II. Khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang EU
2. Một số khuyến nghị cụ thể
2.1. Nghiên cứu thông tin thị trường
Khi có kế hoạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, đầu tiên, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu những thông tin cơ bản như quy mô thị trường, các yêu cầu, sự phát triển, các phân đoạn, các đối tượng tham gia thị trường… nhằm tìm hiểu thị trường, đánh giá nhu cầu đối với sản phẩm của mình, xác định lợi thế cạnh tranh, nắm vững những ưu đãi mà Việt Nam được hưởng tại thị trường EU.
Một số nguồn cung cấp thông tin:
• Các doanh nghiệp có thể tìm hiểu về thị trường EU trên trang web của Ủy ban châu Âu: https://ec.europa.eu/growth/single-market. Trên website này các doanh nghiệp có thể tìm hiểu rất nhiều thông tin về EU, quy định về hàng rào kỹ thuật với thương mại, các tiêu chuẩn của EU, tin tức, sự kiện nổi bật liên quan đến EU…
• CBI (https://www.cbi.eu): (Centre for the Promotion of Imports from developing countries – Trung tâm xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển), là một cơ quan của Bộ Ngoại giao Hà Lan. Đây là một địa chỉ tốt để bắt đầu việc nghiên cứu thị trường xuất khẩu. Có rất nhiều các báo cáo nghiên cứu thị trường EU về mặt hàng cụ thể trên CBI. Mỗi loại báo cáo nghiên cứu đều tổng hợp nhiều thông tin hữu ích, các cơ hội trên thị trường và các hướng dẫn marketing xuất khẩu.
• Các tổ chức phi chính phủ: Trong số nhiều các tổ chức phi chính phủ, một số tổ chức như ITC, FAO, OECD, UNCTAD, World Bank…cung cấp các chương trình dành cho các nhà xuất khẩu ở các nước đang phát triển. Concord (https://concordeurope.org) là một trung tâm điều phối của các tổ chức phi chính phủ ở EU. Đây là địa chỉ rất tốt để tìm kiếm các tổ chức phi chính phủ ở các thị trường mục tiêu.
• Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể liên hệ với các phòng thương mại nước ngoài tại Việt Nam, các Hiệp hội ngành hàng, các trung tâm hỗ trợ xúc tiến và sát thực hơn là các Thương vụ Việt Nam tại các nước EU. Hiện Bộ Công Thương có 13 Thương vụ đặt tại Bỉ, Séc, Bungaria, Italia, Hungaria, Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Rumani, Pháp, Ba Lan, Áo. Các thương vụ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cung cấp các thông tin cụ thể về thị trường sở tại và thị trường kiêm nhiệm; giới thiệu các đối tác nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tới các đối tác châu Âu; hỗ trợ doanh nghiệp xử lý những vướng mắc, những khó khăn trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán; hỗ trợ doanh nghiệp xử lý những tranh chấp phát sinh trong hợp đồng
mua bán hàng hóa…; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, hội thảo quốc tế, giúp tìm kiếm đối tác kinh doanh…
2.2. Nghiên cứu quy định nhập khẩu của EU
Các doanh nghiệp có thể tra cứu các quy định nhập khẩu của từng nước thành viên EU theo mã HS hàng hóa sản phẩm xuất khẩu trên website: http://trade.ec.europa.eu/tradehelp/.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần lưu ý các quy định phi thuế quan của EU như hàng rào kỹ thuật với thương mại TBT, các biện pháp kiểm dịch động thực vật SPS, các quy định riêng về chất lượng và vệ sinh an toàn sản phẩm cho từng ngành như đã nêu cụ thể trong phần B. Quy định nhập khẩu của EU của cuốn sách này.
2.3. Ký kết và thực hiện hợp đồng
Thực tế cho thấy những vụ việc lừa đảo trong kinh doanh quốc tế phần lớn là do không tìm hiểu kĩ về đối tác, thường không trực tiếp gặp mặt mà chỉ giao dịch qua thư điện tử, điện thoại, fax nên không có khả năng kiểm tra được tính xác thực của địa chỉ, số điện thoại, khả năng tài chính của đối tác.
Dự báo thời gian tới đây số lượng các công ty gặp khó khăn về tài chính, phá sản sẽ gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và bất ổn tài chính, do đó khả năng xuất hiện các vụ lừa đảo, tranh chấp thương mại cũng sẽ tăng lên. Để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong làm ăn với doanh nghiệp tại EU nói riêng và nước ngoài nói chung trong điều kiện môi trường kinh doanh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm sau để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra:
• Cần kiểm tra tư cách pháp nhân và tình trạng tín dụng, khả năng giao hàng và uy tín của đối tác nước ngoài trước khi giao dịch ký kết hợp đồng, cần thận trọng và nắm vững thông tin về các đối tác trước khi đặt quan hệ làm ăn; Đồng thời thông qua các bạn hàng khác, công ty dịch vụ hay cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài để tiến hành thẩm tra thêm về đối tác;
• Hạn chế sử dụng các hình thức thanh toán nhiều rủi ro như chuyển tiền bằng điện (TTR), nhờ thu (D/A, D/P), hạn chế hoặc không ứng trước tiền hàng với giá trị lớn; nên sử dụng các hình thức thanh toán có độ an toàn cao hơn như thư tín dụng không thể hủy ngang (Irrevocable L/C at sight).
• Cảnh giác, thận trọng khi giao dịch điện tử trên mạng, khi có những dấu hiệu đối tác thay đổi Email, người hưởng lợi… cần kiểm tra kỹ lại thông tin trước khi chuyển tiền.
• Do hợp đồng mua bán luôn là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa các bên, doanh nghiệp cần quy định chặt chẽ các điều khoản bảo vệ quyền lợi của mình (đặc biệt là điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp, khiếu nại), tránh các trường hợp bất lợi cho doanh nghiệp khi phát sinh tranh chấp;
• Đối với khâu thanh toán, doanh nghiệp lưu ý tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.
EU là một thị trường lớn, đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường… Để tận dụng những ưu đãi thuế quan mà EVFTA mang lại, các doanh nghiệp cần trang bị cho mình kiến thức, thông tin để đưa ra chiến lược kinh doanh hiệu quả nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng sang EU (đối với những doanh nghiệp đã xuất khẩu sang EU), đưa được sản phẩm thâm nhập vào thị trường EU (đối với những doanh nghiệp nào chưa xuất khẩu được sang EU). Trên đây là một số nội dung các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU cần lưu ý khi có kế hoạch tiếp cận thị trường EU cũng như đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu sang EU trong thời gian tới.