Các thương vụ M&A của các NHTMCP

Một phần của tài liệu Cam kết về dịch vụ tài chính ngân hàng trong hiệp định CPTPP và những lưu ý đối với các ngân hàng TMCP của Việt Nam (Trang 57 - 59)

Tận dụng các cam kết đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, cam kết xâm nhập thị trường của các tổ chức tài chính và thương mại qua biên giới, các ngân hàng thương mại trong nước lẫn ngoài nước đều hòa chung dòng chảy hội nhập quốc tế, hội nhập ngành ngân hàng đóng vai trò chủ chốt trong việc mở rộng và đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước đối tác phát triển theo chiều sâu, tạo lợi thế đan xen và đạt được nhiều kết quả tích cực và khá toàn diện. Theo đó, tiến trình hội nhập kinh tế và lĩnh vực ngân hàng đã tạo nền tảng quan trọng giúp Việt Nam thu hút một dòng vốn nước ngoài lớn vào nền kinh tế nói chung và ngành dịch vụ tài chính ngân hàng nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống ngân hàng nâng cao tính thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn có chi phí thấp trên thế giới. Bên cạnh đó là việc gia tăng cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam, giúp thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, kiến thức, năng lực điều hành và quản lý cấp cao. Các yếu tố tích cực này là đòn bảy quan trọng để ngành ngân hàng phát triển hiệu quả và phù hợp với các thông lệ trong khu vực và quốc tế. Sau đây là một số thương vụ hợp tác đầu tư tiêu biểu giữa các ngân hàng Việt Nam với các ngân hàng nước ngoài:

(1) KEB Hana Bank – Bidv: Ngày 11/11/2019 tại Hà Nội, NHTMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) và KEB Hana Bank chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và công bố KEB Hana Bank là cổ đông chiến lược nước ngoài, sở hữu 15% vốn điều lệ của BIDV.

Trên cơ sở chấp thuận của chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền hai nước Việt Nam – Hàn Quốc, BIDV và KEB Hana Bank đã hoàn tất thủ tục và hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật hai nước, cụ thể BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng. Vốn điều lệ BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam sau khi BIDV phát hành cổ phần và KEB Hana Bank trở thành nhà đầu tư chiến lược sở hữu 15% cổ phần với thời gian nắm giữ ít nhất 5 năm. (Báo diễn đàn đầu tư kinh doanh, 2021).

Bên cạnh đó, sự xuất hiện những nhân viên điều hành cao cấp có quốc tịch Hàn Quốc, nắm giữ vị trí quan trọng trong ban giám đốc hay trong khối quản lý tại ngân hàng BIDV thể hiện việc thực thi tốt cam kết CPTPP.

(2) Aozora – Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB): OCB thông qua việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài là ngân hàng Aozora Bank của Nhật Bản.

Theo kế hoạch, từ đầu năm 2019 ngân hàng đã triển khai chào bán riêng lẻ hơn 118,47 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vốn. Ngày 17/06/2020 ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc Aozora mua cổ phần OCB, trở thành cổ đông nước ngoài sở hữu 15% vốn điều lệ của OCB, tương đương 86,8 triệu cổ phiếu. Việc phát hành thành công được hoàn tất vào thời điểm 29/06/2020. (Báo diễn đàn đầu tư kinh doanh, 2021).

(3) NHTMCP Quân Đội phát hành thành công hơn 64,3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho 8 nhà đầu tư nước ngoài với giá bán 27.000 đồng/cổ phiếu và thu ròng 1.720 tỷ đồng vào tháng 02/2020. Đây cũng là 8 quỹ từng mua 21,4 triệu cổ phiếu quỹ của MB vào ngày 22/01. Như vậy, tổng các nhà đầu tư này đã mua 85,7 triệu cổ phiếu MB. (Báo diễn đàn đầu tư kinh doanh, 2021).

(4) DEG – HDBank: Cuối tháng 09/2020 HDbank đã có thương vụ chào bán trái phiếu với định chế tài chính DEG của Đức. Đáng lưu ý đây là trái phiếu chuyển đổi, có thể chuyển thành cổ phiếu. Bên cạnh đó, hai bên còn ký kết hợp tác chiến lược để phát triển các sản phẩm dịch vụ, tài chính cho doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cũng

như doanh nghiệp Việt xuất khẩu qua thị trường Đức và Châu Âu. (Báo diễn đàn đầu tư kinh doanh, 2021).

Một phần của tài liệu Cam kết về dịch vụ tài chính ngân hàng trong hiệp định CPTPP và những lưu ý đối với các ngân hàng TMCP của Việt Nam (Trang 57 - 59)