Nội dung của đoạn văn mở đầu

Một phần của tài liệu Đoạn văn mở đầu và kết thúc trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. (Trang 40)

5. Bố cục của khóa luận

2.2.1. Nội dung của đoạn văn mở đầu

Trong văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng, hình thức luôn đi kèm với nội dung cụ thể. Sự kết hợp này không ngoài ý muốn tái hiện lại đời sống. Bằng kinh nghiệm sống, bằng khả năng cảm thụ, mỗi nhà văn đã lựa chọn cho mình một hình thức phù hợp để diễn tả nội dung.

Qua khảo sát 47 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi thấy đoạn văn mở đầu thường mang nội dung như: giới thiệu chủ đề tác phẩm, nêu bật hình tượng nhân vật, dự báo về nội dung câu chuyện.

2.2.1.1. Đoạn văn mở đầu giới thiệu chủ đề tác phẩm

Chủ đề tác phẩm nhiều khi được thể hiện ngay ở đoạn văn mở đầu. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, đoạn văn mở đầu có nội dung giới thiệu chủ đề xuất hiện ở một số tác phẩm như: Kiếm sắc, Thương nhớ đồng quê, Nạn dịch, Tội ác và trừng phạt... chiếm 27,7% (43/47).

Ví dụ:

Đã có nhiều bạn đọc đến với tôi, họ kể lể về cuộc đời, than phiền những điều bất hạnh trong số phận, mong muốn tôi viết “một cái gì đấy” về tội ác và trừng phạt. Mong muốn của họ chân thành và cảm động [17, tr.460].

(Tội ác và trừng phạt)

Trong đoạn mở này, chủ đề tư tưởng tác phẩm được thể hiện một cách rõ ràng. Đây là câu chuyện tác giả viết về một cô gái 16 tuổi phạm tội giết bố và ba đứa em. Cô gái ra đầu thú, ít lâu sau treo cổ tự tử trong nhà giam.

Ví dụ:

Trong số người gần gụi với Thế tổ Nguyễn Phúc Ánh những năm nhằm mưu phục lại cơ đồ nhà Nguyễn có một hào kiệt mà không sử sách nào nhắc đến. Người đó là Đặng Phú Lân. Lân quê ở Hưng Hóa, cha là Đặng Phú Bình trước là thuộc tướng của Trịnh Bồng (...) Bình có một thanh kiếm gia truyền, sắc như nước, sống kiếm đổ chì, sức chém khủng khiếp. Trước khi chết, Bình trao thanh kiếm lại cho Lân, bảo rằng: “Con ơi, nước đang có loạn. Tây Sơn bây giờ đang lên như thế chẻ tre, nhưng ta thấy sức chơi của bọn này bất quá chỉ như trọc phú nhà giầu, gánh vác giang sơn sao được? Ta đồ rằng mệnh Tây Sơn có hạn. Hiện Gia Định có Nguyễn Phúc Ánh là nòi vương giả, con gắng vào đấy tìm xem”. Lân khóc nước mắt chảy có máu. Bình giãy mấy cái, mồ hôi toát đầm đìa, người cứ lạnh dần rồi chết. Lân lấy kiếm đào huyệt chôn cha, tìm đường vào Gia Định theo Nguyễn Phúc Ánh. Lúc bấy giờ Lân mới có hai mươi tám tuổi [17, tr.190].

(Kiếm sắc)

Truyện ngắn Kiếm sắc kể về một trong những thuộc hạ gần gũi của Nguyễn Phúc Ánh tên là Đặng Phú Lân. Chín năm ông trung thành phụng sự chúa công của mình, nhưng về sau bị chủ chém đầu vì không làm được một việc giao phó duy nhất. Đau đớn hơn, ông lại bị chém bằng chính thanh gươm gia truyền của dòng họ. Như vậy, trong đoạn mở đầu, qua hình ảnh thanh kiếm, tác giả đã hé mở chủ đề của câu chuyện: Cuộc đời của Đặng Phú Lân – một con người văn võ song toàn, biết quý trọng nhân cách, tài năng rút cuộc cũng thật ngắn ngủi như bao kiếp tài hoa bạc mệnh khác.

