Giải pháp chung

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã từ thực tiễn huyện cam lộ, tỉnh quảng trị (Trang 84 - 91)

3.2.1.1. Đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã

Hiện nay, phương thức ĐTBD cán bộ, công chức nói chung và cấp xã nói riêng chủ yếu vẫn là ĐTBD theo chức nghiệp, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngạch, bậc của cán bộ, công chức, chưa chú trọng trang bị kiến thức và kỹ năng để cán bộ, công chức thực hiện tốt hơn công việc và nhiệm vụ được giao. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các loại hình dịch vụ cần được cá nhân hóa, tùy biến hóa để thích ứng với từng đối tượng, trong khi ĐTBD cán bộ, công chức cấp xã vẫn tồn tại tư duy ĐTBD đại trà cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Việc phân tầng, phân loại kiến thức, kỹ năng cho từng nhóm đối tượng chưa được chú ý đúng mức và sự dàn trải về nội dung làm giảm hiệu quả, chất lượng ĐTBD. Việc đánh giá tác động của ĐTBD đối với cán bộ, công chức cấp xã ít được chú ý, dẫn đến thiếu cơ sở thực tiễn để đổi mới chương trình, nội dung ĐTBD. Bởi vậy, nảy sinh “vòng luẩn quẩn” là, ĐTBD chưa hiệu quả dẫn đến năng lực làm việc của cán bộ, công chức không được cải thiện, sức ép về ĐTBD lại càng tăng lên, nhưng ĐTBD lại tiếp tục không đáp ứng được yêu cầu, khiến cho việc nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức càng gặp trở ngại, khó khăn..

75

Ngoài ra, phương pháp chủ yếu áp dụng cho các khóa ĐTBD đối với cán bộ, công chức nói chung và cấp xã nói riêng hiện nay, mặc dù bước đầu đã có đổi mới, song chủ yếu vẫn là phương pháp thuyết trình. Để đổi mới phương pháp ĐTBD đối với cán bộ, công chức cấp xã, cần tập trung vào các giải pháp sau:

Sử dụng những phương pháp ĐTBD tích cực, tiên tiến đối với từng đối tượng theo hướng: không giảng dạy theo kiểu “hàn lâm” mà gắn chặt với thực tiễn, vận dụng lý thuyết để giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra; phương pháp xử lý các tình huống điển hình, tạo điều kiện để người học chủ động liên hệ, tư duy năng động, sáng tạo vận dụng vào thực tiễn; tăng cường thời lượng dành cho tham quan, trao đổi kinh nghiệm thực tế... Theo đó, chuyển từ “dạy” sang hướng dẫn; từ nghe và tiếp thu một cách thụ động sang tự học; chủ yếu là hướng dẫn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm công tác, cùng nhau bàn bạc, thảo luận để tìm ra biện pháp giải quyết tối ưu một vấn đề nào đó đang được đặt ra. Điều này đòi hỏi “thầy” và “trò” phải được trang bị phương pháp giảng dạy và học tập tích cực, có khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ, phương tiện giảng dạy - học tập hiện đại. Phần lớn cán bộ, công chức cấp xã tham gia những chương trình ĐTBD là những người đã đạt chuẩn ở một số trình độ nhất định, trải qua thực tiễn, có nhiều kinh nghiệm công tác, có khả năng tự học, tự nghiên cứu, phân tích, đánh giá vấn đề. Do đó, với đối tượng này, các giảng viên chỉ nên định hướng nội dung học tập, nghiên cứu, nêu vấn đề, tình huống và hướng dẫn, gợi mở, đối thoại để rèn luyện phương pháp, kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống. Sau mỗi bài học, cụm chuyên đề, giảng viên nên tổ chức cho học viên đi nghiên cứu, khảo sát thực tế, thực tập với thời gian thích hợp.

Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp ĐTBD lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ theo phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung

76

tâm. Có thể coi đây là nội dung cơ bản trong việc áp dụng phương pháp dạy - học sáng tạo. Để thực hiện nội dung này, trong quá trình giảng dạy cần chú ý:

- Giảng viên không để cho người học bị động tiếp thu, mà cần khuyến khích người học chủ động, tự giác, tích cực tư duy, tích cực phát biểu ý kiến trao đổi bài. Giảng viên đóng vai trò là người dẫn dắt, định hướng tư duy cho học viên.

- Không gò cách suy nghĩ của học viên theo một chiều tư duy duy nhất đã định trước của giảng viên. Những vấn đề đặt ra cần gợi mở hướng nghiên cứu và đưa ra cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc giải quyết vấn đề đó.

- Giảng viên nên hướng dẫn, gợi mở, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện để học viên tự nhận thức được những nội dung đang học, có vận dụng liên hệ với những nội dung đã học để tự kiểm tra, tự đánh giá quá trình học tập của mình, để đổi mới phương pháp học, tự giải quyết các vấn đề, kể cả trong lý luận và thực tiễn một cách độc lập và chủ động.

Tuy nhiên, phương pháp dạy và học sáng tạo không có một khuôn mẫu, một barem chuẩn mực chung cho tất cả các giảng viên, học viên. Do tính đặc thù riêng của từng lớp, từng phần học mà người giảng viên phải thiết kế bài giảng riêng theo tính đặc thù đó. Điều đó có nghĩa trong dạy và học sáng tạo, người giảng viên ngoài việc làm chủ kiến thức còn phải tìm hiểu thật kỹ đối tượng mà mình giảng dạy. Mặt khác, do đặc thù trong giảng dạy các lớp lý luận chính trị - hành chính đòi hỏi người giảng viên cần thường xuyên cập nhật tình hình thực tế ở địa phương, trong nước và quốc tế cho phù hợp nội dung của mỗi bài giảng. Do đó, mỗi giảng viên phải tự tìm tòi, rèn luyện, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để không ngừng đổi mới, hoàn thiện phương pháp giảng dạy cho mình. Phương pháp giảng dạy sáng tạo sẽ không ngừng bổ sung, hoàn thiện, tích lũy được nhiều kiến thức, tạo thành “vốn dạy học” theo năm tháng trong sự nghiệp của mỗi giảng viên.

77

3.2.1.2. Xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã dựa trên khung năng lực

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung và cấp xã nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ vì thông qua công tác ĐTBD, chất lượng hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã được nâng cao. Hiện nay, ĐTBD theo năng lực là xu hướng mới trong ĐTBD, đặt trọng tâm vào năng lực của cán bộ, công chức, nhấn mạnh đến những năng lực cần thiết mà cán bộ công chức phải có nhằm đáp ứng yêu cầu cụ thể của công việc.

Khác với ĐTBD cán bộ công chức cấp xã truyền thống, ĐTBD theo năng lực nhấn mạnh đến những năng lực cần thiết đáp ứng yêu cầu cụ thể của công việc; quan tâm đến chất lượng công việc đạt được thông qua năng lực người thực hiện.Ví dụ, cùng một vị trí việc làm nhưng công chức, cán bộ cấp xã có thâm niên công tác 1 năm sẽ có năng lực khác với công chức, cán nộ có thâm niên công tác 5 năm, vì vậy, nhu cầu ĐTBD cũng sẽ khác nhau.. Từ đó, ĐTBD theo năng lực đo lường hiệu suất của từng cá nhân theo các tiêu chuẩn cụ thể thay vì thành tích cá nhân của họ so với các thành viên khác trong cùng khoá học. Kết quả ĐTBD được đánh giá không chỉ là những kiến thức, kỹ năng thu thập được tại khóa học mà được đánh giá bằng kết quả thực hiện công việc của người học tại nơi làm việc, thông qua mức độ ứng dụng các kiến thức và kỹ năng đã được học trên thực tế.

