4. Những đóng góp, ý nghĩa khoa học và thực tiễn
1.1.4. Các công cụ phân tích chuỗi giá trị
Phân tích chuỗi giá trị giúp chúng ta xác định được những khó khăn của từng khâu trong chuỗi, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục để sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường và phát triển bền vững.
Phân tích chuỗi giá trị còn giúp cho các “nhà hỗ trợ” xác định được các nút thắt cần hỗ trợ đối với các tác nhân trong các khâu của chuỗi và có những tác động phát triển chuỗi.
Phân tích chuỗi giá trị có thể sử dụng các công cụ sau đây để phân tích:
Lựa chọn các chuỗi giá trị ưu tiên để phân tích
- Mục tiêu của công cụ này là: Trước khi tiến hành phân tích chuỗi giá trị phải quyết định xem ưu tiên chọn tiểu ngành nào, sản phẩm hay hàng hóa nào để phân tích.Vì các nguồn lực để tiến hành phân tích lúc nào cũng hạn chế nên phải lập ra phương pháp để lựa chọn một số nhất định các chuỗi giá trị để phân tích trong số nhiều lựa chọn có thể được.
- Các bước tiến hành thực hiện công cụ này như sau:
Quá trình lập thứ tự ưu tiên tuân theo 4 bước như trong quy trình tiến hành lựa chọn trong một tình huống có nguồn lực khan hiếm. Bốn bước này bao gồm việc xác định một hệ thống các tiêu chí sẽ được áp dụng để lập thứ tự ưu tiên các chuỗi giá trị, đánh giá tương đối mức độ quan trọng của các tiêu chí đó, xác định các tiểu ngành, sản phẩm, hàng hóa tiềm năng có thể xem xét và sau đó lập một ma trận để xếp thứ tự các sản phẩm theo các tiêu chí trên. Lựa chọn ưu tiên cuối cùng có thể xác định dựa vào kết quả xếp loại đạt được.
Lập sơ đồ chuỗi giá trị:
Để hiểu được chuỗi giá trị cần phân tích, chúng ta có thể dùng các mô hình, bảng, số liệu, biểu đồ và các hình thức tương tự để hình dung được bản chất. Lập sơ đồ chuỗi giá trị là một cách tốt giúp chúng ta nhìn thấy bức tranh toàn cảnh đối tượng nghiên cứu được dễ hiểu hơn.
- Mục tiêu của việc thực hiện công cụ lập sơ đồ chuỗi bao gồm 3 mục tiêu sau:
+ Giúp hình dung được các mạng lưới để hiểu hơn về các kết nối giữa các tác nhân và các quy trình trong một chuỗi giá trị.
+ Thể hiện tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các tác nhân và quy trình trong chuỗi giá trị.
+ Cung cấp cho các bên có liên quan hiểu biết ngoài phạm vi tham gia của riêng họ trong chuỗi giá trị.
Các câu hỏi chính: Không có sơ đồ chuỗi giá trị nào hoàn toàn toàn diện và bao gồm tất cả mọi yếu tố. Việc quyết định lập sơ đồ những gì phụ thuộc vào các nguồn lực ta có, phạm vi và mục tiêu của nghiên cứu và nhiệm vụ của tổ chức của chúng ta. Một chuỗi giá trị, cũng như thực tiễn, có rất nhiều khía cạnh: dòng sản phẩm thực tế, số tác nhân tham gia, giá trị tích luỹ được...
Vì vậy, việc chọn xem sẽ đưa vào những khía cạnh nào mà ta muốn lập sơ đồ là rất quan trọng.
Những câu hỏi sau có thể hướng dẫn chọn những vấn đề nào để đưa vào sơ đồ:
+ Có những quy trình khác nhau (căn bản) nào trong chuỗi giá trị? + Ai tham gia vào những quy trình này và họ thực tế làm những gì?
+ Có những dòng sản phẩm, thông tin, tri thức nào trong chuỗi giá trị? + Khối lượng của sản phẩm, số lượng những người tham gia, số công việc tạo ra như thế nào?
+ Giá trị thay đổi như thế nào trong toàn chuỗi giá trị? + Có những hình thức quan hệ và giá trị nào tồn tại?
+ Những loại dịch vụ (kinh doanh) nào cung cấp cho chuỗi giá trị? - Lập sơ đồ chuỗi giá trị bao gồm các bước sau:
+ Bước 1: Lập sơ đồ các quy trình cốt lõi trong chuỗi giá trị.
