Giao kết hợp đồng bằng văn bản là việc các bên ghi nhận sự thỏa thuận, ý chí chung thể hiện dưới hình thức bằng văn bản (tức giấy trắng mực đen). Hợp đồng được giao kết bằng văn bản có giá trị cho việc chứng cứ, chứng minh một cách dễ dàng vì nó được thể hiện dưới hình thức bằng giấy trắng mực đen. Do đó, các bên thường lựa chọn hình thức xác lập quan hệ hợp đồng bằng văn bản.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 400 BLDS năm 2015 “thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hoặc bằng hình thức
23
chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.” So với BLDS 2005 thì quy định này được truyền tải khá trọn vẹn. Tuy nhiên có sự khác biệt cơ bản thể hiện ở BLDS năm 2015 có bổ sung thêm hình thức chấp nhận là hình thức khác được thể hiện trên văn bản như điểm chỉ, đóng dấu … Điều này thể hiện sự tiến bộ của BLDS năm 2015 phù hợp với thực tiễn.
Đối với việc giao kết hợp đồng bằng văn bản, một khi các bên đã thống nhất được thỏa thuận, thì các chủ thể phải lần lượt thể hiện ý chí vào văn bản. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký hoặc thể hiện dưới hình thức khác vào văn bản. BLDS năm 2015 không quy định việc các bên bắt buộc phải cùng nhau ký trên một văn bản. Vì vậy, có thể suy luận rằng các bên trong quan hệ hợp đồng các bên có thể ký vào những văn bản khác nhau khi chúng cùng thể hiện một nội dung.
Hợp đồng được giao kết bằng văn bản có thể chia thành hai phương thức (1) Giao kết trực tiếp đối với trường hợp các bên gặp mặt nhau, trao đổi trực tiếp về nội dung và xác lập quan hệ hợp đồng thì thời điểm hợp đồng giao kết được xác định khá dễ dàng và hai bên có thể biết được hợp đồng được giao kết khi nào. Thời điểm giao kết hợp đồng trong trường hợp này là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản. (2) Tuy nhiên đối với trường hợp giao kết gián tiếp, các bên trong hợp đồng thỏa thuận, đàm phán, thương lương một trong các bên cho nhau một khoảng thời gian để suy nghĩ về việc có hay không giao kết hợp đồng và việc này được thực hiện thông qua đường bưu điện, thư tín hay bằng cách thức khác. Ví dụ ngày 01 tháng 01 A gửi đề nghị giao kết hợp đồng bằng văn bản chào bán cho B 09 máy tính hiệu LC và trong thư đề nghị có nêu rõ thời hạn trả lời chấp nhận là 10 ngày kể từ ngày B nhận được. Ngày 05 tháng 01 B gửi trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng trong đó B đã ký vào hợp đồng mua bán và gửi qua đường bưu điện. Ngày 07 tháng 01 A nhận được chấp nhận của B và ngày 08 tháng 01 A ký hợp đồng mua bán. Đối với trường hợp giao kết hợp đồng bằng văn bản giữa những người vắng mặt với nhau thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo nguyên tắc chung tại khoản 1 Điều 400 BLDS năm 2015 là kể từ thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết hợp đồng tức ngày 07 tháng 1 hay kể từ khi bên sau cùng ký vào văn bản ngày 08 tháng 1? Việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản giữa những người vắng mặt trên thực tế áp dụng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bất cập vì không phải lúc nào các bên cũng sử dụng thống nhất một hình thức trong giao kết hợp đồng. Chính vì việc sử dụng
24
nhiều hình thức khác nhau trong quá trình giao kết hợp đồng dẫn tới tòa án và cơ quan giải quyết tranh chấp lúng túng, xét xử theo nhiều hướng khác nhau bởi vì quy định của BLDS năm 2015 còn bỏ ngỏ, chưa dự liệu.
Trên thế giới, trong trường hợp giao kết vắng mặt pháp luật các nước có sự xác định thời điểm giao kết hợp đồng là khác nhau. Có bốn (04) học thuyết bao gồm thuyết tuyên bố ý chí, thuyết tống phát, thuyết tiếp nhận và cuối cùng là thuyết thông đạt.40 Theo đó, (1) Học thuyết tuyên bố ý chí cho rằng, ngay khi bên được đề nghị được tuyên bố ý chí tự nguyện về việc chấp nhận giao kết hợp đồng thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm phát sinh ý chí chấp nhận. (2) Thuyết tống phát hợp đồng được coi là đã giao kết tại thời điểm và địa điểm chấp nhận giao kết hợp đồng được gửi đi. (3) Thuyết tiếp nhận, hợp đồng được giao kết tại thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận. (4) Thuyết thông đạt cho rằng thời điểm giao kết hợp đồng với bên vắng mặt là thời điểm bên đề nghị biết được nội dung trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.41 Đồng thời, xu hướng chủ yếu xác định thời điểm giao kết hợp đồng dựa vào hai yếu tố: phương thức giao kết và hình thức trả lời chấp nhận đề nghị giao kết. Theo đó, trong bộ pháp điển của các nước Civil law, cũng như các nước theo hệ thống pháp luật Common law đều thừa nhận thời điểm giao kết hợp đồng với người vắng mặt thì tùy theo truyền thống pháp lý thuộc một trong bốn học thuyết trên mà công nhận hợp đồng được giao kết khi thư trả lời được gửi đi hoặc khi bên đề nghị nhận được thư trả lời chấp nhận.42 Các điều ước quốc tế như CISG, PICC và pháp luật các nước như Đức, Áo, Hy Lạp, Hà Lan, Bồ Đào Nha… đều theo hướng khi bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận mà không phân biệt thời điểm giao kết hợp đồng dựa vào hình thức hợp đồng như pháp luật Việt Nam. Ví dụ như theo BLDS Nhật Bản thì pháp luật nước này không phân biệt thời điểm giao kết hợp đồng dựa vào hình thức của hợp đồng mà việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng phụ thuộc vào phía bên được đề nghị gửi trả lời chấp nhận cụ thể tại khoản 1 Điều 526 BLDS Nhật Bản quy định “hợp đồng giao kết với người ở xa được là đã giao kết khi thư trả lời chấp nhận đối với đề nghị giao kết hợp đồng đã được gửi đi.”
40 Vũ Văn Mẫu (1963), Việt Nam Dân luật - lược khảo, Quyển II “Nghĩa vụ và khế ước”, Phần thứ nhất: Nguồn
gốc của nghĩa vụ Nxb. Bộ Quốc gia giáo dục, Tp. HCM, tr.99-100.
41 Ngô Huy Cương (2010), “Hiệu lực của chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng nhìn từ góc độ luật so sánh”,
Tạp chí nghiên cứu lập pháp, Số 24/2010, tr.31.
42 Lê Minh Hùng (2013), “Nghiên cứu tổng quát về những bất cập và định hướng hoàn thiện các quy định chung về hợp đồng trong BLDS 2005”, Trích hội thảo quốc tế sửa đổi bổ sung BLDS Việt Nam năm 2005 và kinh nghiệm nước ngoài, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04/10/2013, tr.156.
25
Tóm lại, đối với việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản về cơ bản đã được BLDS năm 2015 dự liệu là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hoặc bằng cách thức khác như điểm chỉ, đóng dấu … Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này trên thực tế áp dụng còn gặp nhiều mâu thuẫn và vướng mắc. Những bất cập về quy định sẽ được phân tích cụ thể tại chương 2 của đề tài này.