Cơ sở quan trọng nhất của ĐTBD theo năng lực là phải xác định được năng lực cần được ĐTBD thông qua việc so sánh giữa tiêu chuẩn năng lực cần đáp ứng với năng lực hiện tại cũng như với nhu cầu đào tạo, chiều hướng phát triển. Trên cơ sở đó, các kế hoạch ĐTBD được thiết kế nhằm trang bị những năng lực khuyết thiếu hoặc nâng cao năng lực còn yếu so với yêu cầu vị trí hiện tại hoặc so với quy hoạch phát triển nhân sự trong tương lai.

78

Thực tế hiện nay khi thiết kế nội dung khóa ĐTBD cho cán bộ công chức nói chung và cấp xã nói riêng, đa số các cơ quan, đơn vị chưa xác định nhu cầu ĐTBD dựa vào khung năng lực. Do đó, các lớp ĐTBD thường tập hợp nhiều đối tượng học viên có có trình độ, năng lực khác nhau. Điều này dẫn đến hiệu quả ĐTBD chưa cao, chưa thực sự sát với nhu cầu của từng cá nhân cũng như mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, đơn vị. Thí dụ, cùng là chuyên viên kế hoạch nhưng không phải công chức xã nào cũng thiếu hoặc yếu kỹ năng lập kế hoạch. Nếu như tất cả công chức xã làm công tác kế hoạch của huyện đều cùng được đưa vào một lớp “bồi dưỡng kỹ năng xây dựng kế hoạch công tác” thì sẽ gây lãng phí cho tổ chức và không phù hợp với nhu cầu bồi dưỡng của mỗi cá nhân công chức.

Vì vậy, cần phải đổi mới các chương trình, nội dung ĐTBD cán bộ, công chức cấp xã theo hướng gắn với năng lực nhằm nâng cao năng lực của cán bộ, công chức. Khác với nhiều chương trình, nội dung học chỉ mang tính “phổ biến kiến thức”, chương trình, nội dung ĐTBD gắn với năng lực được xây dựng căn cứ vào nhu cầu ĐTBD của cán bộ, công chức cấp xã– tức là nhu cầu được bổ sung và hoàn thiện về kiến thức và kỹ năng cũng như hành vi cần thiết để họ thực hiện tốt công việc được giao.

Đổi mới chương trình, nội dung ĐTBD cần phải được thực hiện theo hướng tăng cường các khoá học gắn với vị trí việc làm. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ các chương trình, nội dung ĐTBD hiện có nhằm cập nhật, bổ sung hoặc biên soạn lại cho phù hợp với yêu cầu công việc của từng vị trí, chức danh cán bộ, công chức cấp xã đặc biệt trong bối cảnh cải cách hành chính, trong xu thế toàn cầu hoá và với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Muốn vậy, một mặt cần tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý cán bộ, công chức cấp xã, các cơ sở ĐTBD, các cơ quan, đơn vị sử dụng

79

cán bộ, công chức cấp xã tại huyện Cam Lộ nhằm khảo sát nhu cầu ĐTBD; mặt khác, cần trao quyền nhiều hơn cho các cơ sở ĐTBD trong việc quyết định các nội dung ĐTBD gắn với nhu cầu năng lực của cán bộ, công chức cấp xã. Điều này cũng có nghĩa các chương trình, nội dung ĐTBD sẽ phong phú, đa dạng và mang tính linh hoạt hơn chứ không chỉ được quy định bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, các chương trình ĐTBD được thiết kế sẵn từ các cơ sở ĐTBD và được phê duyệt bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ giảm đi, các khoá học được thiết kế theo kiểu “may đo” cho từng nhóm đối tượng người học sẽ tăng lên.

