Tỷ lệ vốn chủ sở hữu (CAP) được đo lường bằng tỷ số giữa vốn chủ sở hữu và tổng tài sản. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu rất cần thiết vì chúng cho thấy vốn chủ sở hữu của một ngân hàng ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận tạo ra. Nó đo lường khả năng của các ngân hàng trong việc chịu những tổn thất phát sinh trong tương lai. Nó phải là một biến số quan trọng để xác định khả năng sinh lời của ngân hàng vì tỷ lệ này không chỉ thể hiện yêu cầu về vốn mà còn có thể đại diện cho rủi ro và chi phí quản lý Flamini và cộng sự (2009). Lee và Hsieh (2013) cho rằng tỷ lệ vốn chủ sở hữu và khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại có mối quan hệ cùng chiều. Dựa trên các lập luận trên, giả thuyết sau đây được đưa ra:
H1: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu có thể tác động tích cực đến khả năng sinh lời của ngân hàng.
3.2.2 Mối quan hệ giữa quy mô ngân hàng với khả năng sinh lời của ngân hàng
Quy mô ngân hàng (SIZE) được tính bằng Logarit (Tổng tài sản). Quy mô của các ngân hàng thương mại sẽ ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh cũng như tiềm năng phát triển và tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng. Các nghiên cứu của Molyneux và Thorton (1992); Boyd và Runkle (1993); Bikker và Hu (2002) cho rằng việc tăng quy mô của các tổ chức tín dụng giúp tăng khả năng sinh lời của các ngân hàng. Tương tự các nghiên cứu trước Pasiouras và Kosmidou (2007) đã điều tra các ngân hàng châu Âu, cũng khám phá ra được quy mô ảnh hưởng tích cực đến khả năng sinh lời của ngân hàng. Lý do là các ngân hàng quy mô lớn có xu hướng có được mức độ phân loại sản phẩm và khoản vay cao hơn so với các ngân hàng nhỏ, điều này cho phép họ đạt được lợi ích từ lợi thế kinh tế theo quy mô. Dựa trên các lập luận trên, giả thuyết sau đây được đưa ra:
H2: Quy mô của ngân hàng có tác động tích cực đến khả năng sinh lời của các ngân hàng.
17
3.2.3 Mối quan hệ giữa tỷ lệ cho vay với khả năng sinh lời của ngân hàng
Tỷ lệ cho vay (NLTA) được tính bằng Cho vay ròng/Tổng tài sản. Cho vay ròng là tổng các khoản cho vay trừ đi dự phòng rủi ro cho vay có thể xảy ra. Cho vay ròng được tạo ra để cung cấp thu nhập cho ngân hàng và đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng. Tỷ lệ cho vay thể hiện tác động tích cực đến lợi nhuận của ngân hàng (Iannotta và cộng sự, 2007; Wasiuzzaman và Tarmizi, 2010; Goddard và cộng sự, 2013; Ayaydin và Karakaya, 2014; Menicucci và Paolucci, 2015; Jabra và cộng sự, 2017) cũng tìm thấy các hệ số của tỷ lệ cho vay ròng trên tổng tài sản có ý nghĩa tích cực đáng kể về lợi nhuận (NIM, ROA và ROE) vì cho đến nay cho vay là nguồn thu nhập chính của ngân hàng ở Việt Nam.
H3: Tỷ lệ cho vay của ngân hàng có tác động tích cực đến khả năng sinh lời của các ngân hàng.