7. Kết cấu luận văn
1.1.3. Vai trò của thanh tra hành chính
Việc kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp nói riêng có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Quyền hành pháp bao gồm quyền lập quy và quyền hành chính do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện để tổ chức thi hành pháp luật, mà cụ thể là do đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan hành chính thực hiện theo thẩm quyền được phân công. Quyền hành chính không chỉ bị kiểm soát bởi các thiết chế thuộc các cơ quan lập pháp, tư pháp, các hình thức giám sát của nhân dân mà trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước còn hình thành các thiết chế giúp tự kiểm soát ngay trong hệ thống các cơ quan thực hiện quyền hành chính như hoạt động kiểm tra của cơ quan cấp trên với cấp dưới, kiểm tra của thủ trưởng với các tổ chức, cá nhân trực thuộc và việc kiểm soát của các cơ quan thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp.
Từ các quy định tại Hiến pháp, hệ thống pháp luật quy định tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan thanh tra được thành lập theo cấp hành chính từ trung ương đến địa phương. Toàn bộ chu trình quản lý bằng chính sách, pháp luật bao gồm các bước từ xây dựng, ban hành, thực thi cho đến kiểm tra lại việc thực thi đều được quy định nhằm kiểm soát việc thực hiện. Thanh tra hành chính là một trong các hình thức của hoạt động kiểm tra lại việc ban hành và thực thi các chính sách, quy định trong hoạt động điều hành, quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Đóng vai trò quan trọng là một bộ phận hợp thành của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phục vụ mật thiết cho sự lãnh đạo của Đảng (qua công tác Nội chính), quản lý của nhà nước và là một trong các yếu tố quyết định sự thành công của đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khái quát lại ở những vai trò chính sau:
Thứ nhất, thanh tra hành chính là kiểm soát việc thực hiện quyền lực trong hoạt động hành chính thông qua các hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật. Thanh tra là một trong những phương thức phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật cùng với các hoạt động khác như kiểm tra, kiểm toán, giám sát, điều tra,… Thanh tra là một chức năng thiết yếu, quan trọng trong quản lý nhà nước, thực hiện việc xem xét, đánh giá và xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động thanh tra hành chính được tổ chức một cách tổng thể và cụ thể, với phương châm ở đâu có quản lý, ở đó có thanh tra, kiểm tra. Việc kiểm soát việc thực hiện quyền lực trong hoạt động hành chính được thực hiện đồng bộ, thống nhất.
Kiểm soát việc tổ chức thực hiện quyền hành chính của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đây là mục đích quan trọng của hoạt động thanh tra hành chính và cũng là nội dung quan trọng của kiểm soát quyền lực hành chính nhà nước. Qua hoạt động thanh tra hành chính, là cơ sở cho cơ quan quản lý hành chính nhà nước theo dõi, nắm tình hình, xử lý các sai phạm trong việc tổ chức thực hiện quyền hành chính của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên cơ sở kiến nghị của cơ quan thanh tra.
Thứ hai, hoạt động thanh tra đánh giá kết quả của quá trình thực thi chính sách, pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước; đánh giá sự tuân thủ các quy định quản lý, việc thực hiện chức năng, thẩm quyền của các cơ quan và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Hoạt động thanh tra để đánh giá có thể qua chương trình, kế hoạch hoặc thanh tra đột xuất, thường xuyên; có thể thanh tra theo chuyên đề diện rộng hoặc các cuộc thanh tra với phạm vi đối tượng hẹp. Qua đánh giá việc thực thi chính sách, pháp luật sẽ đưa ra các kết luận về việc tổ
chức thực hiện, hiệu quả đạt được, các vi phạm trong tổ chức thực hiện và cả những bất cập, hạn chế trong chính sách, pháp luật. Đây thực sự là một phương thức quan trọng giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Thứ ba, hoạt động thanh tra góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật và xử lý các hiện tượng vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước. Qua thanh tra phát hiện ra những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, bất cập, cơ quan thanh tra có những kiến nghị, đề xuất với các cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền, nhằm sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình thực thi, không hiệu quả trên thực tế; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này không những giúp chính sách, pháp luật được hoàn thiện hơn mà còn loại bỏ những “điểm mù”, “lỗ hổng” trong hoạt động quản lý, tránh sự lợi dụng trong quá trình thực thi nhằm tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, qua thanh tra phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát việc tham nhũng, tiêu cực và các sai phạm khác của đội ngũ cán bộ, công chức thông qua việc phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi sai phạm đã xảy ra và ngăn chặn xảy ra kéo dài, phức tạp qua nhiều năm làm gây thiệt hại khó khắc phục và ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời không để xảy ra sai phạm trong tương lai. Việc thanh tra thường xuyên theo kế hoạch hoặc thanh tra đột xuất tạo ra “sức ép” vô hình lên đối tượng quản lý mà từ đó các nhà quản lý phải thận trọng, tuân thủ pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Như vậy, với vị trí, vai trò quan trọng của mình, hoạt động thanh tra hành chính là một bộ phận của quản lý hành chính nhà nước, phục vụ cho
công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của việc triển khai thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hoạt động thanh tra là phương tiện phục vụ, giúp cho người lãnh đạo quản lý, xem xét, kiểm tra lại quá trình điều hành của mình, nhìn thấy được những việc đã làm được, chưa làm được để đưa ra biện pháp khắc phục, sửa chữa, xử lý những phát sinh xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, đối tượng thanh tra phải nhận thức rằng hoạt động thanh tra không phải là để soi mói, bới lông tìm vết mà là thông qua hoạt động thanh tra để nhận ra những tồn tại, nhược điểm, thiếu sót hoặc sai phạm để kịp thời chấn chỉnh khắc phục, không để lại hậu quả nặng nề.
Trong thời gian qua, ngành thanh tra đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khẳng định rõ vai trò của hoạt động thanh tra trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước nói chung và góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng nói riêng.
Tuy nhiên, vai trò và vị thế của cơ quan thanh tra nhà nước trong bộ máy hành chính nhà nước chưa được tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Việc triển khai thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc quyền quản lý của Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao còn gặp nhiều khó khăn. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra chỉ kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp xem xét, xử lý các kết luận; việc triển khai thực hiện các kết luận cũng gặp nhiều khó khăn do vị trí của cơ quan thanh tra đôi khi thấp hơn đối tượng thanh tra (trường hợp Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra Tổng cục thuộc bộ). Là cơ quan tham mưu, giúp việc của thủ trưởng
cơ quan quan lý hành chính nhà nước cùng cấp nên cơ quan thanh tra phụ thuộc quá nhiều cả về tổ chức, biên chế, kinh phí hoạt động nên tính độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm không cao.