phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế”
Dưới giác độ lý luận, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra phải được xem xét như một quá trình được tạo nên bởi một loạt các sự kiện tồn tại khách quan, bắt đầu là hành vi, sau đó là các thiệt hại thực tế. Trong các quy định của pháp luật thương mại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại chỉ được thể hiện một cách ngầm định thông qua khoản 1 Điều 302 LTM năm 2005: “BTTH là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”. Từ “do” trong điều luật trên đã thể hiện rằng, bên vi phạm chỉ phải bồi thường những thiệt hại cho bên bị vi phạm nếu thiệt hại đó là kết quả của hành vi vi phạm. Vụ tranh chấp sau đây là một ví dụ:
Trong vụ việc tranh chấp giữa Công ty N và Công ty D, Công ty N cho rằng, những thiệt hại bao gồm: khoản chi phí mà Công ty N đã chi để tổ chức phân phối hàng; khoản thù lao lẽ ra Công ty N được hưởng từ hợp đồng phân phối; khoản thiệt hại liên quan đến uy tín của Công ty N, chính là kết quả của việc Công ty D không bán hàng, do đó Công ty D phải BTTH. Về mặt lý luận, có thể thấy, nếu Công ty D không bán hàng cho Công ty N là một dạng hành vi vi phạm hợp đồng, thì một số khoản thiệt hại vừa nêu có mối quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm. Bắt nguồn từ việc Công ty D không bán hàng, dẫn đến Công ty N không có hàng để bán cho các kênh phân phối trong khi đã ký hợp đồng với các đối tác, khiến cho Công ty N vi phạm hợp đồng với đối tác và phải bồi thường về vật chất cũng như tổn hại về uy tín. Nếu xem xét mối quan hệ nhân quả trong tình huống này bằng các tiêu chí: Hành vi và kết quả là một quá trình; hành vi có trước, kết quả có sau; hậu quả có thể tiên lượng được khi hành vi xảy ra, thì các thiệt hại do Công ty N không có hàng để bán đáp ứng các tiêu chí trên để trở thành kết quả bắt nguồn từ hành vi vi phạm của Công ty D. Tuy nhiên, đối với khoản thiệt hại của Công ty N liên quan đến các chi phí tổ chức phân phối, có thể thấy mối quan hệ nhân quả với hành vi của Công ty D không tồn tại. Mặc dù đây là sự kiện xảy ra sau khi Công ty D có hành vi không bán hàng cho Công ty N, nhưng tổn thất xảy ra không diễn biến theo một quá trình bắt nguồn từ hành vi vi phạm. Nếu Công ty D không bán hàng cho Công ty N, Công ty N vẫn có thể có những phương án khác để mua hàng, hoặc Công ty N dừng ngay việc phân phối hàng của Công ty D để thỏa thuận lại. Nói cách khác, việc chi phí để tổ chức
phân phối tách biệt hoàn toàn với mối quan hệ với Công ty D, được thực hiện bởi ý chí chủ quan của Công ty N, do đó, không thể có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại cho khoản chi phí mà Công ty N cho rằng bắt nguồn từ việc vi phạm hợp đồng của Công ty D.
Trở lại vấn đề thực tiễn, đối với vụ việc tranh chấp này, quan điểm giải quyết của Tòa án cho thấy việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại là cần thiết nhưng không đủ để phát sinh trách TNBTTH, mà trước hết cần xem xét hành vi khách quan có phải là hành vi vi phạm hợp đồng hay không. TAND Quận 1, TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “... Nguyên đơn không cung cấp được cho Tòa án chứng cứ chứng minh nguyên đơn đã yêu cầu Công ty D phân phối sản phẩm dưới hình thức “Đơn đặt hàng” theo thỏa thuận trong hợp đồng. Hơn nữa, tại mục 4 của Hợp đồng phân phối về quyền và nghĩa vụ của Công ty D cũng không có thỏa thuận giữa hai bên về trách nhiệm của Công ty D đối với các hoạt động của Công ty N đã tiến hành nhằm thực hiện chương trình phân phối sản phẩm cho các trường mầm non...”, do đó Công ty D không có hành vi vi phạm hợp đồng127.Bản thân kết luận trên đã là căn cứ vững chắc để bác bỏ lập luận của Công ty N khi cho rằng Công ty D vi phạm hợp đồng gây ra thiệt hại.
Qua phân tích lý luận mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại, kết hợp với những thông tin từ vụ việc tranh chấp trên thực tế, có thể đưa ra những nhận định sau:
Thứ nhất, trong thực tiễn, có những tổn thất xảy ra nằm ngoài quá trình diễn biến của hành vi vi phạm hợp đồng, những tổn thất này không được xem là thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm hợp đồng.
Thứ hai, việc xem xét mối quan hệ nhân quả chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện "đủ" để phát sinh TNBTTH. Mối quan hệ nhân quả chỉ có ý nghĩa nếu chứng minh được hành vi dẫn đến thiệt hại là hành vi vi phạm hợp đồng, và việc lập luận về hành vi vi phạm hợp đồng mới là ưu tiên hàng đầu trong việc giải quyết các tranh chấp BTTH do vi phạm HĐTM.