Ví dụ:

Tôi là Nhâm. Tôi sinh ở làng quê, lớn lên ở làng quê. Đi trên đường Năm nhìn về làng tôi chỉ thấy một vệt xanh nhô trên đồng vàng. Xa mờ là vòng cung Đông Sơn, trông thì gần nhưng từ làng tôi đến đấy phải năm mươi cây số. Làng tôi gần biển, mùa hè vẫn có gió biển thổi về [17, tr.236].

(Thương nhớ đồng quê)

2.2.1.2. Đoạn văn mở đầu nêu bật hình tượng nhân vật

Nhân vật được coi là chiếc chìa khóa giúp người đọc mở cửa đi vào nội dung tác phẩm. Vì thế, việc xây dựng hình tượng nhân vật đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình sáng tác của nhà văn. Là một nhà văn hiện đại, Nguyễn Huy Thiệp ý thức rất rõ về điều đó. Khảo sát 47 truyện ngắn chúng tôi nhận thấy, trong đoạn văn mở đầu, Nguyễn Huy Thiệp đã nêu bật được hình tượng nhân vật. Loại đoạn văn này chiếm 40,4% (19/47).

Ví dụ:

Ít năm trước đây, tôi theo chân một toán thợ xẻ lên miền ngược kiếm ăn. Chúng tôi có năm người, do ông anh họ tôi tên là Bường đứng ra làm cai. Bường là một tay anh chị khét tiếng. Trước kia Bường đi bộ đội, ở một đơn vị đặc công thủy. Năm 1975, anh dây dưa vào một vụ trộm phân đạm ở huyện,

bị tù ba năm. Ra tù, Bường chẳng chịu làm ăn gì, mở một quán rượu thịt chó nhưng được hơn một năm thì phá sản. Thời gian Bường mở quán, trong làng tôi nhiều nhà bị mất trộm chó hết sức thần tình (...) Sau này, vì thua bạc chán đời, Bường phóng hỏa đốt quán. Ít lâu sau Bường chuyển sang nghề buôn cây (...) Được hai năm, anh bỏ đi buôn bè trên mạn ngược. Lần này, Bường về lập một toán thợ xẻ theo anh lên rừng kiếm ăn. Bường cho biết, ở miền núi, nghề thợ xẻ là nghề rất có triển vọng [17, tr.130].

(Những người thợ xẻ)

Ví dụ:

Sinh nhật con gái, bà Thiều làm cơm đãi khách. Dự hôm ấy có hai bà buôn vàng dưới phố, hai ông công chức cùng Sở ông Thiều và dăm thanh niên bè bạn của Thoa. Bà Thiều mặc bộ đồ xoa mỡ gà, trẻ đến mười tuổi. Thoa mặc quần bò, áo phông đỏ, trông lộng lẫy và khá đài các. Vẻ đẹp của cô, theo ý bà mẹ, là do “sức sống tinh thần” mang lại. Điều này đáng ngờ, bởi Thoa mới hai mươi tuổi, thi trượt đại học, rèn luyện trí tuệ chủ yếu thông qua giáo trình của lớp Anh văn buổi tối. Tuy nhiên, chính vẻ trẻ trung, cách đánh hông và cử chỉ tuyệt khéo khi nhăn mũi của cô quả rất ưa nhìn [17, tr.323].

(Huyền thoại phố phường)

2.2.1.3. Đoạn văn mở đầu dự báo về nội dung câu chuyện

Đoạn văn mở đầu trong truyện ngắn có chức năng dự báo một cách kín đáo về nội dung câu chuyện. Qua đoạn mở này, người đọc có thể đoán biết nội dung tiếp theo mà tác phẩm triển khai là gì. Dù cách mở có thể trực tiếp đi thẳng vào vấn đề hay dẫn dắt nội dung – chủ đề từ xa đến gần thì đoạn mở cũng có chức năng định hướng cho độc giả. Qua khảo sát chúng tôi thấy, đoạn mở đầu dự báo về nội dung câu chuyện xuất hiện khá nhiều trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chiếm 31,9% (15/47), tiêu biểu như: Sang sông, Giọt máu, Nạn dịch, Sói trả thù,...