+ Bước 2: Xác định và lập sơ đồ những người tham gia chính vào các quy trình này.
+ Bước 3: Lập sơ đồ dòng sản phẩm, thông tin và kiến thức.
+ Bước 4: Lập sơ đồ khối lượng sản phẩm, số người tham gia và số công việc.
+ Bước 5: Lập sơ đồ dòng luân chuyển sản phẩm hoặc dịch vụ về mặt địa lý.
+ Bước 6: Xác định trên sơ đồ giá trị ở các cấp độ khác nhau của chuỗi giá trị.
+ Bước 7: Lập sơ đồ các mối quan hệ và giá trị giữa những người tham gia trong chuỗi giá trị.
+ Bước 8: Lập sơ đồ các dịch vụ kinh doanh cung cấp cho chuỗi giá trị.
Chi phí và lợi nhuận
Sau khi đã lập sơ đồ chuỗi giá trị, bước tiếp theo là nghiên cứu sâu một số khía cạnh của chuỗi giá trị. Có rất nhiều khía cạnh có thể lựa chọn để nghiên cứu tiếp. Một trong những số đó là chi phí và lợi nhuận, hay nói một cách đơn giản hơn, là số tiền mà một người tham gia trong chuỗi giá trị bỏ ra và số tiền mà một người tham gia trong chuỗi giá trị nhận được.
- Để xác định được chi phí và lợi nhuận, cần dựa vào một số câu hỏi chính sau:
+ Chi phí, gồm cả chi phí cố định và chi phí biến đổi của mỗi người tham gia là gì và cần đầu tư bao nhiêu để tham gia một chuỗi giá trị?
+ Thu nhập của mỗi người tham gia trong chuỗi giá trị là bao nhiêu? Nói cách khác, khối lượng bán và giá bán của mỗi người tham gia là bao nhiêu?
+ Vốn đầu tư, chi phí, thu nhập, lợi nhuận và lợi nhuận biên thay đổi theo thời gian như thế nào?
+ Vốn đầu tư, chi phí, thu nhập, lợi nhuận và lợi nhuận biên được phân chia giữa những người tham gia trong chuỗi giá trị như thế nào?
+ Chi phí và lợi nhuận của chuỗi giá trị này thấp hơn hay cao hơn so với các chuỗi giá trị sản phẩm khác? Nói cách khác, chi phí cơ hội của việc thuê mua các nguồn lực sản xuất cho chuỗi giá trị cụ thể này là thế nào?
+ Chi phí và lợi nhuận của chuỗi giá trị này thấp hơn hay cao hơn các chuỗi giá trị tương tự ở những nơi khác?
+ Nguyên nhân của việc phân chia chi phí và lợi nhuận trong một chuỗi giá trị là gì?
Phân tích công nghệ và kiến thức của các tác nhân tham gia trong chuỗi
Công cụ này giúp xem xét những tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị đang sử dụng những công nghệ như thế nào? công nghệ này có phù hợp với họ hay không và liệu có thể thay thổi để cải thiện giá trị của sản phẩm được không?
- Mục tiêu của công cụ này:
+ Để phân tích tính hiệu quả và hiệu lực của công nghệ trong việc sử dụng trong chuỗi giá trị.
+ Để đảm bảo một loại hình của công nghệ hiện tại và đòi hỏi trong chuỗi giá trị.
+ Để phân tích tính hợp lý của công nghệ (có đủ điều kiện,phù hợp, có thể tiếp cận, có thể tái tạo và thay thế) phù hợp với những kỹ năng của công nghệ ở các mức khác nhau của chuỗi giá trị.
+ Để phân tích các lựa chọn nâng cao trong chuỗi giá trị cung cấp những chất lượng đòi hỏi của sản phẩm đầu ra.
+ Phân tích tác động của đầu tư bên ngoài trong kiến thức và công nghệ.
Phân tích thu nhập trong chuỗi giá trị
Phân tích tác động của việc tham gia vào các chuỗi giá trị tới việc phân bổ thu nhập trong và giữa các mức khác nhau của chuỗi giá trị ở cấp bậc của
người tham gia đơn lẻ; Phân tích tác động của các hệ thống quản trị chuỗi giá trị khác nhau tới sự phân bổ thu nhập và giá sản phẩm cuối cùng; Miêu tả sự tác động của sự phân bổ thu nhập tới người nghèo và những nhóm người yếu thế và tiềm năng đối với sự giảm nghèo từ các chuỗi giá trị khác nhau.
