Các quy định về chủ thể và quyền, nghĩa vụ của chủ thể có trách nhiệm bồ

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Luật học: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại theo pháp luật Việt Nam (Trang 86 - 96)

nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại

Trong pháp luật thực định, việc quy định chủ thể có TNBTTH do vi phạm HĐTM là ai, vốn dĩ là vấn đề đã quá rõ ràng và điều đó được thể hiện rõ tại khoản 1 Điều 302 LTM năm 2005, theo đó TNBTTH do vi phạm HĐTM là trách nhiệm thuộc về bên vi phạm. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện quy định này để xác định chủ thể nào có TNBTTH do vi phạm HĐTM, lại là vấn đề không đơn giản.

Trong khuôn khổ của mục này, Luận án tập trung phân tích hai nội dung của các quy định về chủ thể chịu TNBTTH do vi phạm HĐTM, đó là: i) Căn cứ xác định chủ thể có TNBTTH do vi phạm HĐTM; ii) Quyền, nghĩa vụ của chủ thể có

TNBTTH do vi phạm HĐTM.

2.1.1.1 Căn cứ xác định chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại

Như đã đề cập ở trên, khoản 1 Điều 302 LTM năm 2005 quy định: TNBTTH do vi phạm HĐTM thuộc về bên vi phạm. Về mặt từ ngữ, điều luật quy định rất rõ ràng, cụ thể rằng bên nào có hành vi vi phạm dẫn đến thiệt hại cho bên kia thì sẽ phải chịu TNBTTH. Tuy nhiên, vấn đề xác định chủ thể có TNBTTH là ai trên thực tế không hề đơn giản, đặc biệt là trong trường hợp tranh chấp tại Tòa án (hoặc Trọng tài). Việc xác định hành vi nào là vi phạm hợp đồng không thể chỉ dựa vào ý kiến của một bên (nguyên đơn hoặc bị đơn) mà phải dựa vào tình tiết khách quan của vụ việc thể hiện trong hồ sơ, tài liệu vụ án. Do đó, nếu không xác định được hành vi vi phạm hợp đồng, sẽ không có việc xác định TNBTTH do vi phạm hợp đồng. Thậm chí, nếu có hành vi vi phạm hợp đồng nhưng không có bằng chứng hợp pháp chứng minh mối quan hệ nhân - quả giữa hành vi vi phạm đó với thiệt hại xảy ra, thì cũng không thể xác định được ai là chủ thể có TNBTTH do vi phạm HĐTM và yêu cầu BTTH cũng khó được cơ quan xét xử chấp nhận, từ đó, chủ thể của TNBTTH cũng không tồn tại. Như vậy, chủ thể của TNBTTH có mối liên hệ chặt chẽ với hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế. Điều này cho thấy, để xác định chủ thể có TNBTTH là ai thì nhất thiết phải làm rõ ai là người có hành vi vi phạm hợp đồng và hành vi đó có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại cho bên bị thiệt hại hay không? Tuy nhiên, cũng có những trường hợp có phát sinh trách nhiệm nhưng người có hành vi vi phạm không phải là người chịu trách nhiệm bồi thường, như trong trường hợp người đại diện của pháp nhân không thực hiện hợp đồng hoặc người được uỷ quyền , được uỷ nhiệm hoặc người thứ ba không thực hiện hoặc đối với hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba…

Để làm rõ vấn đề trên và làm rõ thêm căn cứ xác định TNBTTH với căn cứ xác định chủ thể, thể hiện tính độc lập tương đối của hai vấn đề này, xin đưa ra một ví dụ cụ thể như sau:

Tại Bản án số 03/2018/KDTM-ST ngày 01/8/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán tại TAND huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, có nội dung: theo đơn khởi kiện ngày 18/01/2018 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là Công ty Cổ phần B trình bày, thì vào ngày 02/01/2017, Công ty Cổ phần B (Công ty B) và Công ty TNHH SN (Công ty SN) ký Hợp đồng nguyên tắc số 006/BBC- SAMNHUT/2017 (Hợp đồng số 006). Theo đó, bên bán là Công ty SN cung cấp sản

phẩm tinh bột khoai mì (tinh bột sắn) cho bên mua hàng là Công ty B với chất lượng, số lượng, giá cả, thời gian giao hàng theo thỏa thuận. Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng từ ngày ký 02/01/2017 đến hết ngày 31/12/2017.