Ví dụ:

Bến đò.

Sang đò có một nhà sư, một nhà thơ, một nhà giáo, một tên cướp, hai tên buôn đồ cổ, hai mẹ con, một cặp tình nhân và chị lái đò [17, tr.223].

(Sang sông)

Đọc đoạn văn này, người đọc không khỏi ngạc nhiên. Lẽ nào trên một chuyến đò ngang lại có cuộc gặp gỡ, tập hợp nhiều loại người có ý nghĩa đại diện cho các tầng lớp xã hội khác nhau như vậy? Đây là một sự sắp đặt có dụng ý của tác giả. Đoạn văn mở đầu này sẽ dự báo về một triết lí của nhà văn trong phần chính của truyện. Đó là cách thức hành xử khác nhau của các thành phần xã hội.

Nguyễn Huy Thiệp thật tài tình khi cho cả xã hội sang sông cùng trên một chuyến đò: “Đủ mặt thiên hạ, thiện – ác, tốt – xấu, kẻ cướp – tình yêu, buôn lậu, nam phụ lão ấu, đoan trinh – đĩ điếm, tôn giáo, lịch sử, khoa học, nghệ thuật” [6, tr.37]. Nhà văn xứng đáng là một tay lái đò điệu nghệ bởi ông biết trên chuyến đò ấy ông sẽ chở những ai, mỗi người sẽ có thái độ và hành động như thế nào khi lên đò. Đó là một cuộc sống dồn ép trên một khoang đò với nhiều sự kiện để mỗi nhân vật đều bộc lộ tính cách và bản chất thật của mình. Có thể nói, Sang sông là một truyện ngắn xuất sắc với đoạn văn mở đầu mang nội dung dự báo kín đáo.

2.2.2. Các kiểu mở đầu

Trong các sáng tác của mình, Nguyễn Huy Thiệp cũng sử dụng hai kiểu mở đầu thường gặp là: kiểu mở trực tiếp và kiểu mở gián tiếp.

2.2.2.1. Kiểu mở trực tiếp

Kiểu mở trực tiếp là dùng cách diễn đạt đi ngay vào nội dung – chủ đề của truyện. Cách mở này có những ưu điểm nhất định như: làm cho nội dung

của tác phẩm được thể hiện ngay từ đầu một cách rõ ràng, minh bạch, tránh được sự dàn trải dài dòng. Người đọc dễ tiếp nhận nội dung một cách chính xác, tránh được sự suy diễn. Tuy nhiên, đối với thể loại truyện ngắn, kiểu mở trực tiếp không được các nhà văn sử dụng nhiều. Bởi nó thường khô khan, ít lôi cuốn, không gợi tạo được không khí, giọng điệu sinh động cho tác phẩm.

Khảo sát 47 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi thấy kiểu mở trực tiếp được nhà văn sử dụng không nhiều, chỉ chiếm 29,8% (14/47).

Ví dụ:

Kẻ điên rồ nhất ở bản Hua Tát là Sạ. Sạ là con út ông Pành, người từng lập nên cả một gia đình đông đúc có tám người con và gần ba chục đứa cháu; ông già nổi tiếng khắp các bản mường [17, tr.303].

(Sạ - Những ngọn gió Hua Tát)

Ngay ở câu đầu tiên trong đoạn văn mở đầu truyện ngắn Sạ, tác giả đã giới thiệu đặc điểm tính cách của nhân vật Sạ. Sạ được coi là “kẻ điên rồ nhất ở bản Hua Tát”. Cách mở này đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc về Sạ. Từ đó, người đọc tò mò muốn khám phá tiếp phần nội dung câu chuyện, để lí giải vì sao Sạ là kẻ điên rồ.

