Vị trí, mục tiêu, nội dung cơ bản của phần Lịch sử Việt nam (Từ 1954-1975) ở

Một phần của tài liệu 24222 16122020235233740KLTN honchnh VTPM (Trang 32 - 36)

7. Cấu trúc của đề tài

2.1 Vị trí, mục tiêu, nội dung cơ bản của phần Lịch sử Việt nam (Từ 1954-1975) ở

ở trường THPT.

- Về vị trí, mục tiêu:

Trong chương trình môn LS ở trường phổ thông, tiến trình LS Việt Nam từ thời nguyên thủy đến năm 2000 được chia làm 3 giai đoạn: từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XIX, từ giữa thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX và từ năm 1919 đến năm 2000. Nội dung kiến thức được giới thiệu hệ thống theo từng giai đoạn LS. GV cần hướng dẫn HS tìm hiểu bản chất của các sự kiện LS, rèn luyện các kỹ năng nhận xét, đánh giá, phân tích mối liện hệ giữa các sự kiện.

Trong đó toàn bộ nội dung của LS Việt Nam từ 1954 đến 1975 được phân phối giảng dạy ở 3 bài, của chương IV: “Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975”. Bài 21: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam (1954-1965); Bài 22: Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược, nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu vừa sản xuất (1965- 1973); Bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975).

Dựa vào chương trình lịch sử giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung LS Việt Nam từ1954 đến 1975 ở trường THPT nhằm các mục tiêu sau:

* Về kiến thức

Từ năm 1954, Việt Nam bị chia cắt làm hai miền miền Bắc và miền Nam với hai chế độ chính trị- xã hội hoàn toàn khác nhau. Miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm nhiệm vụ hậu phương đối với tiền tuyến miền Nam. Còn miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai nhằm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngay từ năm 1954 Mỹ đã liên tiếp thực hiện các âm mưu, thủ đoạn xâm lược của chúng ở miền Nam Việt Nam. Bắt đầu từ năm 1961 đến năm 1973 Mỹ liên tiếp áp dụng các chiến lược chiến tranh ở Việt Nam với quy mô và mức độ ngày càng tăng từ

“chiến tranh đặc biệt” (1961- 1965), đến “chiến tranh cục bộ” (1965- 1968) rồi “Việt Nam hóa chiến tranh” (1968-1973).

Tuy nhiên, nhân dân ta ở hai miền Nam- Bắc đã chiến đấu anh dũng đánh bại liên tiếp các chiến lược chiến tranh này. Riêng nhân dân miền Bắc trong những năm 1965- 1973 đã vừa chiến đấu vừa sản xuất, thực hiện nghĩa vụ hậu phương chi viện cho tiền tuyến miền Nam và nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào và Campuchia. Những chiến thắng của quân và dân ta đã buộc Mỹ năm 1973 phải ký hiệp định Pari về Việt Nam, rút hết quân về nước.

Từ sau hiệp định Pari, quân dân miền Bắc ra sức khôi phục kinh tế, chi viện cho miền Nam. Nhân dân miền Nam tích cực đấu tranh, chuẩn bị lực lượng tạo thế và lực tiến tới Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.

Học tập chương này, học sinh cần nhận thấy những âm mưu và thủ đoạn của Mỹ và tay sai khi tiến hành xâm lược Việt Nam. Đồng thời thấy được vai trò của cách mạng miền Bắc, cách mạng miền Nam và mối quan hệ của cách mạng hai miền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

* Về kỹ năng.

- Học tập những kiến thức lịch sử trên sẽ giúp học sinh phát triển các kỹ năng phân tích, đánh giá, so sánh các vấn đề, sự kiện lịch sử.

- Rèn luyện các kỹ năng sử dụng sách giáo khoa, quan sát kênh hình… trong học tập.

- Ngoài ra còn giúp học sinh rèn luyện kỹ năng thực hành bao gồm có thực hành bộ môn như lập bảng, vẽ bản đồ…và kỹ năng thực hành trong cuộc sống.

* Về thái độ:

Thông qua những kiến thức trên đã có tác dụng lớn đến giáo dục tư tưởng đạo đức và nhân cách cho học sinh:

- Lên án những tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở hai miền đất nước Việt Nam; bồi dưỡng tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, cảm thông với nhân dân miền Nam.

- Bồi dưỡng cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, tự hào về những thắng lợi oanh liệt của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới hiện nay.

- Giáo dục cho các em thái độ kính trọng đối với các vị anh hùng dân tộc những người đã hi sinh cho nền độc lập nước nhà.

- Nêu cao tinh thần đoàn kết, liên minh chiến đấu của ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Tóm lại, học tập Lịch sử Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 học sinh không chỉ nắm được các kiến thức cơ bản của giai đoạn lịch sử đó mà còn giáo dục cho các em tư tưởng, tình cảm, đạo đức và phát triển các năng lực nhận thức, năng lực thực hành cho học sinh.