3.2.1.3. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên để đảm bảo yêu cầu chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng

Trong hoạt động ĐTBD cán bộ công chức nói chung và cấp xã nói riêng, vai trò giảng viên ĐTBD rất quan trọng. Họ là người truyền tải những nội dung thông tin có định hướng, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức và kỹ năng trong bài giảng đến với người học; định hướng suy nghĩ, cổ vũ, động viên, thôi thúc học viên vận dụng những kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn của bản thân và cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Vì vậy, nếu giảng viên có kiến thức vững vàng, tư liệu thông tin phong phú, cách trình bày hấp dẫn, chắc chắn bài giảng sẽ sinh động, gây được hứng thú với người học.

Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là một trong những giải pháp tạo tiền đề nhằm nâng cao chất lượng ĐTBD cán bộ, công chức cấp xã. Cần quan tâm xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng lẫn chất lượng, hướng đến đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Đồng thời, lãnh đạo huyện Cam Lộ cũng như các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cần quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đối với đội ngũ giảng viên kiêm chức có kiến thức, có kinh nghiệm thực tiễn và khả năng giảng dạy. Thực tiễn luôn sống

80

động, thay đổi không ngừng và là nơi kiểm nghiệm lý luận, là cơ sở để phát triển và xây dựng lý luận mới. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, đòi hỏi người giảng viên phải thường xuyên cập nhật thông tin, tránh bị “tụt hậu” về thông tin. Những thông tin cần cập nhật trong thực tế ngoài việc phục vụ cho phương pháp dạy học sáng tạo, còn là những kiến thức khoa học, lý luận mới và những thông tin thực tế liên quan đến bài học. Đây là yếu tố cần thiết không chỉ giúp nội dung giảng chính xác, phù hợp hơn, khoa học hơn mà còn để làm sinh động bài giảng, nâng cao hiệu quả của việc giảng dạy và học tập. Ngoài ra, cần nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động quản lý ĐTBD cán bộ, công chức cấp xã theo hướng phát huy vai trò tự quản của học viên; nâng cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, giảng viên các cơ sở ĐTBD phải có trình độ chuyên môn phù hợp, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm hoạt động thực tiễn quản lý và có năng lực sư phạm. Có kế hoạch thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực, trình độ và phương pháp sư phạm cho giảng viên các cơ sở ĐTBD. Nâng cao trách nhiệm của giảng viên với vai trò không chỉ là người thực hiện chương trình mà còn là người “biên tập lại”, “sáng tạo” chương trình ĐTBD.

Cơ sở ĐTBD trong và ngoài tỉnh Quảng Trị cần phải xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng; bảo đảm sau năm 2020, giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm từ 50% trở lên thời lượng của các chương trình ĐTBD mà cơ sở thực hiện. Tinh giảm dần đội ngũ giảng viên cơ hữu hiện có, tập trung xây dựng mạng lưới giảng viên thỉnh giảng gồm các chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm, giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ và uy tín của các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý... trong và ngoài nước.

Tăng cường tự bồi dưỡng và bồi dưỡng kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn cho giảng viên cơ hữu ở các cơ sở ĐTBD, tạo điều kiện cho giảng

81

viên đi thực tế dài ngày tại các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương. Khuyến khích giảng viên tự học tập nâng cao trình độ và năng lực giảng dạy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ hội nhập.

Tóm lại, đội ngũ giảng viên thực hiện công tác ĐTBD cán bộ công chức cấp xã cần chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò của mình trong sự nghiệp ĐTBD cán bộ, công chức cho đất nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng, cũng như trách nhiệm kế thừa, phát huy sự nghiệp vẻ vang của thế hệ đi trước, giảng viên ĐTBD cần có điều kiện được rèn luyện trong môi trường thực tiễn học tập, giảng dạy, rèn luyện mọi mặt về sức khỏe, trí tuệ, tư tưởng, bản lĩnh chính trị, tư duy tích cực và truyền tải được những kiến thức, kỹ năng và thái độ tương ứng cho người học nhằm góp phần thực hành đúng nền công vụ kiến tạo và liêm chính.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã từ thực tiễn huyện cam lộ, tỉnh quảng trị (Trang 84 - 91)