Ngôi làng Izumosaki, nơi sinh trưởng của Ryokan, vào những năm sau này đã trở nên đông đúc và đổi thay nhiều. Người em út của Ryokan là Yushi làm xã trưởng phải từ chức vì dân làng không vừa lòng, khiến gia đình ngày càng nghèo túng, nhất là từ khi vợ ông qua đời trước đó không lâu. Tuy Ryokan sống ẩn dật trong núi rừng, nhưng cũng thương xót cho thân phận của người em và thỉnh thoảng hay viết thư thăm hỏi.
Yushi có một đứa con trai tên là Umanosuke mà ông đã đặt hết hy vọng là sau này sẽ kế nghiệp ông để bảo tồn truyền thống và phong cách gia đình. Thật vậy, gia đình Ryokan chỉ có bốn người con trai, hai người em của Ryokan về sau cũng đi tu. Một người trụ trì một ngôi chùa lớn, ông rất giỏi về văn chương và thi phú nhưng đã chết lúc vừa ba mươi tuổi. Người thứ hai cũng là một nhà sư thi sĩ nổi tiếng, đã từng được đích thân hoàng đế Nhật bản yêu cầu ông làm thơ, và vị này cũng đã mất lúc mới hai mươi bảy tuổi. Chỉ có Yushi lập gia đình và giữ chức vụ xã trưởng, nhưng không may người con trai là Umanosuke lại là một đứa trẻ vị thành niên ngỗ nghịch và hư hỏng. Họ hàng rất lo buồn và có người nảy ra ý định nhờ Ryokan khuyên nhủ và dạy dỗ cho Umanosuke. Họ dọ hỏi và tìm được Ryokan.
Khi nghe câu chuyện hư hỏng của cháu, Ryokan rất đau buồn và vì thương em nên đã quyết định rời am vài hôm để về làng xem sao. Ngày đầu tiên về nhà người em, Ryokan không nói một lời nào cả. Hôm sau, họ hàng đến thăm và xì xầm với nhau rằng: “Nhất định hôm nay Ryokan sẽ giảng cho thằng Umanosuke một bài học”, nhưng rồi ông vẫn tiếp tục giữ yên lặng và không hé môi một chút nào cả. Sang ngày thứ ba, mọi người lại hy vọng Ryokan sẽ ngỏ lời khuyên bảo đứa cháu, nhưng Ryokan lại vẫn bình thản và yên lặng.
Sáng ngày thứ tư, Ryokan chuẩn bị trở về am và trước khi đi ông chắp tay cáo biệt từng người rồi bước ra phía cửa. Ông cúi xuống cầm hai chiếc dép rơm, ngồi vào một chiếc ghế và quay lại nói với Umanosuke rằng:
“Này Umanosuke, con đừng phiền Bác nhé, con giúp Bác buộc lại đôi dép
được không? Bác đã già rồi, sáng hôm nay Bác không khom xuống được để buộc dép”.
Mọi người chờ đợi phản ứng vô lễ của Umanosuke, thì bất ngờ trước những lời nói ôn hòa và dịu dàng của Ryokan, Umanosuke đã quỳ xuống đất để buộc dép cho Ryokan. Bỗng nhiên cậu cảm thấy có gì ươn ướt trên gáy, đưa tay rờ cổ và ngẩng đầu lên, cậu chợt nhận thấy gương mặt của Ryokan chan hòa nước mắt. Ông đã khóc và một giọt nước mắt đã vô tình rơi lên gáy của Umanosuke. Cậu ta cúi xuống tiếp tục buộc dép. Ryokan đứng lên và lẳng lặng ra đi, không nói thêm một lời nào nữa.
Nhưng từ đó, gương mặt nhạt nhoà với đôi mắt tràn đầy từ bi và giọt nước mắt của Ryokan đã hoàn toàn biến cải Umanosuke. Cậu bé bỗng nhiên trở nên ngoan ngỗn và hiền lành, khiến cho gia đình và cả làng ai cũng mến yêu, nhất là cậu lại chịu khó học hành. Sau khi con thành đạt thì Yushi cũng cạo đầu đi tu. Thế là cả bốn anh em trai trong gia đình đều xuất gia. Sau này, khi
Yushi qua đời được vài năm thì Umanosuke được dân làng đề cử lên làm xã trưởng, giữ chức vụ giống như cha và ông nội của cậu khi xưa.
Lúc Ryokan hấp hối, ngoài ni sư Teishin, chỉ có Yushi và một người nông dân hàng xóm là Motouemon là những người thân chứng kiến những phút giây cuối cùng của đời ông.
---o0o---