Phân tích việc làm trong chuỗi giá trị:
Mục đích của việc phân tích này là: Để phân tích tác động của chuỗi giá trị tới việc phân bổ việc làm giữa và trong các cấp khác nhau của chuỗi giá trị ở cấp người tham gia cá nhân; Miêu tả sự phân bổ việc làm theo chuỗi giá trị và trong số những tầng lớp giàu khác nhau và làm thế nào để người nghèo và nhóm yếu thế có thể tham gia vào chuỗi; Miêu tả sự năng động của việc làm trong và dọc theo chuỗi giá trị và sự bao gồm tách rời người nghèo và các nhóm yếu thế; Phân tích tác động của hệ thống quản trị khác nhau của chuỗi giá trị đến sự phân bổ việc làm; Phân tích sự tác động của các chiến lược nâng cao khác nhau của chuỗi giá trị lên sự phân bổ việc làm.
Phân tích quản trị và các dịch vụ:
Việc phân tích quản trị và các dịch vụ nhằm điều tra các quy tắc hoạt động trong chuỗi giá trị và đánh giá sự phân phối quyền lực giữa những người tham gia khác nhau. Quản trị là một khái niệm rộng bao gồm hệ thống điều phối, tổ chức và kiểm soát mà bảo vệ và nâng cao việc tạo ra giá trị dọc theo chuỗi. Quản trị bao hàm sự tác động qua lại giữa những người tham gia trong chuỗi là không ngẫu nhiên nhưng được tổ chức trong một hệ thống cho phép đáp ứng những đòi hỏi cụ thể về sản phẩm, phương pháp và hậu cần. Ví dụ, việc tham gia thị trường quốc tế thường phụ thuộc vào sự tuân thủ những quy định và chuẩn mực quốc tế; một hệ thống quản trị hiệu quả đảm bảo rằng những chuẩn mực yêu cầu có thể được đáp ứng bởi tất cả các khâu trong chuỗi. Phân tích quản trị và các dịch vụ có thể giúp xác định đòn bẩy can thiệp nhằm tăng tính hiệu quả chung của chuỗi giá trị. Các quy tắc có thể không được lập ra một cách đầy đủ và duy trì yếu làm giảm các khả năng tạo
ra giá trị. Việc phân tích các dịch vụ và quản trị cũng có thể giúp đánh giá lợi thế và bất lợi của các quy tắc đối với các nhóm khác nhau. Do vậy, xác định các khó khăn hệ thống ảnh hưởng tới những người tham gia yếu hơn. Việc phân tích các dịch vụ và quản trị có thể giúp hiểu những vấn đề quan trọng liên quan đến việc hoà nhập của người nghèo vào chuỗi giá trị. Trước hết rất quan trọng để sử dụng phân tích quản trị để xác định xem liệu người nghèo có tiếp cận được với các nguồn lực hay liệu có những rào cản cơ cấu đối với tiếp cận chuỗi giá trị. Ví dụ, khi các nguồn lực được kiểm soát bởi một số ít những người tham gia có quyền lực liên quan bởi tình bạn hay quan hệ tin tưởng thì người tham gia mới muốn tham gia vào chuỗi sẽ gặp phải những rào cản về kinh tế và xã hội. Trong một chuỗi giá trị mà bị thống trị bởi một vài người tham gia trung tâm thì người nghèo sẽ có khả năng ở thế bất lợi.
Phân tích mối quan hệ giữa chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng:
Để xem xét sự khác biệt giữa chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, ta khái niệm hóa chuỗi cung ứng như là tập hợp con của chuỗi giá trị. Tất cả nhân viên bên trong một tổ chức là một phần của chuỗi giá trị. Điều này lại không đúng đối với chuỗi cung ứng. Các hoạt động chính đại diện cho bộ phận hoạt động của chuỗi giá trị, và đây chính là những điều ám chỉ đến chuỗi cung ứng. Ở cấp độ tổ chức, chuỗi giá trị là rộng hơn chuỗi cung ứng vì nó bao gồm tất cả các hoạt động dưới hình thức của các hoạt động chính và hoạt động bổ trợ. Hơn nữa, khái niệm chuỗi giá trị ban đầu tập trung chủ yếu vào các hoạt động nội bộ, trong khi chuỗi cung ứng, theo định nghĩa, tập trung vào cả nội bộ và bên ngoài. Để phản ánh ý kiến hiện tại, chúng ta phải mở rộng mô hình chuỗi giá trị ban đầu, tập trung chủ yếu vào các thành phần nội bộ, bao gồm cả nhà cung cấp và khách hàng nằm ở vị trí ngược dòng và xuôi dòng của chuỗi so với tổ chức trọng tâm. Các cấp độ của nhà cung cấp và khách hàng hình thành cơ sở của chuỗi giá trị mở rộng hoặc khái niệm doanh nghiệp mở rộng, với tuyên bố rằng sự thành công chính là chức năng quản lý
một cách hiệu quả nhóm các doanh nghiệp liên kết với nhau qua khách hàng và nhà cung cấp ở cấp độ đầu tiên (doanh nghiệp chỉ xem xét nhà cung cấp và khách hàng của mình).