Ngày 14/10/2017, Công ty B có thông báo yêu cầu Công ty SN thực hiện giao hàng cho nhu cầu tháng 10/2017 là 150 tấn tinh bột khoai mì. Tuy nhiên, Công ty SN xác nhận tại thông báo trên của Công ty B về việc không đáp ứng được đơn hàng. Ngày 17/10/2017, Công ty SN gửi cho Công ty B Thông báo số 01/TB- SN về việc không cung cấp tinh bột khoai mì vì Công ty SN gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định và khan hiếm để phục vụ sản xuất nên không thể đáp ứng giao hàng. Công ty B cho rằng, hành vi này của Công ty SN là vi phạm thỏa thuận của hợp đồng. Do đó, ngày 01/11/2017, Công ty B có Văn bản số 004091/2017/BBC/VB gửi Công ty SN yêu cầu thực hiện hợp đồng, trường hợp Công ty SN không thực hiện nghĩa vụ thì phải BTTH, chịu phạt vi phạm nhưng Công ty SN vẫn không thực hiện.

Để có nguyên liệu kịp sản xuất trong mùa vụ cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán năm 2017, Công ty B đã phải mua hàng của Công ty khác trong thời gian gấp với giá cao để thay thế, ngày 20/11/2017, Công ty B đã ký hợp đồng mua 500.000 kg tinh bột khoai mì của Công ty TNHH XNK Công nghệ Dịch vụ HD (Công ty HD) với đơn giá 10.500 đồng/kg, trị giá lô hàng 5,25 tỷ đồng (giá chưa thuế VAT). Do đó, việc không thực hiện nghĩa vụ giao hàng của Công ty SN đã gây ra thiệt hại cho Công ty B số tiền chênh lệch 5,25 tỷ đồng – 3,5 tỷ đồng = 1,75 tỷ đồng112.

Trong vụ việc trên, Công ty B cho rằng, Công ty SN đã vi phạm hợp đồng và hành vi đó đã dẫn đến một khoản thiệt hại thực tế cho Công ty B. Giả sử quan điểm của nguyên đơn – Công ty B là đúng quy định của pháp luật thì TNBTTH sẽ thuộc về bị đơn – bên có hành vi vi phạm. Chủ thể của TNBTTH sẽ là Công ty SN. Tuy nhiên, trong các trường hợp: (i) Công ty SN không có hành vi vi phạm; (ii) Công ty SN có hành vi vi phạm nhưng Công ty B không chứng minh được thiệt hại; (iii) Công ty SN có hành vi vi phạm nhưng thuộc trường hợp miễn trách nhiệm, thì chủ thể có TNBTTH không phải là Công ty SN.

Phân tích về mặt lý luận, trong vụ việc trên, hành vi của Công ty SN đã vi phạm hợp đồng (dẫn đến loại bỏ trường hợp (i) trong đoạn trên). Mặc dù vậy, hành vi này có dẫn đến thiệt hại trực tiếp cho Công ty B khoản tiền 1.750.000.000 đồng hay không cần phải xem xét kỹ lưỡng, cụ thể là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi

và khoản tổn thất vừa nêu. Có thể thấy rằng, việc Công ty B mua bột sắn của Công ty HD với giá cao hơn giá của Công ty SN là một hậu quả bất lợi cho Công ty B sau khi Công ty SN không thể giao hàng đúng hạn. Tuy nhiên, để chứng minh trước cơ quan xét xử rằng khoản chênh lệch giá chính là hậu quả trực tiếp của việc Công ty SN cần khẳng định được các điều kiện sau đây: (i) Công ty B không có lựa chọn nào khác về giá và nhà cung cấp ngoài Công ty HD; (ii) Việc Công ty SN không thể giao hàng đúng ngày yêu cầu sẽ làm chậm tiến độ sản xuất của Công ty B theo đơn đặt hàng của bên thứ ba (khiến Công ty B phải mua hàng của công ty khác mặc dù thời hạn thực hiện hợp đồng với Công ty SN vẫn còn); (iii) Số lượng bột sắn mà Công ty B mua có mục đích là để bù đắp vào số lượng bị thiếu hụt do Công ty SN không thể giao hàng.

