CHƯƠNG 3 HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG VÀO DẠY HỌC
3.3. Kết quả thực hiện dự án của học sinh (dự kiến)
Nhóm 1: Tìm hiểu về làng mộc Kim Bồng
1. Lịch sử hình thành
Làng nghề được sáng lập từ thế kỷ XV do ông Tổ là người Thanh Hóa di cư vào Nam dừng chân tại đất Kim Bồng tức tại Cẩm Kim – Hội An thời bấy giờ. Đi cùng ông có 4 tộc Phan, Trương, Huỳnh, Nguyễn. Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 nghề mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ 18, nghề mộc Kim Bồng đã phát triển mạnh mẽ và thịnh đạt thành làng nghề với ba nhóm nghề rõ rệt: nghề mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, nghề mộc dân dụng và nghề đóng tàu thuyền mộc.
Hiện nay làng có 5 thôn: Vĩnh Thành, Đông Hà, Trung Hà, Trung Châu, Phước Thắng.
2. Tình hình phát triển
Trong những năm phố cổ Hội An khai thác và phát triển du lịch thành công thì làng mộc Kim Bồng cũng được biết đến như một làng nghề truyền thống. Chỉ thế thôi chứ ít được quan tâm phát triển, một phần do địa phương chưa nhận thấy tiềm năng du lịch của làng nghề, phần khác cũng do đặc điểm địa lý có phần đặc biệt nơi đây. Làng mộc Kim Bồng tọa lạc trên một gò đất lớn giữa dòng sông Thu Bồn đổ vào từ Cửa Đại, thuộc xã Cẩm Kim – Hội An – Quảng Nam, hoàn toàn biệt lập với những vùng lân cận.
Từ ngày tỉnh Quảng Nam triển khai phong trào nông thôn mới kèm theo chủ trương phát triển mô hình làng nghề kết hợp du lịch, lãnh đạo thành phố Hội An đã đề ra những dự án đổi mới bộ mặt làng nghề và cho xây dựng những công trình phục vụ kèm theo. Trong đó cầu Cẩm Kim nối đôi bờ xã Cẩm Kim (làng mộc Kim Bồng) với
36
phố cổ Hội An được khánh thành từ đầu năm 2016 là một trong những thay đổi có ảnh hưởng tích cực nhất đến đời sống người dân và hoạt động du lịch nơi đây.
Kể từ đó người dân nghèo nơi “ốc đảo” Cẩm Kim đã kết thúc cảnh lo toan với những chuyến đò tròng trành kết nối đôi bờ, chấm dứt cảnh lụy đò xưa nay để thông thương với những vùng lân cận. Từ đó, làng mộc Kim Bồng cũng bắt đầu thay da đổi thịt.
Việc kết hợp làng nghề truyền thống vào du lịch giúp đời sống kinh tế của người dân cải thiện rõ rệt. Từ ngày “du lịch về làng”, cuộc sống người dân làng Kim Bồng nhộn nhịp hẳn, dọc bến sông ngày nào còn dành cho thuyền đò dân sinh và vận chuyển vật liệu, giờ đã là một bến đỗ tấp nập tàu thuyền du lịch với hàng ngàn lượt khách tham quan mỗi ngày.
Kim Bồng giờ đã trở thành bến đỗ tấp nập của tàu thuyền du lịch với hàng ngàn lượt khách tham quan mỗi ngày
Những gian hàng bán đồ lưu niệm của người dân địa phương mọc lên san sát phục vụ du khách, đặc biệt là các sản phẩm từ gỗ của chính làng nghề tạo tác. Kèm theo đó là những khu nhà xưởng chế tác, nhà trưng bày được dựng lên với không gian mở, tạo điều kiện cho du khách có thể dễ dàng tham quan, tìm hiểu và thậm chí là tham gia trải nghiệm một vài phút giây làm “thợ mộc”.
Kim Bồng là nơi đất lành chim đậu, một miền quê trù phú bởi bao quanh làng là sông nước do đó ngoài nghề mộc là nghề chính làng còn có nghề trồng lúa, dệt chiếu, đánh cá. Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng từng tự hào với việc cha ông họ đã được vua chúa nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm.
Nếu trước kia du khách muốn đến với làng mộc phải thông qua tàu thuyền thì nay đã thuận tiện hơn vì đã có cầu bắc qua sông, nhờ đó du khách có thể di chuyển bằng xe máy hoặc xe đạp. Đặc biệt, các dịch vụ tham quan bằng xe đạp cũng đã thêm Kim Bồng vào bản đồ hành trình của mình.
