Giới thiệu đề tài cấp Nhà nước ĐTĐL.CN-06/15

Một phần của tài liệu Thực trạng bữa ăn ca công nhân dệt may một số tỉnh phía Bắc và hiệu quả cải thiện khẩu phần tại thành phố Hải Dương. (Trang 39 - 41)

Nghiên cứu này là một cấu phần của đề tài độc lập cấp nhà nước mã số ĐTĐL.CN-06/15: “Đánh giá gánh nặng lao động, nhu cầu dinh dưỡng, khẩu phần và

xây dựng bộ tiêu chí về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm bữa ăn ca cho người lao động một số ngành nghề” tiến hành từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 12 năm 2018. Nội dung đề tài là tiến hành đánh giá gánh nặng lao động, tính mức tiêu hao năng lượng các thao tác trong khoảng thời gian thực hiện công việc trong ca làm việc và tính nhu cầu năng lượng thực tế của người lao động của 48 doanh nghiệp của 3 miền thuộc 2 ngành dệt may và da giầy, từ đó làm cơ sở khoa học để xây dựng thực đơn bữa ăn ca hợp lý để đảm bảo sức khỏe làm việc lâu dài cho NLĐ.

Nghiên cứu sinh tham gia đề tài với vai trò là một trong những nghiên cứu viên của đề tài, phối hợp với các nghiên cứu viên khác thực hiện các công việc sau: xây dựng bộ công cụ, thử nghiệm bộ công cụ, tìm kiếm tài liệu tham khảo xây dựng tổng quan, tập huấn, giám sát, thu thập số liệu, nhập liệu, làm sạch số liệu, phân tích viết báo cáo. Đề tài của nghiên cứu sinh thuộc đề tài nhánh 3 của đề tài cấp Nhà nước được sự đồng ý của chủ nhiệm đề tài, công nhận đề tài đang trong giai đoạn triển khai, chưa có báo cáo chính thức và cho phép NCS được sử dụng số liệu của đề tài. Hướng tiếp cận đề tài của NCS lựa chọn là bữa ăn ca công nhân ngành dệt may là một trong hai ngành nghề đề tài đã triển khai. Đồng thời, NCS thiết kế nghiên cứu can thiệp khẩu phần tại một cơ sở dệt may tỉnh Hải Dương bằng bộ thực đơn mẫu xây dựng theo loại hình lao động, tuổi và giới.

Giới thiệu địa bàn can thiệp

Giai đoạn 1 nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện tại 5 tỉnh là Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Đây là những tỉnh miền Bắc tập trung nhiều công ty dệt may với số lượng công nhân lớn.

Giai đoạn 2 nghiên cứu can thiệp được tiến tại 1 cơ sở dệt may thuộc tỉnh Hải Dương. Đây là tỉnh có vị trí quan trọng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và kề sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ. Nơi đây có lợi thế vô cùng lớn trong việc giao lưu, trao đổi thương mại với Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên. Trong những năm gần đây, tỉnh đã và đang nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, tái cơ cấu và xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công

nghiệp; phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản xuất ... Nhiều dự án, khu, cụm công nghiệp được xây dựng mới với những chính sách kêu gọi đầu tư mạnh mẽ trong đó có lĩnh vực dệt may, thu hút một lượng lớn người lao động [5].

Nghiên cứu can thiệp được thực hiện tại xí nghiệp may tư doanh Tuấn Kỳ, thành phố Hải Dương. Đây là 1 công ty sản xuất, gia công hàng may mặc và đồ bảo hộ lao động với tổng số lao động là 200 người . Công ty này cũng là công ty duy nhất đồng ý hợp tác thực hiện nghiên cứu can thiệp bữa ăn ca. Mô hình bữa ăn ca của công ty trước can thiệp là cung cấp bữa ăn ca theo mâm (6 người/mâm) và chỉ có khoảng một nửa số công nhân ở lại ăn cơm trưa, các công nhân khác ở gần công ty về nhà ăn cơm. Nghiên cứu can thiệp ở đây được thực hiện trên nhóm công nhân ở lại ăn cơm trưa tại công ty. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, ban lãnh đạo công ty đã tạo điều kiện, phối hợp và hỗ trợ để nhóm nghiên cứu có thể hoàn thành đề tài.

Một phần của tài liệu Thực trạng bữa ăn ca công nhân dệt may một số tỉnh phía Bắc và hiệu quả cải thiện khẩu phần tại thành phố Hải Dương. (Trang 39 - 41)