Có thể thấy, việc chứng minh các điều kiện trên trong hồ sơ chứng cứ là không hề dễ dàng. Trong quá trình xét xử, bị đơn trong vụ việc là Công ty SN trình bày rằng, Công ty SN thừa nhận hành vi vi phạm hợp đồng cung cấp bột sắn, nhưng hành vi vi phạm đó thuộc trường hợp miễn trách nhiệm theo khoản 1 Điều 294 LTM năm 2005. Cụ thể là trong thời gian thu mua hàng hóa cung cấp cho Công ty B, vùng nguyên liệu sắn bị thiệt hại nghiêm trọng do dịch bệnh “khảm lá sắn”113. Đây là sự kiện bất khả kháng, do đó Công ty SN không có TNBTTH cũng như các trách nhiệm khác liên quan đến phạt vi phạm hợp đồng. Như vậy, nếu sự kiện dịch bệnh là đúng và trong HĐTM được ký kết giữa hai bên có điều khoản tương ứng thì chủ thể có TNBTTH không phải là Công ty SN. Đó là sự kiện bất khả kháng và là căn cứ miễn TNBTTH theo luật định. Vì theo LTM năm 2005, trong trường hợp có hành vi vi phạm hợp đồng nhưng hành vi được thực hiện trong các điều kiện mà pháp luật quy định được miễn trách nhiệm vật chất (do không có lỗi của bên vi phạm hợp đồng), thì bên vi phạm sẽ không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bên bị vi phạm hợp đồng.

Theo quan điểm xét xử của TAND huyện Tân Biên trong Bản án sơ thẩm, HĐXX không nhận định vụ việc theo hướng hành vi vi phạm của Công ty SN thuộc trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường, cũng như không bác bỏ quan điểm cho rằng hành vi của Công ty SN là vi phạm hợp đồng; mà lại cho rằng, việc chứng minh số tiền thiệt hại do hành vi không giao hàng của Công ty SN là không đầy đủ, không thuyết phục, do đó đã không chấp nhận yêu cầu BTTH mà chỉ chấp nhận yêu cầu về phạt vi phạm hợp đồng của nguyên đơn.

Trong vụ việc trên, việc không chứng minh được thiệt hại đã không làm phát

sinh tư cách chủ thể có TNBTTH đối với bên vi phạm hợp đồng. Quan điểm xét xử của Tòa án một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế xảy ra trong việc xác định chủ thể có TNBTTH do vi phạm HĐTM.

2.1.1.2. Quyền và nghĩa vụ của chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do

vi phạm hợp đồng thương mại

Theo quy định hiện hành, trong quan hệ BTTH do vi phạm HĐTM, chủ thể có TNBTTH có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

(i) Về phương diện quyền, chủ thể có TNBTTH đương nhiên sẽ không có nhiều quyền như bên bị vi phạm, song vẫn có các quyền cơ bản gồm:

Thứ nhất, quyền được miễn TNBTTH trong một số trường hợp vi phạm

HĐTM, tức là loại bỏ hoàn toàn hậu quả pháp lý bất lợi cho bên có hành vi vi phạm trong quan hệ HĐTM. Quyền này được ghi nhận tại Điều 237 đối với các thương nhân kinh doanh dịch vụ logistic và Điều 294 LTM năm 2005, theo đó, nhà làm luật quy định rõ những trường hợp bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm, bao gồm: (i) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận; (ii) Xảy ra sự kiện bất khả kháng; (iii) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; (iv) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Trên nguyên tắc, quyền miễn trừ trách nhiệm bồi thường chỉ được thực hiện khi bên vi phạm hợp đồng chứng minh được hành vi vi phạm của mình thuộc một trong các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường như quy định nêu trên.