Ví dụ:

Trương Chi đứng đầu mũi thuyền. Chàng trật quần đái vọt xuống dòng sông. Phía xa kia là chân trời rực hồng ráng đỏ. Nhà nàng ở phía ấy. Sương xuống lạnh. Một nỗi buồn da diết choán ngợp lòng chàng. Chàng gác chèo và mặc kệ dòng sông cuốn thuyền đi [17, tr.427].

(Trương Chi)

Ở đoạn mở đầu này, Nguyễn Huy Thiệp đã giới thiệu trực tiếp nhân vật tham gia nội dung câu chuyện là chàng Trương Chi. Tuy nhiên, là một cây bút truyện ngắn tài năng, Nguyễn Huy Thiệp đã khắc phục được những nhược điểm của cách mở trực tiếp. Trương Chi ngay từ khi xuất hiện đã gây bất ngờ,

cho người đọc bởi hành động rất bản năng: “Chàng trật quần đái vọt xuống dòng sông”. Cách vào đề này khiến cho nhân vật trở nên sinh động hơn, đồng thời cũng đời thường hơn.

Kiểu mở trực tiếp đã được Nguyễn Huy Thiệp khắc phục một số nhược điểm cơ bản. Vì thế, những đoạn văn mở đầu theo kiểu trực tiếp trong truyện ngắn của ông không hề khô khan mà vẫn lôi cuốn được đông đảo độc giả.

2.2.2.2. Kiểu mở gián tiếp

Mở gián tiếp khắc phục được những nhược điểm của kiều mở trực tiếp như: dẫn dắt vào đề một cách tuần tự, nhờ đó người đọc dễ tiếp nhận. Ngoài ra, nó còn gợi tạo được không khí ngay từ đầu với một ấn tượng tốt.

Là một trong những cây bút truyện ngắn đặc sắc của văn học Việt Nam sau năm 1975, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng chủ yếu kiểu mở gián tiếp trong các tác phẩm của mình. Qua khảo sát chúng tôi thấy kiểu mở gián tiếp chiếm 70,2% (33/47). Cách mở này trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có nhiều dạng cụ thể như: mở bằng miêu tả bối cảnh không gian – thời gian, mở đầu là phần giới thiệu về nhân vật, mở đề bằng cách nêu lí do – căn cứ của bài viết, cách mở khơi gợi cảm xúc...

* Mở bằng miêu tả bối cảnh không gian – thời gian

Bối cảnh không gian – thời gian làm nền cho câu chuyện có vai trò vô cùng quan trọng đối với thể loại truyện ngắn. Nhận thức được điều ấy, Nguyễn Huy Thiệp đã sáng tạo thành công những cảnh huống không gian – thời gian trong các truyện như: Chảy đi sông ơi, Lòng mẹ, Nguyễn Thị Lộ, Thiên văn, Muối của rừng...

Ví dụ:

Đoạn sông chảy qua bến Cốc lia một còng cung đẩy những doi cát bên bồi về mãi phía Tây. Bến đò ở ngay gốc gạo đơn độc đầu xóm. Con sông bến nước mơ màng và buồn cô liêu, nửa như chờ đợi, nửa như hờn dỗi. Mùa hoa,

trên ngọn cây gạo màu đỏ xao xuyến lạ lùng. Nước lờ lững trôi, giữa tim dòng sông rạch một mũi sóng dập dồn, ở đầu mũi sóng có một điểm đen tựa như mũi giáo. Bến đò tĩnh lặng rất ít người qua lại. Mùa đông có cả những con sáo lông đen chân vàng đậu trên sợi thép níu đò căng từ gốc gạo sang phía bên kia sông. Chúng nghiêng nghiêng đầu xuống dòng nước chảy thao thiết líu ra líu ríu. Chiều xuống, tiếng chuông nhà thờ ở giữa bến Cốc lan trên mặt sông mang mang vô tận. Con sông tựa như giật mình phút chốc sau đó lại lặng im trôi, giống như một người hiểu biết tất cả nhưng đang mải mê suy nghĩ, chẳng cần mà cũng chẳng thèm biết đến xung quanh chộn rộn những gì

[17, tr.5].

