Kera Shukumon (1755-1819) là xã trưởng ngôi làng Makigahana nằm dưới chân núi Kugami, ngôi làng mà Ryokan thường đến khất thực. Vị này là một Phật tử rất thành tâm và rất mê say thi phú, vì thế ông đã làm bạn với Ryokan. Kera Shukumon nhờ Ryokan chép cho ông một bản Diệu pháp Liên hoa Kinh. Theo truyền thống bảo tồn Phật pháp thời bấy giờ, Kera Sukumon đem bản kinh ấy cất vào một cái hũ và đem chôn trước nhà nơi ông ở để cầu phúc và đem đến an lành cho gia đình. Bên trên nơi chôn dấu bản kinh Liên hoa thì đặt một khối đá lớn, trên khối đá lại đặt thêm pho tượng Bồ-tát Địa Tạng. Thỉnh thoảng ông mời được Ryokan đến ngụ tại nhà một vài hôm để ông hầu tiếp.
Con của ông là Kera Yoshishige (1810-1859) lúc đó còn bé và thường nhập bọn với đám trẻ con trong làng để nô đùa và ném bóng với Ryokan. Khi người cha mất vào năm 1819 thì cậu bé Yoshishige mới 9 tuổi nhưng không bao giờ quên những ngày Ryokan đến nhà cậu, Ryokan lúc đó đã 61 tuổi. Sau này khi lớn lên cậu sưu tập tài liệu, tìm lại những kỷ niệm và di cảo còn giữ trong gia đình và hỏi thăm những người lớn tuổi để viết lại tiểu sử của Ryokan và những giai thoại trong cuộc đời của ông. Quyển sách được viết vào khoảng năm 1845 hay 1846, tựa là “Ryokan zenji kiwa” (“Những chuyện kỳ thú trong cuộc đời của thiền sư Ryokan”), quyển sách này là một trong những nguồn tài liệu quý giá về cuộc đời của thiền sư Ryokan. Trong quyển sách ấy có một đoạn như sau:
“Vị Thầy quả thật không giống với một ai cả. Tuy không có ai lại không nhìn
thấy cái tâm thức vượt bực của ông, nhưng thật ra thì tất cả mọi người lại bị thu hút mạnh hơn bởi một cái gì đó thật dịu dàng và êm ả thoát ra từ con người của ông.
Có một lần ông lưu lại trong gia đình chúng tôi vài hôm. Buổi tối khi hàn huyên, lời ông thốt ra thật tinh khiết, hình như trực tiếp thoát ra từ tim ông. Ông không giảng gì cả về Phật pháp, cũng không nói chuyện văn chương, những lời dạy bảo về đạo đức lại còn hiếm hoi hơn nữa. Tuyệt nhiên ông không nói đến những chuyện ấy. Có hôm ông vào bếp nhóm lửa, có hôm lại ngồi thiền rất lâu trong phòng khách. Luôn luôn bình thản và thư giãn, cái dịu dàng thoát ra từ con người ông lây sang cả mọi người chung quanh. Mỗi khi ông hiện ra, khung cảnh vụt trở nêm êm dịu lạ thường. Mỗi người trong gia đình đều cảm thấy trong lòng phát hiện một sự hài hoà sâu xa toả lộ ra bên ngoài, cái không khí hài hòa đó vẫn tiếp tục tỏa rộng trong không khí gia đình dù rằng ông đã ra đi từ nhiều ngày trước đó. Thật là một
điều hết sức khó để giải thích”.
---o0o---