Từ ngày có cầu mới, các hộ dân sinh sống nhờ hoạt động lái đò, phà cũng ngưng hẳn và được địa phương hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình tàu thuyền du lịch để tiếp đón lượng khách lớn hơn đến với làng mộc thông qua đường thủy từ phố cổ đến bến. Du khách mất khoảng 10-15 phút để di chuyển bằng thuyền từ phố cổ đến làng mộc, chủ yếu là người du khách nước ngoài, đặc biệt đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc.
Đặc biệt, đến với Kim Bồng, du khách còn có cơ hội dạo qua một làng chài nhỏ ven sông cực kỳ thơ mộng ngay cạnh làng mộc. Vì là làng chài nhỏ lẻ và biệt lập với những nơi còn lại của Hội An nên ít được ai biết đến, nhưng khung cảnh ở đây phải nói là tuyệt vời. Bạn có thể thử cảm giác ngồi trên chiếc cầu tàu bằng tre vào một chiều gió mát và ngắm nhìn phố cổ từ xa với những chuyến đò tấp nập qua lại cập bến vào làng mộc.
Trong khung cảnh phát triển kinh tế nhộn nhịp như ngày nay, nơi này giờ đây cũng chỉ còn tập trung vài hộ dân chài sinh sống trên thuyền đò và là nơi neo đậu một
37
số ghe thuyền đi lại của người dân ven sông. Đặc biệt bạn còn có thể tìm mua được những loại hải sản nước ngọt tươi ngon do tự tay người dân đánh bắt và bày bán dọc theo đường làng.
Cuộc sống người dân ở Cẩm Kim còn khá là yên bình và êm ả, khác hẳn với không khí đã từ lâu tấp nập nơi phố cổ với các hoạt động du lịch nhộn nhịp hay một thương cảng trù phú của những thế kỷ trước.
3. Định hướng
Hiện toàn xã còn khoảng 29 cơ sở sản xuất với gần 100 lao động tham gia, hầu hết làm những mặt hàng đơn giản, sửa chữa nhỏ. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại trung tâm làng nghề với 12 cơ sở. Những năm gần đây hoạt động sản xuất, kinh doanh nghề mộc Kim Bồng sụt giảm khá nhiều. Nếu năm 2015, doanh thu nghề mộc đạt 7,5 tỷ đồng thì năm 2018 chỉ còn khoảng 5 tỷ đồng. Tương tự, hoạt động du lịch cũng không khá hơn, lượng khách giảm dần qua từng năm, từ hơn 111 nghìn lượt (2015) xuống còn 41 nghìn lượt khách (2018).
Cuối tháng 9-2019, phương án “Khôi phục phát triển du lịch làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim chính thức được UBND TP.Hội An phê duyệt. Mục tiêu hướng đến phát triển làng mộc vừa là sản phẩm hàng hóa vừa là sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với lợi thế cảnh quan tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống của làng. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2025 sẽ tập trung xây dựng trung tâm làng nghề, đa dạng hóa sản phẩm mộc, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh, từng bước mở rộng không gian làng nghề Kim Bồng ra ngoài vùng lõi.
Trước mắt, năm 2020 sẽ tiến hành quy hoạch, cải tạo cảnh quan, không gian văn hóa làng nghề, chủ yếu tập trung vào khu trung tâm như xây dựng khu vực trình nghề; tiểu công viên, dịch vụ ăn uống; khu vực đóng sửa tàu thuyền… Đồng thời cũng sẽ tiến hành nạo vét lòng sông; xây dựng cầu tre bắc qua bãi bồi gắn với việc tổ chức các trò chơi dân gian trên bãi; vận động các hộ dân sản xuất nghề thủ công khác trên địa bàn xã vào khu trung tâm làng nghề sản xuất trình diễn phục vụ khách; đầu tư xây dựng nhà gỗ 3 gian, bên trong tái hiện không gian truyền thống (thờ tự, ăn ở, sinh hoạt…) nhằm tạo điểm đến cho khách tham quan, tìm hiểu về đời sống sinh hoạt truyền thống của người dân làng mộc Kim Bồng.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm VH-TT & truyền thanh - truyền hình TP.Hội An cho biết, sau khi phương án được thông qua, bên cạnh tổ chức lại bộ máy quản lý du lịch làng mộc Kim Bồng, đơn vị cũng tiến hành các hoạt động kết nối khách, tổ chức bán vé, hướng dẫn tham quan… Đồng thời tuyên truyền vận động người dân hạn chế, tiến đến không nhập hàng bên ngoài về bán, bởi ngoài phát triển du lịch thì một mục tiêu khác của đề án chính là giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống Kim Bồng nên phải ưu tiêu sản phẩm tại chỗ.
