Trên thế giới, nhiều công trình nghiên cứu đã được tiến hành nhằm tái sử dụng các da thuộc phế liệu để sản xuất ra các vật liệu mới nhằm tận dụng các đặc tính quý của xơ collagen có trong da. Việc tái chế các chất thải rắn của ngành Da - Giầy để sản xuất các vật liệu mới không chỉ nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học dưới dạng các nghiên cứu cơ bản mà còn là vấn đề thời sự của các hãng sản xuất sản phẩm da giầy lớn trên thế giới.
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện bởi các nhóm nghiên cứu đến từ các trường đại học và các viện nghiên cứu trên thế giới nhằm phối trộn xơ da với các nền polyme khác nhau để chế tạo vật liệu tổ hợp.
Rất nhiều vật liệu polyme đã được thử nghiệm để làm pha nền cho vật liệu tổ hợp có pha phân tán là xơ da. Các nền polyme này rất đa dạng có thể là các nhựa nhiệt rắn như: epoxy, nhựa gốc phenol; các nhựa nhiệt dẻo như: polyvinyl butyral; plyvinyl clorua, polymethyl metha acrylate…; các loại cao su tổng hợp như: butadiene, styrene butadiene, cao su nitril… Tuy vậy, chưa có một nghiên cứu hoàn chỉnh nào về việc sử dụng Latex cao su tự nhiên làm nền để chế tạo vật liệu tổ hợp có pha phân tán là xơ da.
Các nghiên cứu cơ bản này đều chỉ ra rằng các tính chất cơ học và hình thái học của vật liệu tổ hợp từ xơ da sẽ phụ thuộc nhiều vào điều kiện gia công, công nghệ phối trộn xơ da và polyme nền cũng như tỷ lệ giữa pha phân tán và pha liên tục.
Bên cạnh các nghiên cứu mang tính cơ bản, thì việc chế tạo các vật liệu tái chế từ phế liệu da thuộc cũng nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp các tập đoàn lớn. Một trong những chương trình tái chế đáng chú ý hiện nay là chương trình “Reuse-A-Shoe” của hãng giầy thể thao danh tiếng NIKE. Kể từ khi bắt đầu chương trình này từ những năm 1990, NIKE đã tiến hành tái chế 28 triệu đôi giầy cũ và hơn 36.000 tấn chất thải rắn của quá trình sản xuất giầy để sản xuất ra vật liệu mới có tên gọi là NIKE GRIND.
Hình 1.10: Một số sản sản phẩm từ vật liệu tái chế Nike Grind
Chương trình này hiện đang được triển khai tại Úc, Canada, Nhật, Vương quốc Anh và Mỹ với mục tiêu tham vọng là tạo ra hơn 600 triệu mét vuông sản phẩm tái chế. Hiện nay, NIKE có hai nhà máy sản xuất vật liệu NIKE GRIND đặt tại vương quốc Bỉ và Mỹ.
Với sự phát triển của công nghiệp hóa chất, các phương pháp gia công vật liệu mới, thì một trong những hướng nghiên cứu chính của lĩnh vực này là tái sử dụng da thuộc làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất da nhân tạo dạng vật liệu tổ hợp (compozit).
Để có thể chế tạo được các vật liệu polyme compozit nói chung cũng như các vật liệu tổ hợp có pha phân tán là xơ da thì một yêu cầu quan trọng là phải khảo sát các ảnh hưởng của thông số công nghệ chế tạo tới tính chất và hình thái của vật liệu cuối cùng tạo thành. Những nghiên cứu khảo sát này có thể được tiến hành ở qui mô phòng thí nghiệm nhưng lại là cơ sở quan trọng để thực hiện các bước chuyển qui mô tiến tới sản xuất công nghiệp.