Tổng quan về nuôi trồng thủy sản tỉnh Hưng Yên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng mô hình nuôi cá nheo mỹ (ictalurus punctatus, rafinesque, 1818) trong ao đất tại hưng yên (Trang 31 - 35)

PHẦN 2 TỔNG QUAN TÀI LIỆU

2.3. TIỀM NĂNG VÀ HIỆN TRẠNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN CỦA

2.3.1. Tổng quan về nuôi trồng thủy sản tỉnh Hưng Yên

Hưng Yên là một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, tiếp giáp với 05 tỉnh: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, tổng diện tích tự nhiên 923,09 km2. Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là vùng động lực phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng Bắc Bộ và cả nước; có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ giữa ba thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Địnhvà có các tuyến đường giao thông quan trọng đi qua(có quốc lộ số 5 chạy qua, nối Hà Nội - Hải Phòng), đó là cơ hội đón nhận và tận dụng sự phát triển chung của cả vùng, trước hết về khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm…đây là điều kiện tốt để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có phát triển nông nghiệp.

Nuôi trồng thủy sản của tỉnh Hưng Yên chủ yếu phát triển nuôi thương phẩm các đối tượng nước ngọt truyền thống và sản xuất giống. Với khoảng 5.000 ha diện tích ao, hồ đầm nuôi cá và gần 5.000 ha ruộng trũng có khả năng nuôi cá kết hợp

cấy lúa, Hưng Yên có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.Ngoài ra, Hưng Yên có sông Hồng, sông Luộc và hệ thống sông Bắc Hưng Hải chảy qua địa bàn dài 230 km với lưu lượng nước lớn, thổ nhưỡng chủ yếu là đất phù sa hoặc đất thịt nhẹ có độ phì khá là những điều kiện thích hợp để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Không thể phủ nhận, trong những năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Toàn tỉnh Hưng yên có trên 4.550 ha diện tích nuôi, thả thủy sản, trong đó diện tích nuôi thâm canh là 1.280 ha, nuôi bán thâm canh là gần 2.700 ha và hơn 500 ha nuôi quảng canh.Cơ cấu nuôi trồng thủy sản trong tỉnh Hưng Yên tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực sang những giống cho năng suất cao hoặc có giá trị trên thị trường. Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn giữ được ổn định và từng bước đa dạng giống nuôi trồng. Công tác quy hoạch NTTS trên địa bàn tỉnh đã được coi trọng và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Một số quy hoạch NTTS sau khi được phê duyệt đã phát huy tác dụng, giúp tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có căn cứ chỉ đạo đầu tư và điều chỉnh kịp thời quá trình sản xuất, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu thuỷ sản cho thị trường....

Theo Báo cáo tổng kết tình hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn năm 2015 của Sở NN&PTNT Hưng Yên, hiện nay, tỉnh đang mở rộng diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh năng suất cao; kiểm soát chặt chất lượng thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh; dùng chế phẩm sinh học để xử lý nguồn nước và đất đáy ao để giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường sinh thái; tập trung nuôi thả các loại thủy sản cho giá trị hiệu quả kinh tế cao như: rô phi đơn tính, trắm đen, chép lai, tôm càng xanh, cá sấu, ba ba, ếch, cá chạch,... Nuôi cá lồng mới bắt đầu được áp dụng trong những năm gần đây, hiện nay số lượng lồng trên địa bàn tỉnh đạt trên 50 lồng, bè nuôi cá và sẽ phát triển thêm 100 lồng, bè tại các xã ven sông Hồng. Công tác sản xuất giống cũng được đầu tư, theo thống kê đầu năm 2015, lượng cá bột sản xuất, tiêu thụ đạt 623,0 triệu cá bột; cá giống sản xuất và tiêu thụ đạt trên 80,0 triệu con. Diện tích nuôi cá theo hướng VietGAP đạt 10 ha. Ruộng trũng cấy lúa hiệu quả thấp chuyển sang nuôi trồng thủy sản tập trung là 170 ha. Mô hình nuôi cá- lúa được xem là mô hình canh tác thích hợp với khu ruộng trũng, đang tiếp tục được nhân rộng và bước đầu đánh giá là có hiệu quả kinh tế. Lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần so với lợi nhuận của mô hình sản xuất lúa 2 vụ.

Trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản đã tạo thu nhập cao cho người dân, góp phần vào việc giải quyết việc làm tăng thu nhập cho một số lao động nhàn rỗi. Mặc khác, NTTS phát triển cũng góp phần thực hiện thành công đề án phát triển nông thôn mới của UBND tỉnh.

Theo thống kê, ước tính tổng sản lượng thủy sản từ nuôi trồng của tỉnh năm 2014 đạt trên 16.500 tấn; sản lượng thủy đặc sản thương phẩm đạt trên 4,5 tấn; sản lượng thủy sản khai thác đạt trên 330,0 tấn. Phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng đạt trên 13% năm.

Cho đến nay, kinh tế thủy sản luôn giữ vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh nhà, được định hướng trở thành một trong những ngành mũi nhọn tăng hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản Hưng Yên vẫn còn không ít những bất cập và phải đối mặt với hàng loạt thách thức như: thời tiết, khí hậu có những diễn biến bất thường; hoạt động khai thác thuỷ sản huỷ diệt bằng kích điện, chất cấm vẫn diễn ra dẫn đến nguồn lợi có xu hướng suy giảm; giá vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu ngày càng tăng cao trong khi đó giá các sản phẩm thủy sản tăng chưa tương xứng;công tác quy hoạch chưa không theo kịp với tốc độ phát triển, đầu tư còn dàn trải, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, hàm lượng khoa học công nghệ còn thấp; nguồn lợi thuỷ sản đang có xu hướng giảm, sự phát triển còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, không theo kịp quy hoạch dẫn đến môi trường một số nơi có dấu hiệu suy thoái, dịch bệnh phát sinh và có sự mất cân đối giữa cung và cầu...

Để phục vụ lâu dài và đảm bảo phong trào nuôi thủy sản phát triển ổn định và bền vững, tỉnh Hưng Yên đã quy hoạch phát triển mở rộng diện tích nuôi thủy sản đến năm 2020. Mục tiêu là phát triển nuôi thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hóa ổn định, bền vững, có khả năng tự đầu tư, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập để làm giàu cho nông dân.

Theo kế hoạch đến năm 2020, diện tích nuôi thủy sản ổn định trên địa bàn Hưng Yên đạt 5.000 ha nhưng sẽ tăng diện tích thâm canh để nâng sản lượng thủy sản lên trên 30 nghìn tấn/năm, đóng góp vào GDP của ngành nông nghiệp tỉnh trên 18%; giải quyết việc làm cho trên 15 nghìn lao động nông thôn. Tổng nguồn vốn

thực hiện dự kiến là hơn 2.800 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách, vốn doanh nghiệp, trang trại và hộ gia đình.

Trước mắt, tỉnh Hưng Yên sẽ triển khai một số dự án như: nuôi thâm canh thủy sản có năng suất chất lượng cao; cải tạo đàn cá bố mẹ, khắc phục hiện tượng đồng huyết cận huyết; mở rộng nuôi thủy sản lồng bè phù hợp môi trường vùng ven sông, xúc tiến thương mại thủy sản... Việc nuôi trồng thủy sản được làm ở mọi loại hình mặt nước ao hồ, mặt nước vùng bãi ven sông, xây dựng và áp dụng công nghệ nuôi thủy sản lồng bè theo điều kiện môi trường của các vùng ven sông Hồng, sông Luộc. Chú trọng mở rộng diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh năng suất cao, công nghệ sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường với các giống cho giá trị hiệu quả kinh tế cao như: rô phi đơn tính, trắm cỏ, chép lai, cá sấu, ba ba, rắn, ếch, tôm càng xanh... Theo đó, sẽ hình thành các khu nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung, kiểm soát được chất lượng thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh; khuyến khích áp dụng công nghệ mới theo quy trình GAP phù hợp với khả năng đầu tư và giảm thiểu rủi ro cho nông dân, sản xuất thức ăn và sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý nước thải tại các vùng nuôi tập trung để giảm thiểu ô nhiễm, tạo môi trường sinh thái. Về đầu ra sản phẩm, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất chế biến và tiêu thụ, hình thành các đầu mối thu gom sản phẩm tiêu thụ cho các khu công nghiệp, thủ đô Hà Nội, các đô thị trong và ngoài tỉnh.

Hình 2.6. Bản đồ tỉnh Hưng Yên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng mô hình nuôi cá nheo mỹ (ictalurus punctatus, rafinesque, 1818) trong ao đất tại hưng yên (Trang 31 - 35)