Kết quả chi tiết trên Story Maps có thể xem ở địa chỉ:
38
Hình 3.2. Kết quả học sinh nhóm 1 xây dựng trên Story Maps
Nhóm 2: Tìm hiểu về làng gốm Thanh Hà
1. Thực trạng
Làng nghề truyền thống Gốm Thanh Hà với nhiều dòng sản phẩm mang nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú, cho đến nay vẫn tồn tại và hoạt động sản xuất thủ công với phương tiện và kĩ thuật truyền thống. Khi du lịch phát triển, chính điều này đã làm cho làng nghề trở thành một bảo tàng sống về nghề gốm của Việt Nam và là điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn của khách thập phương.
Hầu hết sản xuất gốm diễn ra tại gia đình, nên diện tích đất cũng nhỏ, ảnh hưởng đến việc làm gốm và xây dựng lò gốm. Bên cạnh đó, do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ít nên các hộ không có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, mặc dù chính quyền đã có những chính sách như cho thuê đất để mở rộng quy mô sản xuất.
Quy mô sản xuất nhỏ lẻ không chỉ hạn chế trong việc tổ chức sản xuất mà còn ảnh hưởng đến môi trường, có lẽ vì vậy mà người dân xung quanh và người lao động khi được hỏi đến đều cho rằng việc sản xuất tại làng nghề gây ô nhiễm.
Theo như các nghệ nhân về nguồn vốn để duy trì nghề thì các nghệ nhân đã chia sẻ, hầu hết nguồn vốn đều trích từ trong gia đình ra, ngoài ra cũng đi vay vốn từ nhà nước và người thân quen. Nguồn vốn vay thì ít và thời hạn thì ngắn dẫn đến không đủ
39
để mở rộng làng nghề hay phát triển được nghề. Do đó, để mở rộng quy mô sản xuất thì chủ cơ sở phải mạnh dạn hơn nữa trong việc tìm kiếm, kí kết các hợp đồng, bên cạnh đó chính quyền địa phương cần đơn giản hóa các thủ tục cũng như gia tăng hạn mức và thời gian cho vay.
2. Tình hình phát triển
Năm 1516, nghề gốm hình thành ở làng Thanh Chiêm, sau đó dời lên Nam Diêu (phường Thanh Hà ngày nay). Khi nhà Nguyễn chọn Phú Xuân làm kinh đô, nhiều nghệ nhân làng gốm Thanh Hà Quảng Nam được gọi ra Huế, sung vào đội thợ lành nghề xây dựng cố cung. Có những người được phong hàm Chánh Ca, Bát Luyện.
Làng gốm Thanh Hà là một trong những làng nghề có truyền thống lâu đời tại Hội An, Quảng Nam. Ngôi làng này đã có tuổi đời hơn 500 năm tuổi. Những mái nhà, bức tường, lò gốm phủ đầy rêu phong thời gian chứa đầy những kí ức tươi đẹp về ngôi làng nằm bên bờ sông Thu Bồn thân yêu.
Thời thịnh nhất phải kể đến những năm thế kỷ 17-18, cùng nhịp với sự phát triển của cảng thị Hội An. Bấy giờ, nhà nhà dùng đồ gốm. Người làng nghề gốm Thanh Hà gánh gồng, trung chuyển từ vùng quê này ra tới Thừa Thiên, đi khắp hang cùng ngõ hẻm đất Quảng - Đà. Nồi, ấm, khạp, chum vại... là những vật dụng quen thuộc từ vạt đất sét cuối sông Thu mà nên, vừa nhẹ lại vừa bền. Người làng còn làm ra ngói cong, gạch đỏ cung cấp cho các ngôi nhà cổ ở Hội An và khu vực lân cận. Tiếng tăm làng gốm Thanh Hà cứ thế mà vang xa.
Đến tham quan làng gốm Thanh Hà, là dịp để du khách hiểu hơn về nghề truyền thống lâu đời, quan sát các công đoạn sản xuất gốm qua đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân trong làng, và còn có thể tự tay sáng tác các sản phẩm theo trí tưởng tượng của mình, cũng như mua được những sản phẩm gốm ưa thích tận gốc. Đặc biệt từ năm 2015, Công viên Đất nung Thanh Hà (còn gọi là Công viên gốm Thanh Hà hay Bảo tàng gốm Thanh Hà) chính thức đi vào hoạt động với diện tích hơn 6.000m2, cấu thành bởi gạch và đất nung, được đánh giá là lớn nhất và “độc” nhất cả nước hiện nay, thường xuyên tổ chức các chương trình triển lãm đặc sắc.
