Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 302 LTM năm 2005 (trong đó quy đinh rõ giá trị BTTH bao gồm: Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm), có thể khẳng định, nội dung cơ bản của nguyên tắc xác định BTTH là : a) chỉ những tổn thất thực tế và trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra; b) Khoản lợi ích trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Về vấn đề xác định thiệt hại thực tế, trực tiếp và khoản lợi đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm hợp đồng. Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy việc hiểu và vận dụng nguyên tắc này không hoàn toàn thống nhất. Điều đó được thể hiện qua vụ việc sau:
Ngày 02/01/2012, Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nương Minh (Công ty Nương Minh - bị đơn) có ký hợp đồng phân phối sản phẩm số 06- HCM/HĐPP-12 với Hộ kinh doanh Đạt Phú (HKD Đạt Phú - nguyên đơn) dưới hình thức đại lý độc quyền tại khu vực quận Bình Tân và được hưởng chiết khấu (hoa hồng) theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua. Thời hạn hợp đồng là 01 năm, từ ngày 02/01/2012 đến ngày 31/12/2012. Phía Công ty Nương Minh hỗ trợ HKD Đạt Phú 05 nhân viên bán hàng, 05 PG và 01 quản lý bán hàng do Công ty Nương Minh trả lương. Phía HKD Đạt Phú mua hàng trực tiếp từ Công ty Nương Minh giao hàng cho thị trường, thu tiền, chịu trách nhiệm công nợ thị trường, ứng trả trước tiền lương nhân viên bán hàng và các chương trình khuyến mãi do Công ty Nương Minh đề ra. Vào ngày 13/6/2012, HKD Đạt Phú có đặt mua hàng nhưng Công ty Nương Minh
không giao. Đến ngày 16/6/2012,Công ty Nương Minh đề nghị HKD Đạt Phú ngưng giao hàng cho thị trường bằng văn bản số 190/2012/TB/NTF và cũng ngay trong ngày 16/6/2012, Công ty Nương Minh đã mở nhà phân phối mới là Công ty TNHH MTV Thắng Nguyễn có năng giao hàng tại khu vực quận Bình Tân. Như vậy, Công ty Nương Minh đã ngưng toàn bộ việc thực hiện hợp đồng phân phối sản phẩm số 06-HCM/HĐPP-12 cũng như ngưng toàn bộ việc kinh doanh của Đạt Phú ngay ngày 16/6/2012. Việc Công ty Nương Minh đơn phương chấm dứt hợp đồng đã vi phạm Điều 8.3. Khi mở nhà phân phối mới tại khu vực của HKD Đạt Phú trước đây, Công ty Nương Minh không gửi thông báo bằng văn bản trước 15 ngày, vi phạm Phụ lục 1 khoản 3 và Điều 8.5 khoản d130. Yêu cầu của nguyên đơn về BTTH bao gồm: chi phí thuê kho chứa hàng tồn kho sau khi việc phân phối bị chấm dứt đơn phương; khoản hoa hồng bị mất trong 6 tháng cuối của hợp đồng.
Trong vụ việc trên, hành vi chấm dứt hợp đồng phân phối mà không thông báo trong thời hạn quy định là hành vi vi phạm hợp đồng, do đó, Công ty Nương Minh – bị đơn phải chịu trách nhiệm pháp lý cho hành vi này. Về các tổn thất của HKD Đạt Phú, có thể thấy: (i) Tồn tại các tổn thất thực tế mà HKD Đạt Phú đã thực hiện chi trả, bao gồm: chi phí thuê kho để giữ hàng tồn kho cho Công ty Nương Minh sau khi chấm dứt quyền phân phối. Khoản tiền trên lẽ ra HKD Đạt Phú đã không phải chi trả nếu Công ty Nương Minh không có hành vi vi phạm. Có thể thấy, khoản tiền này là hậu quả trực tiếp của việc Công ty Nương Minh chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; (ii) Việc dừng cấp quyền phân phối cho Công ty HKD Đạt Phú khi hợp đồng phân phối còn chưa kết thúc, đã khiến HKD Đạt Phú mất đi cơ hội phân phối hàng để nhận tiền hoa hồng. Khoản tiền nguyên đơn yêu cầu bị đơn chi trả trong ví dụ trên thể hiện tính thực tế và trực tiếp của tổn thất cũng như khoản lợi đáng lẽ mà nguyên đơn được hưởng.
Qua vụ việc nêu trên, về mặt lý luận cũng như thực tiễn cho thấy, nguyên tắc xác định thiệt hại được bồi thường trong các tranh chấp thương mại bao gồm: “(i) Thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường là những thiệt hại đã xảy ra trên thực tế và bên bị vi phạm đã chi trả; (ii) Khoản lợi có quyền yêu cầu bồi thường là khoản lợi liên quan trực tiếp đến hợp đồng bị vi phạm”.