(Chảy đi sông ơi)

Mở đầu truyện ngắn Chảy đi sông ơi, Nguyễn Huy Thiệp tả quang cảnh đoạn sông chảy qua bến Cốc theo mùa và theo từng khoảnh khắc. Không gian miêu tả càng ngày càng được mở rộng từ một đoạn sông, đến “bến đò”, “con sông bến nước” và cuối cùng dừng lại ở “con sông”. Con sông thay đổi theo mùa và hơn nữa theo từng khoảnh khắc: “Mùa hoa, trên ngọn cây gạo, màu đỏ xao xuyến lạ lùng”. Đông về “những con sáo lông đen chân vàng đậu trên sợi thép níu đò căng từ gốc gạo sang phía bên kia sông”. Chiều xuống, “tiếng chuông nhà thờ ở giữa bến Cốc lan trên mặt sông mang mang vô tận”. Đây không còn là con sông vô tri, vô giác nữa mà đó là một dòng sông có linh hồn “con sông tựa như giật mình phút chốc sau đó lại lặng im trôi, giống như một người hiểu biết tất cả nhưng đang mải mê suy nghĩ...”. Con sông ấy chứa đầy thi vị khi ôm ấp trong lòng huyền thoại về con trâu đen. Có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp đã khá thành công khi miêu tả một không gian bến đò gắn liền với những khoảnh khắc thời gian thấm đẫm tâm trạng, cảm xúc để làm nền cho nhân vật “tôi” xuất hiện.

Ví dụ:

Con đò nằm bên vệ sông. Buổi trưa nắng gắt. Khách xuống đò mặc một bộ đồ chàm xanh, tay nải khoác vai. Đò không có chèo, neo bằng sợi dây thép buộc vào hòn đá. Chắc lái đò đã về nghỉ trưa rồi. Dòng sông không một bóng người [17, tr.452].

(Thiên văn)

Trong đoạn văn, tác giả đã dựng nên không gian dòng sông vắng vẻ không một bóng người, giữa buổi trưa nắng gắt. Trên bối cảnh không gian – thời gian không mấy thuận lợi đó, nhân vật “khách” xuất hiện. Ở đây, tất cả đã được đẩy đến độ căng, buộc “khách” phải biểu hiện bản lĩnh của mình.

Ví dụ:

Thằng bé con 11 tuổi. Nó chạy dọc bờ đê. Mưa bụi giăng giăng. Bây giờ là mùa xuân. Những cánh buồm đang ngược gió [17, tr.515].

(Lòng mẹ)

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy trong các truyện ngắn có kiểu mở gián tiếp miêu tả bối cảnh không gian - thời gian, Nguyễn Huy Thiệp thường miêu tả không gian bến đò. Đây chính là dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Trong tiềm thức của mỗi người, dòng sông gợi sự chảy trôi mải miết của dòng đời. Với Nguyễn Huy Thiệp, sự chảy trôi vĩnh cửu của dòng đời đi liền với nỗi ám ảnh về sự hư ảo, phù du của tất cả, kể cả cái đẹp, cái xấu cho đến những giá trị của văn minh. Phải chăng vì thế, hơn một lần Nguyễn Huy Thiệp đã cất lên tiếng hát thật buồn:

Chảy đi sông ơi Băn khoăn làm gì? Rồi sông đãi hết

* Mở đầu là phần giới thiệu về nhân vật

Nhân vật là một thành tố quan trọng trong tác phẩm nghệ thuật nói chung và truyện ngắn nói riêng. Nhân vật đi vào tác phẩm cũng như khách vào nhà phải có lời giới thiệu. Có rất nhiều cách để nhân vật xuất hiện như: nêu hoàn cảnh – gia cảnh của nhân vật, nêu đặc điểm tính cách nhân vật, hay dự báo kín đáo về nhân vật...

Qua khảo sát truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi thấy nhà văn

Một phần của tài liệu Đoạn văn mở đầu và kết thúc trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)