Ngoài ra, hằng năm cứ đến ngày mồng 10 tháng 7 âm lịch, dân làng lại trang trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ nghề tại khu miếu Nam Diêu, nhằm tri ân công đức tổ tiên đã gầy dựng, truyền nghề cho con cháu. Phần lễ với rước kiệu Tổ nghề gốm, được bảo tồn hàng trăm năm qua. Phần hội với các trò chơi dân gian như thi chuốt gốm, tạo mẫu, nặn tò he, nấu cơm niêu, đập nồi, kéo co... thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
3. Định hướng
Hiện nay, làng gốm có 20 hộ gia đình với hơn 100 lao động gắn bó với nghề. Do thu nhập ổn định nên người dân nơi đây rất yên tâm bám nghề, mặc dù sản phẩm làm ra cũng chịu sự cạnh tranh rất lớn.
Theo nhu cầu của thị trường, nhiều hộ gia đình không ngại khó đi học để phác thảo và sáng tạo mẫu mới. Bên cạnh đó, TP Hội An cũng thường xuyên hỗ trợ mở lớp
40
dạy nghề cho con em làng gốm. Ngoài các sản phẩm gia dụng, gốm mỹ nghệ là mặt hàng chủ lực. Các sản phẩm mỹ nghệ đã phát huy được hiệu quả kinh tế. Sự thích ứng với yêu cầu thị trường là yếu tố quan trọng nhất để làng gốm Thanh Hà phát triển như hôm nay.
Đánh giá tác động môi trường tại làng nghề kết hợp với quy hoạch phát triển làng nghề. Quy hoạch khu xử lý chất thải hoàn chỉnh và hiện đại bảo đảm chất lượng môi trường. Xây dựng quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, lấy quản lý cấp phường (xã) làm nòng cốt trong hệ thống quản lý môi trường, giáo dục nâng cao hiểu biết cho người dân làng nghề để họ nhận thức thấy cái giá phải trả do ô nhiễm môi trường đắt gấp nhiều lần so với lợi nhuận kinh tế đem lại. Để từ đó họ thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi, chung tay bảo vệ môi trường. Về phía làng nghề cần chú ý xây dựng, cải tạo nhà xưởng, tổ chức không gian thoáng mát tự nhiên tại nơi lao động.
Kết quả chi tiết trên Story Maps có thể xem ở địa chỉ:
https://bitly.com.vn/m65w3m
41
Nhóm 3: Tìm hiểu về làng rau Trà Quế
1. Lịch sử hình thành
Truyền thuyết kể rằng, thuở sơ khai, ông bà tổ tiên của cư dân Trà Quế vốn là những ngư dân thực thụ. Họ sinh sống bằng nghề lưới bén, chuyên đánh bắt cá, tôm trên sông Đế Võng kiếm ăn qua ngày. Thế rồi, càng về sau, việc đánh bắt ngày càng khó khăn. Cuộc sống của ngư dân làng vạn rơi vào chỗ lao đao. Nhiều gia đình bữa đói, bữa no. Trong lúc bị dồn vào chân tuờng, một số bà con mới nghĩ đến việc thử khai phá thêm đất, nếu không thể trồng lúa thì trồng thứ khác. Như rau chẳng hạn. Trước mắt là có rau ăn. Dư thừa bán cũng có tiền. Từ suy nghĩ đơn giản ấy, họ bắt tay vào thực hiện.
Những vạt ngò, rau húng rồi đến rau é, hành, cải, hẹ... lần lượt mọc lên trên vùng đất mới khai phá. Và, cũng thật bất ngờ, các loại rau kể trên không những lên xanh tốt mà còn có hương vị đặc biệt thơm ngon, không đâu sánh bằng. Thế là một đồn mười, mười đồn trăm, cây rau Trà Quế từng bước nổi danh dần. Chẳng mấy chốc, các chợ lớn, chợ nhỏ trong vùng Hội An và lân cận trở thành thị trường tiêu thụ chính của rau Trà Quế. Thấy có thể sống được từ nghề mới mẻ này, những hộ còn lại bắt chước làm theo. Chẳng ai đủ sức trụ lại với nghề đánh bắt cá tôm bấp bênh, bữa đực bữa cái nữa. Từ một làng vạn thuở ban đầu, Trà Quế dần dần biến thành một làng rau.