Thứ nhất, DNNVV có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến hết 31/12/2020, cả nước có 811.538 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là
DNNVV đóng góp khoảng 43,2% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và 31% xuất khẩu; đóng góp 29% vào tổng thu ngân sách hằng năm. Điều này cho thấy vai trò to lớn của DNNVV đối với nền kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó nghiên cứu của Chu Thanh Hải (2020) thêm dẫn chứng cụ thể cho việc khu vực DNNVV tại Việt Nam đã thể hiện vai trò và những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự chuyển mình và cất cánh của nền kinh tế: “Trong giai đoạn 2015-2017, khu vực kinh tế tư nhân (trong đó DNNVV là bộ phận quan trọng) đóng góp khoả ng 50% GDP, trên 30% thu ngân sách nhà nước, 45% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Năm 2018, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 42,1% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên [1, tr.24]. Thu ngân sách nhà nước từ các DN tư nhân liên tục tăng lên trên 16%. Thu ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực DN nhà nước. Những tín hiệu này phản ánh sự lớn mạnh về quy mô, số lượng chủ thể và sự cải thiện về hiệu quả của kinh tế tư nhân [1, tr.24].”. Sự có mặt của DNNVV góp phần quan trọng để tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu của Myslimi và Kacani (2016) đối với các DNNVV tại Albania đã cho quan điểm tương tự rằng các DN nhỏ tạo ra ảnh hưởng nhất định đối với nền kinh tế đất nước.
Thứ hai, DNNVV góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động. Trong “Báo cáo chính sách DNNVV và khởi nghiệp tại Việt Nam” của OECD cho thấy DNNVV tại Việt Nam đóng góp 47% lượng lao động và đóng góp 36% giá trị gia tăng quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư (2019) chỉ ra rằng bình quân mỗi năm (giai đoạn 2016-2017), khối DNNVV thu hút nhiều lao động nhất với 8,69 triệu lao động (chiếm 60,9% tổng lao động toàn bộ khu vực DN trong nền kinh tế). Trong hai năm 2017-2018, số DNNVV thành lập mới cũng đã tạo gần 2,3 triệu việc làm mới. Ngoài ra, nghiên cứu của Chu Thanh Hải (2020) đề cập: “Tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) của khu vực này tương đối ổn định. Mặc dù những năm gần đây, tốc độ tăng NSLĐ của cả nước liên tục có những biến động thì tốc độ tăng NSLĐ của khu vực kinh tế tư nhân, trong đó chủ yếu là DNNVV vẫn ổn định hơn so với các khu vực kinh tế nhà nước và khu vực FDI, xung quanh mức 4,8%-5,8% [7]”. Nghiên cứu của Brown và Earle (2001) tại Nga và OECD (1996) tại nhiều nước OECD cũng cho thấy tỷ lệ tạo việc làm ròng của các doanh nghiệp nhỏ dường như cao hơn so với các
DN lớn. Đồng quan điểm, nghiên cứu của Syed và các cộng sự (2012) tại Pakistan cho kết quả rằng DNNVV đóng góp vai trò tích cực đối sự phát triển nền kinh tế, thiết yếu trong thu nhập ngoại hối và GDP đất nước, tạo ra cơ hội việc làm và đóng góp lớn trong lĩnh vực xuất khẩu.
Nói tóm lại, doanh nghiệp nhỏ và vừa có một vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, tạo ra một giá trị công nghiệp đáng kể, tạo ra việc làm cho xã hội (Nguyễn Thị Hải Ninh, 2012). Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới vai trò của DNNVV đối với nền kinh tế đất nước được xem như xương sống của nền kinh tế (Trisha, 2011). Tính chất quan trọng của DNNVV là không thể bàn cãi, bên cạnh đó Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế tập trung (Trần Văn Thơ, 2021). Do đó, nghiên cứu về sự tăng trưởng của DNNVV tại Việt Nam là vô cùng cần thiết.