-Về Nội dung cơ bản

Nội dung cơ bản cần kiểm tra, đánh giá trong dạy học lịch sử Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 có thể chia làm ba giai đoạn:

* Giai đoạn 1954- 1965

Với âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, Mỹ đã không chịu kí vào hiệp định Giơnevơ (1954), sau đó nhanh chóng gạt chân Pháp, giúp đỡ Ngô Dình Diệm dựng lên chính quyền Sài Gòn để biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Dương và Đông Nam Á. Do âm mưu và hành động của Mỹ- Diệm nên nước ta bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị- xã hội khác nhau.

Trong học tập lịch sử Việt Nam giai đoạn này học sinh cần đối chiếu, so sánh những nhiệm vụ và thành tựu của cách mạng hai miền Nam- Bắc ở từng giai đoạn ngắn:

- Ở miền Bắc, từ tháng 7/1954 đến năm 1957 tiến hành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, sau đó bắt tay vào cải tạo quan hệ sản xuất và bước đầu phát triển kinh tế- văn hóa (1958-1960); trong khi đó miền Nam đấu tranh gìn giữ hòa bình, tiến tới “Đồng khởi” (1954- 1960).

- Tiếp đó, miền Bắc đề ra và thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội (1961- 1965); trong khi đó miền

Nam chiến đấu chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Cách mạng mỗi miền tuy có nhiệm vụ chiến lược khác nhau, song đều có chung một nhiệm vụ thiêng liêng là kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để tiến tới thống nhất Tổ quốc.

Đặt biệt trong cách mạng miền Nam từ 1954 đến 1965 học sinh cần khái quát được đặc điểm nổi bật của cuộc đấu tranh chống Mỹ: Mỹ luôn đưa ra nhiều âm mưu, thủ đoạn, chiến lược chiến tranh nhằm đàn áp cách mạng song chẳng bao lâu sau thì đều bị sụp đổ. Sự sụp đổ đó gắn liền với các thắng lợi lớn của nhân dân miền Nam. Ví dụ như, giai đoạn 1961- 1965, Mỹ đưa ra chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, với một loạt chiến thắng của ta ở Ấp Bắc, An Lão, Ba Gia, Đồng Xoài đã làm thất bại chiến lược này.

* Giai đoạn 1965- 1973

Sau thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược miền Nam nhằm khuất phục nhân dân ta. Từ giữa năm 1965 Mỹ bắt đầu mở rộng quy mô cuộc chiến tranh chiến lược, trực tiếp đưa quân viễn chinh Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965- 1968), sau đó là “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông dương hóa chiến

tranh”.

Ở miền Nam từ giữa năm 1965 đến năm 1973 đã trải qua hai thời kỳ chiến đấu chống chiến tranh xâm lược của Mỹ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 tuy có những hạn chế nhất định nhưng vẫn là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước ngoặt của cuộc kháng chiến: nó làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc Tổng thống Ních-xơn phải tuyên bố “Phi Mỹ hóa chiến tranh”.

Còn ở miền bắc từ năm 1965 đến 1973 đã trải qua hai thời kỳ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội và cảng Hải Phòng là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân dân ta. Sau chiến thắng này của ta Mỹ buộc phải ký hiệp định Pari (27/1/1973), chấp nhận rút hết quân đội viễn chinh Mỹ về nước, chấm dứt chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam.

Với Hiệp định Pari năm 1973 về Việt Nam, Mỹ phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải rút quân về nước vô điều kiện. Song Mỹ vẫn giữ hơn 2 vạn cố vấn quân sự, lập ra Bộ chỉ huy quân sự, tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn với sự giúp đỡ của Mỹ đã tiến hành chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, lên tiếp mở các cuộc hành quân “bình định, lấn chiếm” các vùng mới giải phóng của ta.

Từ năm 1973 đến năm 1975, miền Bắc được trở lại hòa bình, cách mạng thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế- văn hóa, dồn sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Ở miền Nam, tận dụng điều kiện thuận lợi sau hiệp định Pari, ta đẩy mạnh đấu tranh chống địch “tràn ngập lãnh thổ”, tạo thế và lực mới để chuẩn bị giái phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Cuộc Tổng tiến công và Nổi dậy Xuân 1975 được diễn ra qua ba chiến dịch lớn, nối tiếp và xen kẽ nhau: Chiến dịch Tây Nguyên (4/3- 24/3/1975), chiến dịch Huế- Đà Nẵng (21/3- 29/3/1975) và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4- 30/4/1975). Ngày 2/5/1975, Châu Đốc là tỉnh cuối cùng ở miền Nam được giải phóng, kết thức 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước oanh liệt của dân tộc.

Trên cơ sở những kiến thức lịch sử đó, học sinh phải phân tích và rút ra được nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Một phần của tài liệu 24222 16122020235233740KLTN honchnh VTPM (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)