CÁC TỈNH VÙNG DỰ ÁN
(1) Tại Hà Giang
Ưu điểm
- Cây con được sản xuất trong khay bầu sinh trưởng khỏe, đồng đều, sạch sâu bệnh, tỷ lệ xuất vườn cao, khi trồng ra ruộng phát triển nhanh không bị chột cây như cây gieo trực tiếp trên luống đất. Trồng cây gieo trên khay bầu cho thu hoạch sớm hơn 7 - 10 ngày.
- Sử dụng các giống mới như rau ăn lá, rau ăn quả, cây sinh trưởng khỏe, cho năng suất cao, chất lượng tốt và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
- Việc sử dụng phân bón cân đối đã làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, đáp ứng đúng và đủ nhu cầu dinh dưỡng của cây ở từng thời kỳ sinh trưởng.
- Về tưới tiêu: Áp dụng hệ thống tưới phun mưa và hệ thống tưới nhỏ giọt phù hợp với từng đối tượng cây rau. Rau ăn lá áp dụng hệ thống tưới phun, rau ăn quả áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. 100% diện tích mô hình đảm bảo lượng nước qua các giai đoạn sinh trưởng phát triển đúng theo quy trình kỹ thuật.
- Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM nên đã kiểm soát tốt các đối tượng dịch hại. Do đó, giảm được số lần phun thuốc so với đại trà.
- Áp dụng biện pháp canh tác mới đã nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng, phù hợp với thích ứng BĐKH, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế được thuốc BVTV trên đồng ruộng, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Hạn chế
- Ruộng không đồng đều, không bằng phẳng mà chủ yếu là ruộng bậc thang nên quy mô nhỏ, khó đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa mà chủ yếu là hệ thống tưới cầm tay.
- Tuy hệ thống tưới được hỗ trợ bơm từ suối lên nhưng người dân vẫn phải mất một khoản chi phí lớn về điện bơm nước từ suối về ruộng.
- Công tác duy tu bảo dưỡng khó khăn.
- Trình độ của người dân thấp, người tham gia tập huấn và sản xuất chủ yếu không còn trẻ (trên 40 tuổi) nên khả năng tiếp thu kiến thức và thực hiện theo quy trình kỹ thuật khó khăn.
- Về công tác tập huấn: Mới chỉ tập huấn về lý thuyết, trên lớp chưa gắn với thực hành thực tế ngoài đồng ruộng theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Do đó bà con khó khăn trong chăm sóc, phòng trừ dịch hại.
- Sản phẩm chưa có chứng nhận.
- Đầu ra chưa có nên khó duy trì và nhân rộng mô hình của dự án.
Kiến nghị
- Công tác tập huấn cho bà con cần triển khai nhiều hơn, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trên đồng tại các giai đoạn sinh trưởng của cây và theo hình thức cầm tay chỉ việc.
- Quy hoạch cây trồng theo từng khu ruộng để thuận lợi cho việc đầu tư hệ thống tưới phù hợp. - Hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, hệ thống tưới cần đồng bộ. - Hỗ trợ cấp chứng nhận sản phẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm. (2) Tại Phú Thọ Ưu điểm - Quy trình rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng.
- Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng đúng và kịp thời đã có tác động trực tiếp đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng của cây rau.
- Tại Phú Thọ đã áp dụng phương pháp tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt phù hợp đối với các đối tượng cây rau nên cho hiệu quả cao
Hạn chế
- Với quy mô đồng ruộng nhỏ, manh mún khó thực hiện việc sử dụng cơ giới trong các khâu làm đất, lên luống.
- Nhiều chủng loại rau được trồng xen kẽ, cùng thời gian nên có những cây đang cho thu hoạch có cây còn đang chăm sóc bón phân, phun thuốc BVTV nên khó đảm bảo độ an toàn cho sản phẩm.
Kiến nghị
- Nên dồn điền đổi thửa thành vùng chuyên canh cây trồng. - Bố trí trồng các cây cùng loại theo khu riêng.
- Hệ thống tưới nên đầu tư theo từng tổ/nhóm thay cho từng hộ.