Những kết quả đạt được

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) thanh tra hành chính trên địa bàn huyện krông ana tỉnh đắk lắk (Trang 86 - 91)

7. Kết cấu luận văn

2.3.1. Những kết quả đạt được

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thường trực huyện ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, Thanh tra tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện huyện xem công tác thanh tra hành chính trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và chỉ đạo quyết liệt đến Thủ

trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong việc chấp hành và phối hợp thực hiện.

Hệ thống pháp luật về thanh tra ngày càng được hoàn thiện, quan tâm, nâng cao địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, xác định tính độc lập tương đối của các cơ quan thanh tra trong mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Đóng vai trò quan trọng bảo đảm cho hoạt động của cơ quan thanh tra được chủ động và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động, quyết định của mình.

Trong thời kỳ từ 2016 – 2020, Thanh tra huyện Krông Ana thông qua 52 cuộc thanh tra hành chính tại 210 đơn vị đã phát hiện những tồn tại, hạn chế, sơ hở, yếu kém và sai phạm trong công tác quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn huyện. Từ đó, tham mưu, kiến nghị Ủy ban nhân huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đưa ra những biện pháp, chỉ đạo nhằm đảm bảo những hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa được diễn ra hiệu lực, hiệu quả cao, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm được phát hiện. Từ đó chất lượng hành chính phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, góp phần làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền góp phần ổn định chính trị - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn huyện.

Hằng năm, trên cơ sở định hướng của cơ quan thanh tra cấp trên và yêu cầu quản lý nhà nước thực tế trên địa bàn huyện. Thanh tra huyện xác định những nội dung quan trọng; những vấn đề được dư luận xã hội, nhân dân trên địa bàn quan tâm; những nội dung phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân huyện Krông Ana để xây dựng nội dung kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt như: việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư

xây dựng, các nguồn thu, chi hoạt động; quản lý việc thực hiện các quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật,…

Trong suốt thời gian 2016 – 2020, Thanh tra huyện Krông Ana đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về chiều rộng và chiều sâu. Phạm vi thanh tra bao trùm các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của huyện; góp phần lớn vào việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Với mục đích và vai trò của mình, không chỉ phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền mà Thanh tra huyện Krông Ana còn đưa ra nhiều kiến nghị phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương giúp Ủy ban nhân dân huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện xem xét sửa đổi hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện, hành lang pháp lý và môi trường cạnh tranh công bằng cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong 05 năm từ 2016 đến 2020, Thanh tra huyện Krông Ana đã tiến hành tổng cộng 52 cuộc thanh tra tại 210 cơ quan, đơn vị, địa phương theo kế hoạch và đột xuất do Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện giao, trong đó có nhiều đoàn thanh tra được thành lập để giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài qua nhiều thời kỳ. Qua đó, phát hiện tổng số sai phạm là 4.266.542.000 đồng; kiến nghị thu hồi số tiền 2.652.045.000 đồng; kiến nghị xử lý khác về kinh tế số tiền 221.849.000 đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 136 đơn vị, 200 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, sai phạm trên toàn huyện.

Việc triển khai 02 cuộc thanh tra đột xuất tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận quan tâm như quản lý việc thực hiện các quy định tại

Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đối với các trường học nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước thực tiễn tại địa phương. Cụ thể: 01 cuộc thanh tra tại trường Tiểu học Tây Phong và 01 cuộc đối với 15 đơn vị trường học trên địa bàn xã Dur Kmăl, xã Ea Bông, xã Dray Sáp và thị trấn Buôn Trấp. Qua thanh tra việc thực hiện các quy định theo NĐ 116/2010/NĐ-CP, ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn tại các đơn vị đã làm rõ các nội dung sai phạm trong công tác quản lý tài chính, ngân sách, thực hiện chính sách nêu trên của đơn vị cho nhiều đối tượng. Qua đó, kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân huyện kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp đối với tập thể, cá nhân có liên quan.

Công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng được quan tâm, triển khai thường xuyên. Với tổng số 17 cuộc thanh tra đối với 17 đơn vị trong thời kỳ từ 2016 đến 2020. Công tác thanh tra đã giúp thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương đánh giá thực trạng thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cán bộ, công chức trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Qua đó cũng chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, thiếu sót cũng như những vướng mắc trong việc tổ chức triển khai, thực hiện các chính sách, pháp luật để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố

cáo và phòng, chống tham nhũng.

Từ năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo việc bổ sung các cuộc thanh tra về quản lý, sử dụng đất đai vào kế hoạch thanh tra hằng năm. Với 05 cuộc thanh tra trong 03 năm, Thanh tra huyện đã chủ trì, phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiến hành thanh tra quản lý, sử dụng đất đai tại 05 xã, thị trấn trên tổng số 08 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện. Đoàn Thanh tra gồm 05 thành viên: 01 Phó Chánh Thanh tra làm Trưởng đoàn thanh tra, 01 Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường làm Phó Trưởng đoàn thanh tra cùng 02 công chức của Thanh tra huyện, phòng Tài nguyên và Môi trường làm thành viên. Qua thanh tra đã yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân đã để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục các sai sót, hạn chế trong quá trình quản lý. Kiến nghị thu hồi 27.000.000 đồng từ việc cho thuê đất công ích nhưng không nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định và sử dụng số tiền cho thuê đất không đúng mục đích đối với Ủy ban nhân dân xã Bình Hòa.

Để đạt được những kết quả trên là kết quả của sự định hướng hằng năm của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk và sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện; sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện; sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của tập thể lãnh đạo Thanh tra huyện và sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết trong quá trình công tác của toàn thể công chức cơ quan Thanh tra huyện.

Hằng năm, trên cơ sở kết luận, kiến nghị của Thanh tra huyện Krông Ana, Ủy ban nhân dân huyện Krông Ana đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương và cá nhân có liên quan nghiêm túc chấp hành các kết

luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thông qua việc ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện và phối hợp trong việc đôn đốc, kiểm tra nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình khắc phục sai phạm.

Với vai trò quan trọng là một bộ phận cấu thành của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, là phương tiện, công cụ phục vụ cho sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và đóng vai trò then chốt trong sự thành công trong triển khai, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hoạt động thanh tra thường xuyên theo kế hoạch hằng năm và đột xuất đã có sự tác động vô hình nhằm răn đe, phòng ngừa các cơ quan, đơn vị vi phạm các quy định của pháp luật; thúc đẩy các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tự kiểm tra, rà soát các quy định của pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật và người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cấp dưới. Các kết luận thanh tra trên đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhất trí sau khi giải trình với Đoàn Thanh tra, Chánh Thanh tra về những khó khăn trong triển khai thực hiện. Các cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân là có sai phạm đã nghiêm túc chấp hành các kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra huyện Krông Ana thông qua việc tổ chức xử lý hành chính tùy theo mức độ vi phạm, các kiến nghị xử lý về kinh tế được thu hồi, nộp vào ngân sách Nhà nước. Qua đó đảm bảo hoạt động quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn được diễn ra hiệu lực, hiệu quả, nâng cao uy tín, vị thế của Ủy ban nhân dân huyện Krông Ana, Thanh tra huyện Krông Ana đối với dư luận, quần chúng nhân dân trên địa bàn.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) thanh tra hành chính trên địa bàn huyện krông ana tỉnh đắk lắk (Trang 86 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)