Tình hình nuôi ở nước ta

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng mô hình nuôi cá nheo mỹ (ictalurus punctatus, rafinesque, 1818) trong ao đất tại hưng yên (Trang 30 - 31)

Ở nước ta, cá Nheo Mỹ được nuôi một vài năm gần đây, ban đầu một số người dân nuôi lồng tại huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương nhập cá giống cỡ 3- 5 cm từ Trung Quốc về ương trong ao, khi cá đạt cỡ từ 50- 100 con/kg thì tiến hành thả ra lồng để nuôi lên cá thương phẩm, nguồn thức ăn chính của cá là cá tạp và thức ăn công nghiệp. Sau thời gian nuôi khoảng 20- 24 tháng cá đạt khối lượng 2,5- 3kg/con. Giá bán dao động từ 100.000- 110.000 đồng/kg (Nguyễn Anh Hiếu và cs., 2014). Nhận thấy đây là loài cá dễ nuôi, có giá trị kinh tế nên việc phát triển nuôi loài cá này nhanh chóng được nhân rộng.

Năm 2011, cá nheo Mỹ được Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản nước ngọt miền Bắc tiến hành nghiên cứu nuôi thử nghiệm tại một số hộ dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Mô hình nuôi cá Nheo Mỹ trong ao và lồng thực sự phát triển từ năm 2012 khi diện tích ao nuôi và số lồng nuôi tăng nhanh, mở rộng ra một số huyện khác như Chí Linh, Kinh Môn, Thanh Miện,… Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương diện tích ao nuôi cá Nheo Mỹ khoảng > 10ha, nhưng diện tích này chủ yếu dùng để ương nuôi cá giống nhỏ lên cỡ giống lớn. Có khoảng 50- 70 hộ dân nuôi lồng, mỗi hộ có từ 70 – 100 lồng thể tích lồng chủ yếu từ 100- 150 m3/lồng, trong đó 2/3 diện tích lồng dùng để nuôi cá Nheo Mỹ, còn lại là nuôi các loài cá khác như Trắm cỏ, Chép, Diêu hồng. Sản lượng nuôi cá Nheo Mỹ toàn tỉnh ước đạt 300- 500 tấn/năm.

Đến năm 2013, 2014 cá Nheo Mỹ được nuôi thử nghiệm và cho kết quả rất khả quan tại một số tỉnh miền Bắc như Vĩnh Phúc, Yên Bái, Thanh Hóa. Từ những mô hình nuôi thử nghiệm cho thấy, cá nheo Mỹ có thể phát triển tốt với điều kiện tự

nhiên của Việt Nam, góp phần bổ sung thêm đối tượng nuôi mới cho người dân. Đặc biệt, cá có thể chống chịu tốt với điều kiện khí hậu lạnh vào mùa đông ở miền Bắc. Đây là mô hình đang được người dân quan tâm và hưởng ứng, rất có triển vọng để mở rộng trong những năm tiếp theo.

Từ đầu năm 2013, một số hộ dân đã đầu tư hệ thống lồng ở một số hồ chứa lớn tại các tỉnh miền núi như hồ chứa Hòa Bình – tỉnh Hòa Bình, hồ chứa Na Hang – tỉnh Tuyên Quang với quy mô hàng trăm lồng nuôi. Việc mở rộng diện tích cũng như vùng nuôi cho thấy đây là loài có tiềm năng phát triển, có giá trị kinh tế, mở ra hướng phát triển mới cho người nuôi thủy sản (Nguyễn Anh Hiếu và cs., 2014).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng mô hình nuôi cá nheo mỹ (ictalurus punctatus, rafinesque, 1818) trong ao đất tại hưng yên (Trang 30 - 31)