Teishin sinh vào năm 1798 trong một ngôi làng nhỏ tên là Nagaoka trong một gia đình thuộc dòng họ Okumura, tên cha mẹ đặt cho là Masu. Mẹ của Teishin sau khi sinh thì qua đời.
Vào năm 1814 hay 1815 thì không được rõ lắm, lúc ấy cô bé Masu của ngôi làng Nagaoka đã trở thành một người con gái của lứa tuổi mười sáu hay mười bảy, cô có tiếng rất xinh và rất mực thông minh, gia đình đem gả cô cho một y sĩ tên là Seki Chôon. Nhưng sau đó vào năm 1819, thì Masu ly dị hay trở thành goá bụa thì không có tài liệu nào ghi chép đích xác, người ta chỉ biết là bà đã quay về sống với cha trong gia đình.
Sang năm sau tức vào năm 1820, bà quyết định xuất gia và đi tu trong một ngôi chùa thuộc Thiền phái Tào Động ở Kashiwazaki, một thôn nhỏ bên bờ biển cách xa quê bà gần 50 kilomét về phía Tây nam, với pháp danh là Teishin. Vào những năm sau khi vào chùa bà có nghe đồn về một nhà sư ẩn dật làm thơ rất hay tên là Ryokan và bà mong có dịp gặp được nhà sư này. Cũng không biết trong dịp nào bà đã quen với một người phụ nữ tên Yu, lớn hơn bà vài tuổi, bà này là con dâu của Yushi và Yushi lại là em trai của Ryokan. Bà Yu có kể chuyện về người Bác chồng là Ryokan cho Teishin nghe, nhưng có lẽ không có dịp nào đưa Teishin đến gặp Ryokan, vì bà Yu qua đời rất sớm sau đó, vào năm 1825. Lúc ấy Ryokan còn sống ẩn dật nơi chiếc am Otogo trong khu rừng Kugami.
Năm 1826, người cha của bà Teishin qua đời. Năm ấy Ryokan đã sáu mươi tám tuổi và sức khoẻ đã kém nhiều, ông rời bỏ chiếc am cỏ trong khu rừng Kugami để về sống trong một túp lều ở bìa làng Shimazaki, do một nông dân khá giả tên là Kimura cấp cho ông.
Năm 1827, bà Teishin được hai mươi chín tuổi, và cũng vào mùa thu năm ấy bà đã gặp Ryokan. Tình bạn và sự tương kính phát sinh giữa bà và nhà sư Ryokan, họ trao đổi thi phú với nhau. Ngôi chùa của bà Teishin ở cách làng Shimazaki khá xa, nên không mấy khi hai người gặp nhau và họ chỉ biết làm thơ để gởi cho nhau.
Năm 1831, Ryokan qua đời lúc ông được bảy mươi ba tuổi. Bốn năm sau vào năm 1835, Teishin hoàn tất tập thơ “Giọt sương trên cánh hoa sen” (“Hachisu no tsuyu”), gồm một ít thơ của Ryokan và của bà.
Năm 1841, bà được bốn mươi ba tuổi và được chính thức thụ phong thiền sư qua một nghi lễ gọi là tokudo, chứng nhận bà đã đủ tư cách làm một vị thầy. Sau đó bà được cử đến trụ trì ngôi chùa Shakado. Nhưng vào năm 1851 chùa bị hỏa hoạn, bà lại chuyển sang tu ở chùa Fuguan.
Vào năm 1872, đúng vào ngày 11 tháng 2 âm lịch (cuối tháng 3 dương lịch) bà qua đời, năm ấy bà được bảy mươi bốn tuổi và đã để lại một tập thơ hơn 550 bài, tựa là “Moshihogusa”, tạm dịch là “Rong rêu của muối”. Bà chọn một bài thơ di chúc (jisei no ku) tượng trưng cho đời mình, đó là bài thơ haiku cuối cùng mà bà đã làm và đọc lên cho Ryokan nghe trước khi ông nhắm mắt trên cánh tay bà:
Những gợn sóng ngoài khơi
Chúng đến gần
Rồi lại ra xa
Trên đây là cách dịch theo các bản thường thấy đã được chuyển dịch sang các ngôn ngữ Tây phương, nhưng nếu dịch một cách từ chương hơn, đúng với bài thơ gốc trong quyển “Giọt sương trên cánh hoa sen” thì sẽ như sau:
Hình như chúng đến gần bao nhiêu
thì chúng lại ra xa bấy nhiêu
những gợn sóng ngoài khơi.
Dịch từ chương thì kém thi vị nhưng có lẽ đúng với xúc cảm của bà hơn: Ryokan rất gần và đang gối đầu lên cánh tay của bà, nhưng nếu càng gần bao nhiêu thì chính lúc ấy lại là lúc càng xa bấy nhiêu.
Dưới đây là một bài thơ của Ryokan trong tập “Giọt sương trên cánh hoa sen” do bà Teishin sưu tập:
Suteshi mi wo Như thế đó tôi từ giã
ikani to tohaba thế giới này, hình như
hisakata no trong cõi mênh mông đó,
ame huraba hure mưa vẫn còn đấy để mưa rơi,
kaze hukaba huke gió vẫn còn đấy cho gió thổi.
Sau đây là một đoạn trích từ lời tựa của tập thơ “Giọt sương trên cánh hoa sen” do chính bà Teishin viết:
“...
trong khe suối và thật đáng tiếc nếu những vần thơ ấy sau này sẽ mai một đi trong quên lãng, vì thế tôi đã dọ hỏi và tìm kiếm khắp nơi để gom thành tập, góp chung với những bài thơ mà chúng tôi đã trao đổi với nhau trong khoảng thời gian trước đây khi tôi ghé thăm tác giả nơi túp lều ẩn dật của ông, tôi chép lại những bài thơ ấy vào quyển sách này. Đấy là kỷ niệm của một vị thầy mà tôi luôn luôn giữ bên mình để đọc khi cần, những bài thơ ấy
mang tôi trở về một thời quá khứ thiết tha nhất của tôi!”.
(Viết vào năm thứ 6 triều đại Tenpô (1835), ngày mùng một tháng năm, Teishin)
---o0o---