1.4.3.1. Da thuộc là nguyên liệu chính của sản xuất giầy
Trong công nghiệp sản xuất giầy thì da thuộc là một trong những loại vật liệu được sử dụng nhiều nhất, cho các sản phẩm có tính thẩm mỹ, tính tiện nghi cao và đem lại giá trị lớn cho sản phẩm. Trong một sản phẩm giầy, da thuộc được sử dụng để làm nhiều chi tiết khác nhau trong đó chủ yếu được dùng làm đế giầy và mũ giầy.
✓ Da làm phần mũ giầy
Mũ giầy là chi tiết quyết định tới tính thẩm mỹ và sử dụng của sản phẩm giầy. Trong quá trình sản xuất và sử dụng giầy, các chi tiết mũ giầy phải chịu các dạng biến dạng khác nhau. Do vậy, da làm mũ giầy cần có các yêu cầu chặt chẽ như: Bền với bẻ uốn và kéo giãn nhiều lần; bền với các tải trọng va đập và ma sát; bền với tác động của ẩm, mồ hôi, bụi, các chất hoá học, nhiệt độ cao.
Hình 1.8: Da thuộc sử dụng trong các chi tiết của mũ giầy
Da thuộc crôm dùng làm mũ giầy cần phải có cảm giác mềm mại, được thuộc bình thường bằng các muối crôm và được tẩm dầu (mỡ), được nhuộm đều (ngoại trừ một số loại được hoàn thiện đặc biệt), không có các lỗi bề mặt, có độ dày đồng đều theo toàn diện tích, có mặt trái nhẵn.
So với da dày làm đế giầy, da làm mũ giầy mềm và bai giãn hơn, có độ thẩm thấu không khí và hơi tốt, mỏng hơn, và ngoại hình đẹp hơn. Điều quan trọng là ngoại hình đẹp của da cần được duy trì trong quá trình sử dụng giầy và dễ khôi phục khi vệ sinh. Da cần đảm bảo các yêu cầu thẩm mỹ, chúng phải có cảm nhận đầy đặn, có gam màu theo mẫu mốt thời trang.
Da thuộc crôm làm mũ giầy được sản xuất có dạng da nguyên con, da nửa con, da đầu cổ, da không bụng, da ngựa phần lưng v.v. Tuỳ thuộc vào phương pháp hoàn
thiện có các loại da nhẵn và da sờm có mặt tự nhiên hoặc nhân tạo, da nubuc (có bề mặt được mài sờm nhẹ), da sờm (veliur) (có mặt phải hoặc mặt trái được mài sờm).
Theo chất lượng có 4 cấp da.
Theo diện tích có 7 nhóm. Nhóm 1 da có diện tích 20 - 40 dm2, da nhóm 7 có diện tích trên 200 dm2.
Theo loại da thì da làm mũ giầy gồm có: Da cật và da váng:
- Da cật làm mũ giầy: Đây là loại da còn giữ được toàn bộ mặt cật hoặc một phần mặt cật của da nguyên liệu. Da để nguyên mặt cật thường được làm từ da nguyên liệu tốt, ít lỗi, được nhuộm màu và hoàn tất anilin. Da nguyên liệu có lỗi thường được đánh mặt cật (mài mặt cật) và tráng phủ lớp polyme hoàn tất.
- Da váng da nhận được khi xẻ tách lớp bì phu của da. Theo mục đích sử dụng (tuỳ thuộc vào độ dày, tỷ trọng và đặc trưng hoàn thiện) mà có loại da váng cho mũ giầy nặng, cho mũ giầy đi hàng ngày, da sờm và sandal. Ba loại đầu được làm từ da động vật lớn có sừng và da ngựa, da váng làm sandal được làm từ da lợn.
Da váng có loại nhẵn hoặc mài sờm, theo màu sắc có loại màu tự nhiên, màu đen, màu trắng và các màu khác. Tuỳ thuộc vào độ dày, có các loại da váng dày, trung bình và mỏng. Da váng cần được thuộc đều, không cứng, nhuộm đều. Da váng sờm cần có lớp lông ngắn cùng ánh màu.
Da làm lót dùng để làm các chi tiết lót. Chúng nhận được từ các bán thành phẩm hỏng không phù hợp làm da cho mũ giầy trong quá trình thuộc da. Da lót được phân loại theo dạng thuộc, màu sắc và đặc trưng hoàn tất (từ phía mặt phải hoặc từ mặt trái). Da làm lót bị mài mòn chủ yếu do cọ sát với bàn chân và tác động của mồ hôi.
Ngoài ra còn có các loại da khác được sử dụng làm các chi tiết của mũ giầy như: Da có lớp bề mặt tự nhiên, da mềm, da cải tạo mặt cật v.v.
✓ Da làm phần đế giầy
Da làm phần đế giầy được thuộc từ các bộ da động vật lớn có sừng, da lạc đà, da lợn, da động vật biển và da ngựa (phần lưng) với việc sử dụng các chất thuộc thực vật, tổng hợp và vô cơ, cũng như kết hợp chúng.
Trong đế giầy, da thuộc có thể được sử dụng để làm nhiều chi tiết khác nhau như: Đế trong, riễu, phủ gót, pho hậu, pho mũi và các chi tiết phần đế giầy khác.
