I. Những tồn tại của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang EU
6. EU gia tăng các biện pháp phi thuế quan đối với hàng nhập khẩu
EU là một thị trường lớn, khó tính, đòi hỏi về chất lượng sản phẩm cao. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức với các biện pháp phi thuế quan như hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nhưchống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ.
Theo số liệu của Hội nghị Liên hiệp quốc tế về Thương mại và Phát triển, số lượng các biện pháp phi thuế quan của châu Âu áp cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam gồm SPS (325), TBT (899), PVTM (6) và các biện pháp khác (369).
Tính đến nay, EU đã điều tra 14 vụ việc PVTM, bao gồm 6 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đứng thứ 5 trong số các nước điều tra và chiếm khoảng 8% tổng số vụ việc PVTM với hàng hóa của Việt Nam. Các sản phẩm bị điều tra bao gồm giày mũ da, ống thép, ốc vít, xe đạp, sợi, thép, xe tay nâng, bật lửa ga, vòng khuyên kim loại, đèn huỳnh quang, ô xít kẽm, mỳ chính.
Khi Việt Nam là đối tượng trực tiếp của các biện pháp bảo hộ thương mại, việc bị điều tra hoặc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và các rào cản bảo hộ sẽ tác động tiêu cực đến doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung ở một số khía cạnh: (i) Giảm năng lực và lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; (ii) Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đầu tư đáng kể nguồn nhân lực, thời gian và kinh phí cho việc tham gia giải quyết toàn bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp; (iii) Khi bị khởi kiện, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải thay đổi chiến lược kinh doanh, đầu tư sản xuất… để đáp ứng với những thay đổi của thị trường xuất khẩu; (iv) Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có khả năng bị kiện ồ ạt theo hiệu ứng dây chuyền; (v) sản xuất trong nước bị mất uy tín; (vi) doanh nghiệp bị mất thị trường hoặc thị phần xuất khẩu.
Khi các nước đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là đối tượng trực tiếp của các biện pháp bảo hộ thương mại: Trong trường hợp này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở thành hàng hóa thay thế trên thị trường, tạo cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam có thể sẽ bị các quốc gia khác lợi dụng là nơi trung chuyển hàng hoá xuất sang EU để “né” thuế, lẩn tránh phòng vệ thương mại, trục lợi từ EVFTA. Nếu không kiểm soát tốt nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hay dòng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất trong nước cũng như uy tín của Việt Nam trên thị trường thế giới và phải đối diện với nguy cơ trừng phạt của EU.