Cửa hiệu bán mì và nước tương

Một phần của tài liệu Ryokan-Ga-Thien-Su-Dai-Ngu-Tren-Con-Duong-Trong-Khong-Cs-Hoang-Phong-Dich (Trang 71 - 73)

Trong thôn Nagaoka gần làng Izumozaki có một cửa hàng bán mì sợi (miso) và nước tương. Người chủ quán tên là Denbei, rất say mê bút pháp của Ryokan, nhưng không dám xin, hoặc cũng không mấy khi có dịp để xin và cũng chưa chắc đã xin được, vì nhiều người nài nỉ và chạy theo Ryokan, ông không thể nào viết xuể hoặc có khi ông bảo rằng ông quên cả các chữ mà họ muốn ông viết. Thật vậy, viết thư pháp thông thường phải tập trung tâm thức, sức mạnh và sinh khí, đâu phải cứ cầm bút là viết được.

Người chủ quán nghĩ ra một kế, anh ta tự viết lấy nhãn hiệu của quán và cố tình viết thật vụng về rồi treo ở cửa. Một hôm Ryokan đi khất thực ngang đấy, anh chủ quán chạy ra cố van nài Ryokan bước vào nhà và anh đã nói với ông như sau:

– Thưa ngài, quán của con mới mở được ít lâu, nhưng ít khách quá, có lẽ vì bảng hiệu vụng về. Ngài giúp con viết mấy chữ may ra có thể giúp thiên hạ chú ý đến cái quán của con. Ông do dự một tí rồi bảo người chủ quán mang giấy mực cho ông. Người chủ quán đem ra hai tờ giấy và nghiên mực mài sẵn, Ryokan giữ yên lặng vài phút để tập trung sự trầm tĩnh và viết lên hai tờ giấy: “Tiệm bán mì và nước tương”.

Một thời gian sau, có một vị viết thư pháp là Kameda Bosạ, cũng là bạn của Ryokan, đi ngang đấy và thấy nhãn hiệu của cửa tiệm, ông liền bước vào và gọi anh chủ quán ra rồi chỉ vào bảng hiệu của tiệm và hỏi:

– Có phải đây là thủ bút của nhà sư Ryokan không? Anh chủ quán Denbei rất hãnh diện và trả lời rằng:

– Đúng thật như thế, đấy là thủ bút của Ryokan.

– Này tôi bảo cho ông biết nhé, những tờ thư pháp như thế không phải để treo bên ngoài cửa hiệu. Nó là của vô giá đấy, phải quấn lại để giữ gìn trong nhà. Ta viết cho chữ khác.

Denbei mừng lắm, đem giấy mực ra và Bosạ viết cho tấm bảng hiệu khác: “Tiệm bán mì và nước tương”.

Vài năm sau đó, có một nhà thư pháp nổi danh là Maki Ryôkô từ thủ đô Edo về thăm làng quê của ông ở Echigo, và tình cờ đi ngang đấy. Ông thấy tấm bảng hiệu của quán, liền bước vào để gọi người chủ để hỏi:

– Có phải tấm bảng hiệu ngoài cửa là do vị thầy thư pháp là Kameda Bosạ viết hay không?

Anh chủ quán liền đáp ngay:

– Đúng thế, đúng thật như thế, đấy là thủ bút của thầy Bosạ.

– Này ta bảo cho mà biết, không nên treo một tác phẩm như thế ở ngoài cửa. Đem vào nhà mà cất cho cẩn thận. Đưa giấy mực ra đây ta viết cho tờ khác. Denbei mừng lắm, hối hả đem giấy mực ra. Miki Ryôkô phóng bút và viết: “Tiệm bán mì và nước tương”.

Nhiều năm sau đó, lại đến lượt một nhà thư pháp nổi danh khác là Tomikawa Taikui đi ngang tiệm và cũng giật mình vì cái bảng hiệu treo lủng lẳng trước cửa. Ông bước vào cửa hiệu và hỏi to lên rằng:

– Này cái bảng hiệu ngoài kia có phải là thủ bút của Ryôkô hay không? Taikui lại thuyết phục Denbei đem cất cái tác phẩm ấy đi để ông viết cho tấm khác: “Tiệm bán mì và nước tương”

Nhờ thế mà anh chủ quán bán mì sợi và nước tương có bốn tờ thủ bút của bốn nhà thư pháp danh tiếng nhất của nước Nhật thời bấy giờ. Ngày nay cả bốn tấm bảng hiệu “Tiệm bán mì và nước tương” người ta vẫn còn giữ được và đã trở thành gia tài văn hoá của nước Nhật.

Câu chuyện trên đây chỉ là một trong vô số giai thoại về những mẹo vặt mà người đương thời tìm cách để xin thủ bút của Ryokan. Tuy nhiên câu chuyện được chọn lọc không phải vì mục đích đề cao cái khôn khéo và mưu mô của một người chủ quán, nhưng cố ý nêu lên sự khiêm tốn và nhún nhường của những kẻ thực tài, họ chỉ nhìn thấy giá trị và sự tuyệt vời nơi kẻ khác, cũng giống như những vị Bồ tát đã quên cả chính mình và chỉ nhìn thấy cái Phật tính nơi tất cả chúng sinh để trân quý và ngưỡng mộ.

Ba tấm bảng hiệu “ Tiệm bán mì và nước tương ” do Ryokan, Bosạ và Ryôkô viết (bảng thứ tư do Tomikawa Taikui viết không tìm thấy trong các tài liệu hiện có khi viết bài này).

---o0o---

Một phần của tài liệu Ryokan-Ga-Thien-Su-Dai-Ngu-Tren-Con-Duong-Trong-Khong-Cs-Hoang-Phong-Dich (Trang 71 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)