Thực tế, quyền được miễn trách nhiệm bồi thường khi vi phạm HĐTM chủ yếu phát sinh trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng mà vụ tranh chấp sau đây là ví dụ điển hình: “Công ty Bảo hiểm Bình Minh (Công ty Bình Minh) và Công ty TNHH Vetus Việt Nam (Công ty Vetus Việt Nam) ký Giấy chứng nhận số đơn HCM.D15.F1.12.HD218 (0458) ngày 12/7/2012, theo nội dung hợp đồng Công ty Bình Minh nhận bảo hiểm rủi ro theo loại hình bảo hiểm Cháy và các rủi ro đặc biệt, với số tiền bảo hiểm là 165.500 USD cho hàng hóa của Công ty Vetus Việt Nam ký gửi tại hai địa điểm kho, trong đó có kho của Công ty cổ phần Thi Anh (Công ty Thi Anh) tại 920A đường Quốc lộ 1A, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố HCM. Giữa Công ty Vetus Việt Nam và Công ty Thi Anh có ký Hợp đồng ký gửi hàng vào kho bãi số 079/HĐ/TVX-12 ngày 17/04/2012, với diện tích thuê 100m2, thời hạn thuê là một năm từ 17/04/2012 đến 17/04/2013, địa điểm 920A đường Cao

tốc 1A, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố HCM; hàng hóa dầu cắt gọt trong công nghiệp (chứa trong phuy, can) để Công ty Vetus Việt Nam để hàng hóa của mình. Ngày 28/11/2012, tại 920A đường Cao tốc 1A, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố HCM đã xảy ra vụ cháy, trong đó có hàng hóa của Công ty Vetus Việt Nam. Ngày 14/01/2014, Công ty TNHH giám định và tư vấn kỹ thuật độc lập (Công ty RACO) đã ban hành Báo cáo cuối cùng xác định giá trị tính toán hàng hóa bị cháy của Công ty Vetus Việt Nam là 1.363.233.625 VNĐ và xác định số tiền bồi thường bảo hiểm mà Công ty Bình Minh chi trả cho Công ty Vetus Việt Nam theo Hợp đồng Bảo hiểm là 1.302.200.519 đồng. Công ty Bình Minh đã bồi thường cho Công ty Vetus Việt Nam 1.302.200.519 VNĐ. Theo Giấy chuyển quyền và thế quyền ngày 12/5/2014, Công ty Bình Minh yêu cầu Công ty Thi Anh phải trả số tiền 1.302.200.519 VNĐ mà Công ty Bình Minh đã phải bồi thường bảo hiểm cho Công ty Vetus Việt Nam114.

Trong phần quan điểm của mình, phía bị đơn Công ty Thi Anh cho rằng: Công ty Thi Anh là doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh hoạt động Logistics; đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy trong hoạt động, định kỳ và hằng tháng Công ty đều có tổ chức kiểm tra, diễn tập an toàn cháy nổ; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện. Các cơ quan chức năng đã kết luận nguyên nhân cháy là do khách quan và tại Điều 6 của Hợp đồng thuê kho, hai bên có thỏa thuận tổn thất do nguyên nhân bất khả kháng theo quy định của pháp luật, thì thiệt hại tài sản hàng hóa phía bên nào bên đó tự gánh chịu. Do đó, đề nghị nguyên đơn cùng chia sẻ với bị đơn là Công ty Thi Anh về thiệt hại, đề nghị HĐXX bác yêu cầu đòi BTTH của nguyên đơn. Trong phán quyết của mình, HĐXX cho rằng, với nguyên nhân cháy nổ khẳng định là do sự kiện bất khả kháng theo Điều 161 BLDS năm 2005, do đó, đây là trường hợp miễn TNBTTH115”.

Qua vụ việc này có thể nhận định thêm rằng, để đáp ứng điều kiện hưởng quyền miễn trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng, bên vi phạm phải chứng minh sự tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật chuyên ngành (ví dụ phòng cháy chữa cháy, an toàn điện) mới có thể lập luận việc vi phạm hợp đồng của mình hoàn toàn do nguyên nhân từ sự kiện bất khả kháng.

Thứ hai, quyền yêu cầu giảm bớt giá trị thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được. Theo quy định tại Điều 305 LTM năm 2005, “bên yêu cầu BTTH

114 Tòa án nhân dân Quận 7, TP. Hồ Chí Minh, "Bản án số 100/2016/KDTM – ST ngày 10/11/2016", tr.3.

phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu BTTH không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị BTTH bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được”. Do đó, khi hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra, trong nhiều trường hợp thiệt hại chưa xảy ra hoặc chưa xảy ra nhiều thiệt hại, thì bên vi phạm hợp đồng hoàn toàn có quyền yêu cầu

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Luật học: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại theo pháp luật Việt Nam (Trang 86 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)