc tình ngắn bỏ buồn cho bến vắng.
(Trường ca biển)
Chất giọng triết lý trong trường ca Hữu Thỉnh có thể được xem như là cái đích để con người vươn tới chiếm lĩnh và khám phá.
Giáo sư Nguyễn Lộc rất tinh tế khi nói: “Chúng ta cần có những bài thơ hay, súc tích và chúng ta cũng cần những câu thơ hay, súc tích như những châm ngôn, những triết lý” [27]. Có thể nói rằng tính triết lý và giọng điệu triết lý, chiêm nghiệm đã làm trường ca Hữu Thỉnh mang một tầm sâu mới khi thấm sâu trong từng lớp hình tượng mang ý nghĩa chiêm nghiệm, lí giải về số phận con người. Bởi có lẽ: “Hữu Thỉnh vẫn thường suy tư về lẽ đời, về sự tồn tại của các số phận cá nhân, về sự suy thoái của các giá trị nhân sinh. Đó không phải là những suy tư trừu tượng, những triết lý đại ngôn mà là những suy tư xuất phát từ những cảm nhận rất riêng của một trái tim đa cảm” [7, tr.50].