Chúng ta có thể thấy rằng một chuỗi cung ứng được tổ chức tốt sẽ giúp chuỗi giá trị tạo ra được nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp. Và ngược lại, chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả thì chuỗi cung ứng cũng thông suốt, giúp doanh nghiệp hoạt động đạt hiệu quả cao.
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.1.Tình hình phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cây có múi tại một số
nước trên thế giới
Kinh nghiệm phát triển của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới cho thấy, tùy theo điều kiện cụ thể của từng nước với những chiến lược phù hợp thì một nước có thể phát triển một nền nông nghiệp bền vững và hiện đại. Qua đó giúp hàng nông sản của nước mình xâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và thu được giá trị gia tăng ở mức cao nhất có thế.
Trung Quốc và Thái Lan là hai quốc gia Châu Á, có các điều kiện tự nhiên – xã hội tương đối giống Việt Nam song hai nước này lại đang xâm nhập mạnh vào chuỗi giá trị toàn cầu hàng nông sản và thu về nhiều giá trị gia tăng hơn nhiều so với Việt Nam.
Từ các kinh nghiệm thực tế của hai quốc gia này Việt Nam có thể vạch ra những bước đi chiến lược cho ngành nông sản để nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam.
Trung Quốc là nước có nền nông nghiệp lớn và lâu dài nhất thế giới, đồng thời là một trong những chiếc nôi của nền nông nghiệp thế giới. Do đó, quốc gia này đã tích lũy nhiều kình nghiệm thâm canh cổ truyền với một hệ thống công cụ sản xuất thủ công phong phú, đa dạng, tận dụng nguồn lao động dồi dào ở nông thôn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp tự túc, tự cấp có hiệu quả cao. Kinh tế nông nghiệp Trung Quốc đã có sự chuyển dịch cơ cấu
tích cực nhằm tạo ra năng suất cây trồng và hiệu quả cao, sản xuất nhiều nông sản hàng hóa.
Chỉ sử dụng 9% diện tích đất trồng trọt toàn cầu, quốc gia đông dân nhất hành tinh này không những đã đáp ứng nhu cầu của hơn 1,3 tỷ người về lương thực, thực phẩm và các nông sản khác mà còn có thể xuất khẩu ra thế giới và đạt nhiều thành tựu trong việc xâm nhập chuỗi giá trị toàn cầu ngành nông sản. Hiện nay Trung Quốc đứng thứ 8 trên thế giới về xuất khẩu nông sản và đứng đầu Châu Á, cung cấp 15% tất cả các nông sản nhập vào Nhật – một trong những thị trường khó tính nhất khu vực và trên thế giới (Đào Huyền, 2013).
Thái Lan là một quốc gia thuộc khối ASEAN, có diện tích canh tác 19.620.000 ha gấp 2,62 lần nước ta. Với nền nông nghiệp tương đồng với Việt Nam, thậm chí có những điều kiện còn hạn chế hơn nhưng Thái Lan đã vươn lên trở thành nước đứng đầu về xuất khẩu nông sản với giá trị cao hơn hẳn so với Việt Nam. Chính phủ Thái Lan xác định hướng chiến lược là xây dựng nền nông nghiệp với chất lượng cao, có sức cạnh tranh mạnh. Do đó, Thái Lan tập trung mũi nhọn phát triển mạnh hàng chế biến nông sản và công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Hiện Thái Lan có tới ¼ số xí nghiệp gia công sản phẩm được xây dựng ngay tại nông thôn, nhờ đó đã tạo dựng sự vững mạnh và ổn