Trình độ sáng tạo

Một phần của tài liệu Bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền theo pháp luật của một số quốc gia – bài học cho việt nam (Trang 29 - 31)

Thuật ngữ “trình độ sáng tạo” được Hiệp định TRIPS giải thích là mỗi quốc gia thành viên coi là đồng nghĩa với các thuật ngữ “không hiển nhiên” và “hữu ích”. Mỗi quốc gia có thể quy định theo cách riêng của mình, miễn là quy định này không mâu thuẫn với quy định quốc tế.

Công ước sáng chế châu Âu năm 1973 không quy định việc cấp patent cho giống thực vật, nhưng công ước này vẫn quy định việc có thể cấp patent cho các quá trình vi sinh vật hoặc các sản phẩm của chúng. Điều A4(2) tại Chỉ thị công nghệ sinh học của Cộng đồng châu Âu năm 1998 quy định có thể cấp patent cho giải pháp kỹ thuật, nếu giải pháp này của sáng chế không giới hạn trong một giống thực vật cụ thể. Như vậy, pháp luật châu Âu quy định có thể cấp patent cho sáng chế được tổ hợp từ nhiều hoạt chất, mà mỗi hoạt chất này được chiết xuất từ một giống thực vật cụ thể. Quy định này không trái với lý thuyết về sáng chế (không cấp patent cho phát hiện, vì nó không có tính mới), nhưng tổ hợp của những phát hiện nếu mang tính chất khác biệt so với tính chất của từng phát hiện thì lại được coi là đạt trình độ sáng tạo và có thể được cấp patent.

Tại Hoa Kỳ, phán quyết của Tòa án trong vụ việc cấp patent cho Dennis (1932) về hoạt chất được chiết xuất từ rễ của một loài cây được tìm thấy ở Nam Mỹ đã đặt ra nguyên tắc: không thể cấp patent cho một phát hiện. Trong trường hợp chỉ phát hiện ra cây thuốc tồn tại sẵn trong tự nhiên mà không phát triển nó thì không được xem là thỏa mãn điều

kiện trình độ sáng tạo.54 Năm 1970 Hoa Kỳ ban hành Đạo luật bảo hộ giống cây trồng cho phép cấp patent cho thực vật khi nó đủ điều kiện bảo hộ. Mỗi hoạt chất được chiết xuất độc lập từ một loại thảo dược thì được coi là phát hiện, nhưng thuốc có tổ hợp của nhiều hoạt chất có tác dụng dược lý khác với tác dụng dược lý ban đầu của từng hoạt chất thì có thể được coi là đạt trình độ sáng tạo và có thể được cấp patent.

Điều 25 Luật Sáng chế của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định phương pháp chẩn đoán, chữa bệnh không được bảo hộ sáng chế. Cách sử dụng mới, kết hợp mới giữa những chất đã biết có thể được cấp patent miễn là không có phương pháp tương tự nào được công bố trước khi nộp đơn. Patent cũng có thể được cấp cho thuốc cổ truyền nếu thành phần hoặc tỷ lệ đã được thay đổi để hỗn hợp mới có các đặc tính mới, chẳng hạn như tăng hiệu quả hoặc giảm tác dụng phụ. Bài thuốc cũng có thể được điều chế từ một chất chưa được biết đến trước đây; trong trường hợp này, phải nộp bằng chứng liên quan đến hiệu quả y tế để được xem xét cấp patent.

Đạo luật năm 1970 về Sáng chế của Ấn Độ quy định patent được cấp trên nguyên tắc đăng ký trước, không cấp patent cho các sản phẩm nông nghiệp và giống thực vật, không cấp patent cho tri thức truyền thống, nếu nó đã được đăng trên thư viện số về tri thức truyền thống. Đạo luật về Đa dạng sinh học năm 2002 quy định không cấp patent cho sáng chế liên quan đến nguồn gen và vật liệu di truyền, nếu chúng chỉ được phát hiện mà không được phát triển đến một trình độ sáng tạo nhất định.

Theo pháp luật SHTT Việt Nam, Khoản 1 Điều 61 quy định: “Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.”

54 Case law: Dennis v Pitner 106 F 2d 142 (7th Cir 1939) 308 US 606/1939 150,

Việc đánh giá trình độ sáng tạo dựa trên ba khía cạnh: vấn đề cần giải quyết; giải pháp cho vấn đề đó; các ưu điểm (nếu có) của sáng chế so với tình trạng kỹ thuật đã biết trước.55 Giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ dưới dạng giải pháp hữu ích không cần đáp ứng điều kiện “trình độ sáng tạo” với nội hàm là “bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng”, mà chỉ cần “không phải là hiểu biết thông thường”. Trên thực tế, các patent được cấp cho thuốc cổ truyền thể hiện rõ trình độ sáng tạo qua tác dụng dược lý của bài thuốc (tăng hiệu quả tích cực hoặc giảm tác dụng phụ), hoặc quy trình sản xuất, bảo quản có hiệu quả vượt trội so với thuốc cổ truyền đã biết.

Một phần của tài liệu Bảo hộ sáng chế đối với thuốc cổ truyền theo pháp luật của một số quốc gia – bài học cho việt nam (Trang 29 - 31)