I. Những tồn tại của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang EU
3. Gian lận trong xuất xứ hàng hóa
Trong quá trình thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đây là một trong những điều kiện giúp tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn nguy cơ gian lận rất lớn nếu không được kiểm soát.
Áp dụng tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là cơ chế “mở” thực tế có rất nhiều ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích. Việc tham gia tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa giúp doanh nghiệp xuất khẩu giảm thiểu thời gian xin cấp C/O truyền thống, chủ động trong việc phát hành hóa đơn thương mại có nội dung khai báo xuất xứ, tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa.
Từ ngày 01 tháng 8 năm 2020, khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ được kích hoạt mạnh mẽ hơn. EVFTA áp dụng cơ chế tự chứng nhận
xuất xứ hàng hóa đối với doanh nghiệp xuất khẩu được cấp mã số REX (doanh nghiệp có mã số REX sẽ được tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa của mình trên chứng từ thương mại).
Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam không có kiến thức đầy đủ về quy tắc xuất xứ, lúng túng trong việc thực hiện cũng như tận dụng triệt để các quy định về quy tắc xuất xứ của các nước. Trong khi đó, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ có thể khiến phát sinh rủi ro như khả năng gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp qua Việt Nam, mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi, cũng như gian lận thương mại hàng nhập khẩu từ các nước khác vào Việt Nam cũng có thể xảy ra.
Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, các cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp để được hưởng ưu đãi thuế quan. Trong đó, nhiều vụ việc doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất; chỉ trải qua công đoạn gia công; lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định, nhưng khai xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu.
Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.