7. Kết cấu của luận án
2.2.1. Khái niệm quản trị công ty
Định nghĩa về QTCT có sự khác biệt tùy thuộc vào quan điểm của người xem xét nó (Gillan, 2006). Do đó, định nghĩa về QTCT được đề cập theo các góc nhìn khác nhau.
Solomon (2010) đưa ra hình ảnh tượng trưng cho các định nghĩa đã có về QTCT như một chùm quang phổ với các quan điểm hẹp ở một đầu và các quan điểm rộng bao quát hơn ở đầu bên kia. Tác giả chỉ ra rằng quan điểm hẹp tập trung vào mâu thuẫn đại diện giữa người sở hữu vốn và người quản lý sử dụng vốn (theo góc nhìn của lý thuyết đại diện) giới hạn QTCT trong mối quan hệ giữa công ty và các cổ đông sở hữu công ty. Điển hình cho quan điểm này là định nghĩa của Parkinson (1994): “QTCT là quá trình giám sát và kiểm soát được thực hiện nhằm đảm bảo các hoạt động quản lý công ty phù hợp với lợi ích của các cổ đông”. Ngược lại, các tiếp cận theo quan điểm rộng
và bao quát hơn (theo góc nhìn của lý thuyết các bên liên quan) cho rằng QTCT là một mạng lưới của các mối quan hệ, không chỉ giữa công ty và chủ sở hữu mà còn giữa
công ty và các bên liên quan bao gồm người lao động, khách hàng, nhà cung cấp, chủ nợ,… Minh chứng cho quan điểm này được thể hiện qua định nghĩa của Shleifer & Vishny (1997) cho rằng “QTCT như là cách thức đảm bảo cho các nhà cung cấp tài chính cho
công ty sẽ nhận được lợi nhuận từ khoản đầu tư của mình”. Nhà cung cấp tài chính ở đây không chỉ có các cổ đông sở hữu cổ phần của công ty mà còn bao gồm cả các chủ nợ (ví dụ các ngân hàng – họ cũng là những nhà đầu tư lớn và tiềm năng; họ có các khoản đầu tư lớn vào công ty và muốn thấy lợi nhuận từ các khoản đầu tư thành hiện thực (Shleifer & Vishny, 1997, tr. 757)). Ở đây vấn đề lợi ích được hướng đến dành cho cả cổ đông và các bên có liên quan. Như vậy, có thể thấy các định nghĩa về QTCT ở trên chủ yếu tập trung vào mối quan hệ giữa công ty và các bên có liên quan, trong đó nổi bật nhất là mối quan hệ với các cổ đông của công ty.
Một số định nghĩa khác tập trung vào nội dung của QTCT. Như Keasey & Wright (1993) cho rằng “QTCT bao gồm các cấu trúc, quy trình, văn hóa và hệ thống nhằm
mang đến thành công cho hoạt động của một tổ chức”; Canon (1994) định nghĩa “quản trị của một công ty là tổng thể các hoạt động tạo nên quy định nội bộ của công ty phù hợp với các nghĩa vụ của nó theo luật pháp, quyền sở hữu và kiểm soát. Nó kết hợp sự quản trị về tài sản, vấn đề quản lý và thực hiện của công ty”. Một số định
nghĩa nhấn mạnh vào vấn đề “giám sát” và “kiểm soát” như định nghĩa QTCT của Parkinson (1994) đã nêu ở trên hay Gillan & Starks (1998) kết hợp vấn đề trên nhưng xem xét từ một góc nhìn rộng lớn hơn đã định nghĩa “QTCT là hệ thống các luật lệ,
quy tắc và các yếu tố để kiểm soát hoạt động tại một công ty”.
Định nghĩa QTCT còn có thể tìm thấy trong các quy chế, điều lệ QTCT của các tổ chức kinh tế quốc tế. Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam cũng khẳng định rằng không có một định nghĩa về QTCT có thể áp dụng được cho tất cả các tình huống và khu vực pháp lý. Các định nghĩa khác nhau tồn tại cho đến ngày nay phần lớn phụ thuộc vào các nhà nghiên cứu hoặc các thể chế, các quốc gia và truyền thống pháp lý. Cách tiếp cận vấn đề của các tổ chức tổ chức kinh tế quốc tế cũng có những điểm tương đồng với các nhà nghiên cứu. Ở một góc nhìn tổng quát, IFC (2010) định nghĩa ngắn gọn “QTCT là những cấu trúc và quy trình trong việc định hướng và kiểm soát
công ty”. Trong khi đó tài liệu bộ nguyên tắc QTCT của G20/OECD xuất bản lần đầu
năm 1999, sửa đổi năm 2004 và cập nhật gần nhất là năm 2015 đưa ra định nghĩa QTCT khá chi tiết và đã được chấp nhận phổ biến toàn cầu “là thủ tục và quy trình mà theo đó một tổ chức được điều hành và kiểm soát. Cơ cấu QTCT quy định rõ việc phân chia quyền lợi và trách nhiệm giữa các đối tượng tham gia khác nhau trong tổ chức - như HĐQT, ban điều hành, cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác - và đặt ra các nguyên tắc và thủ tục cho việc ra quyết định”.
Nhìn chung, không có một định nghĩa thống nhất về QTCT. Đa số các định nghĩa đề cập QTCT là một tập hợp bao gồm các thủ tục, quy trình mà thông qua đó công ty được điều hành và kiểm soát nhằm bảo vệ và mang lại lợi ích cho các cổ đông của công ty, các định nghĩa theo quan điểm mở rộng đề cập bao gồm cả lợi ích của các bên có liên quan đến công ty. Do đó, theo tác giả có thể hiểu: QTCT là hệ thống các thủ
tục, quy trình mà theo đó một công ty được điều hành và kiểm soát nhằm hướng đến lợi ích của các cổ đông và các bên có liên quan của công ty.