Cơ sở lý thuyết về xuất khẩu tác giả sử dụng trong bài nghiên cứu là dưới cấp độ vi mô nghĩa là xuất khẩu tại các doanh nghiệp mà cụ thể ở đây là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các nghiên cứu về xuất khẩu tại các DNNVV có thể kể đến như nghiên cứu về sự thâm nhập thị trường quốc tế của các DNNVV trong đó có sử dụng phương thức xuất khẩu (Dalli, 1994; Leonidou và Katsikeas, 1996), nghiên cứu về hành vi xuất khẩu của các DNNVV (Prefontaine và Bourgault, 2002; Gashi và các cộng sự 2013) hay nghiên cứu tác động của xuất khẩu đến hiệu quả doanh nghiệp (Robert và Tybout, 1997; Aw và Batra,1999; Baldwin và Gu, 2004)
Trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, các DN nói chung và DNNVV nói riêng đã trở nên quốc tế hóa hơn bằng cách sử dụng một loạt các phương thức hoạt động khác nhau. Đối với các DNNVV, xuất khẩu là phương thức thâm nhập thị trường nước ngoài phổ biến nhất mà các DNNVV sử dụng, do rủi ro tương đối thấp, mức độ linh hoạt cao và cam kết nguồn lực thấp (Leonidou và Katsikeas, 1996). So với các phương thức xâm nhập thị trường khác, xuất khẩu luôn mang tới giá trị nhất định mà không yêu cầu các DN phải tìm hiểu nhiều về thị trường thâm nhập. Tuy nhiên, hành vi lựa chọn xuất khẩu của các DNNVV lại tương đối phức tạp cho dù chính phủ của tại nhiều quốc gia trên thế giới luôn khuyến khích và đưa ra các chính sách hỗ trợ các DNNVV.
Thực trạng hiện nay cho thấy, số lượng các DNNVV tham gia vào hoạt động xuất khẩu là không quá đáng kể. Tại các quốc gia đang có nền kinh tế phát triển, chẳng hạn nước Anh chỉ có 17% các DNVVN tham gia hoạt động xuất khẩu, trong khi ở Pháp, tỷ lệ thậm chí ở mức thấp hơn 10% (UPS, 2015). Tại Úc, số lượng các DNNVV tham gia hoạt động xuất khẩu là 11% (Sensis, 2016). Và tại Canada, số lượng DNNVV tham gia xuất khẩu là 11,5% (ICC,2016). Để giải thích cho vấn đề này, nghiên cứu của Tan và các cộng sự (2018) cho rằng “rào cản xuất khẩu” là nguyên nhân chính khiến cho các DNNVV chưa muốn tham gia vào thị trường xuất khẩu. Những rào cản này có thể lấy ví dụ như thuế quan, hạn ngạch và các trở ngại hành chính, được coi là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng miễn cưỡng xuất khẩu. Tại
các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển, lại có những vấn đề khác phát sinh bên cạnh thuế quan hạn ngạch hay trở ngại hành chính. Nghiên cứu của Neubert và các cộng sự (2006) đối với các DNNVV tại Việt Nam chỉ ra rằng các DNNVV tham gia xuất khẩu trong nền kinh tế chuyển đổi gặp phải các vấn đề xuất khẩu liên quan đến việc chấp nhận chất lượng sản phẩm và quản lý hậu cần. Tại Việt Nam hiện nay, con số các DNNVV tham gia chỉ nằm ở mức 8% (OECD,2021). Con số này nếu so với những nước trên thế giới thực sự khá khiêm tốn.
Trong phạm vi bài khóa luận này, trong ba khía cạnh về xuất khẩu tại các DNNVV tác giả nêu ở trên, tác giả chỉ tập trung vào tác động của xuất khẩu đến hiệu quả doanh nghiệp. Về hiệu quả doanh nghiêp, yếu tố tăng trưởng là một phần trong đó (tác giả sẽ nêu trong phần 2.3). Do đó, tác giả sử dụng các bài nghiên cứu về xuất khẩu và tăng trưởng doanh nghiệp làm cơ sở lý luận chính cho bài khóa luận (trình bày trong phần 2.4).