Hình 1.9: Da thuộc sử dụng trong các chi tiết của đế giầy
Da làm phần đế giầy được thuộc ở dạng da nguyên con, da nửa con, da phần lưng, da nửa phần lưng, da bụng và cổ, da bỏ bụng. Thường thì da làm phần đế giầy được sản xuất ở dạng tự nhiên hoặc có màu sáng tuỳ thuộc vào màu nhận được sau khi thuộc. Tuỳ thuộc vào độ dày ở các điểm tiêu chuẩn, có nghĩa là các điểm được ấn định theo các tiêu chuẩn, mà da làm phần đế giầy được chia thành 6 nhóm: Nhóm I da dày, có độ dày hơn 5mm, nhóm VI da có độ dày 2,6 - 3 mm. Da có độ dày còn lại là da nhóm II - V. Độ dày của da nhóm V và VI không đủ để làm đế giầy, bởi vậy chúng chủ yếu làm đế trong.
Yêu cầu đối với da làm đế giầy và đế trong là độ bền nén thủng, độ bền bẻ uốn, kéo giãn nhiều lần, bền mài mòn, bền mồ hôi và bền mài mòn ướt, không thay đổi kích thước và hình dạng dưới tác dụng của ẩm.
1.4.3.2 . Phế liệu da thuộc trong sản xuất giầy
Trong sản xuất sản phẩm da giầy không tránh khỏi phát thải phế liệu. Lượng phế liệu tạo ra do không thể sử dụng hữu ích 100% diện tích vật liệu. Theo báo cáo của Hiệp hội Da giầy Việt Nam, đến năm 2016, dự kiến khoảng 45 nghìn tấn da thuộc cứng và 4 triệu m2 da thuộc mềm sẽ được sử dụng hàng năm trong sản xuất các sản phẩm da giầy. Với tỷ lệ phát thải trong sản xuất giầy của Việt Nam vào khoảng 15 - 20% thì lượng da thuộc phế liệu tạo ra là vô cùng lớn với ước tính lên tới hàng chục nghì tấn mỗi năm.
Thông thường mức độ tận dụng vật liệu da thấp hơn các loại vật liệu khác, chỉ đạt mức trung bình 60 - 90%.
Bảng 1.3: Mức độ sử dụng da theo cấp và loại chi tiết giầy
Loại da Cấp (loại) da Phần trăm sử dụng (%)
Da thuộc crôm làm mũ giầy I IV 72÷83 61÷68 Da làm phần đế giầy I IV 68÷84 60÷79 Da làm lót I IV 62÷84 54.5÷66 Vải làm mũ giầy I II 72÷97 72.5÷96
Khả năng tận dụng da thuộc trong sản xuất giầy phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau: ✓ Hình dạng và diện tích con da:
Với cùng diện tích da và các dưỡng, từ con da nguyên nhận được phế liệu biên nhiều hơn từ phần da lưng (2%), da cổ (4%) và da bụng (6%). Hình dạng tối ưu của con da mà với nó tạo thành ít phế liệu biên nhất đó là hình vuông, sau đó là hình dạng phần lưng, da hình cá, nửa tấm, da nguyên con.
Tỷ lệ riêng về diện tích các chi tiết quan trọng trong đồng bộ sản phẩm và vùng da không chắc (tốt): Da không đồng nhất theo diện tích. Các vùng da khác nhau có độ dày và cấu trúc khác nhau, và như vậy, các chỉ số tính chất cơ lý cũng khác nhau. Da lưng là phần có mật độ và độ bền chắc nhất. Nó chiếm 45 - 55 % diện tích con da. Từ phần da này pha cắt các chi tiết quan trọng của mũ giầy và đế giầy cũng như các chi tiết sản phẩm da. Các vùng da biên (cổ, bụng, chân, nách) có chất lượng kém hơn do có mật độ nhỏ, độ dày giảm xuống và độ bai giãn tăng lên, đựơc pha cắt thành các chi tiết kém quan trọng hơn.
✓ Độ dày của da và đặc trưng phân bố theo diện tích:
Độ dày của da là một trong những yếu tố xác định các tính chất và mục đích sử dụng của da. Yếu tố độ dày da cứng và đặc trưng phân bố của nó theo diện tích
có ảnh hưởng đến việc sử dụng da. Da càng dày thì càng pha cắt được nhiều chi tiết quan trọng cho phần đế giầy và tăng được giá trị sử dụng của chúng.
✓ Độ đồng nhất về chất lượng:
Phế liệu có thể phát sinh do sự không đồng nhất trên từng tấm con da và lô da: Da làm sản phẩm da giầy được phân thành loại (theo chất lượng). Chỉ số này ảnh hưởng đến việc tạo thành phế liệu bổ sung giữa các dưỡng (chi tiết) do liên quan đến việc tránh các chỗ lỗi. Trên da có các lỗi càng lớn theo diện tích và số lượng thì nó ở nhóm càng thấp, và như vậy, sẽ tạo thành càng nhiều phế liệu giữa các khuôn chặt khi pha cắt chúng thành các chi tiết giầy.
Cấp độ da được đánh giá theo số lượng điểm, được ấn định theo số lượng, đặc trưng lỗi và vị trí phân bố chúng. Phần trăm sử dụng da theo cấp chất lượng thể hiện ở bảng 1.3. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ diện tích sử dụng của da có các cấp độ (loại) chất lượng khác nhau như sau:
Bảng 1.4: Tỷ lệ sử dụng da theo cấp chất lượng Cấp chất lượng da Diện tích sử dụng (%) 0 100 1 97 2 92.5 3 87 4 80 5 70 6 55