Theo quy định tại Điều 302 và Điều 303 LTM năm 2005, thiệt hại được bồi thường do hành vi vi phạm hợp đồng là những tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm (hoặc “thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại” theo BLDS năm 2015). Hiện nay, chưa có bất cứ văn bản dưới luật nào hướng dẫn cụ thể về khái niệm “tổn thất thực tế, trực tiếp” cũng như “khoản lợi trực tiếp”. Chính vì vậy, việc áp dụng các quy định trên trong thực tế cần được xem xét thông qua các tiền lệ xét xử của Tòa án hay các trung tâm trọng tài thương mại, tiêu biểu là vụ việc sau đây:
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ N (Công ty N) và Công ty TNHH D (Công ty D) có ký kết, thực hiện, nhiều hợp đồng dịch vụ với nội dung phân phối hàng hóa là sản phẩm sữa. Trong Hợp đồng phân phối số CB-MK-1406-0012 và Phụ lục 1 ngày 01/02/014 (Hợp đồng phân phối) có nội dung: Công ty D chỉ định Công ty N bán các sản phẩm của Công ty D vào các trường mầm non trên toàn quốc để làm cơ sở tham gia đề án chương trình Sữa học đường tại Việt Nam (Sữa học đường). Để thực hiện Hợp đồng Phân phối và chuẩn bị ký kết các hợp đồng cung cấp sữa cho kênh mầm non năm 2015 với số lượng trường nhiều hơn, Công ty N đã phải tuyển dụng thêm nhân viên để tiến hành các hoạt động tiếp thị cũng như chăm sóc khách hàng và thực hiện các công việc tiếp thị khác liên quan. Tuy nhiên, đến tháng 7/2015, Công ty D không triển khai việc bán hàng theo kế hoạch mà không có bất cứ thông báo nào cho Công ty N về việc ngưng thực hiện chương trình, trong khi tất cả đã được Công ty N chuẩn bị hoàn tất. Việc làm của Công ty D không những khiến cho Công ty N bị thiệt hại rất nghiêm trọng về mặt kinh tế, mà còn mất uy tín với tất cả trường mầm non đã được Công ty N liên hệ tiếp thị. Trong đó, thiệt hại về kinh tế của Công ty N khi thực hiện chương trình cho năm 2015 là 2.120.401.994 đồng và thiệt hại về mặt uy tín là 1,5 tỷ đồng, số tiền này được giải thích như sau: Năm 2014, Công ty N có ký hợp đồng với Công ty D để thực hiện các chương trình tiếp thị trị giá là 10.005.024.930 đồng, lợi nhuận Công ty N đạt được từ chương trình này là 30% tương ứng với số tiền là 3.001.507.479 đồng; do mất uy tín với các trường, Công ty N sẽ phải mất hai năm mới có thể triển khai lại được chương trình, lợi nhuận hai năm mà Công ty N mất tương ứng là 6.003.014.958 đồng.
Công ty N yêu cầu Công ty D phải thanh toán cho Công ty N số tiền tương ứng với 25% số lợi nhuận bị mất trong hai năm do mất uy tín là 1.500.753.739 đồng, làm tròn là 1,5 tỷ đồng. Song song với Hợp đồng Phân phối, ngày 01/6/2014, Công ty D có văn bản chỉ định Công ty N là đơn vị phân phối độc quyền tại kênh mầm non trên phạm vi toàn quốc các sản phẩm thuộc Công ty D, thời gian thực hiện là 5 năm (từ năm 2014 đến năm 2019). Công ty N đã tiến hành gửi các văn bản và trực tiếp làm việc với UBND các tỉnh, thành để đề nghị được tham gia đề án chương trình Sữa học đường. Trong các tỉnh, thành mà Công ty N gửi công văn có 04 tỉnh, thành là Hải Phòng, Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định đã được UBND gửi văn bản yêu cầu Sở Y tế và Sở Giáo dục lên kế hoạch triển khai chương trình. Đặc biệt, Sở Giáo dục tỉnh Hải Phòng đã hoàn thành kế hoạch triển khai thí nghiệm 02 tháng cuối năm trình lên UBND Thành phố và được chấp thuận để chuyển qua Sở Tài chính duyệt vốn.
Song song với việc viết đề án trình UBND Thành phố, Sở Giáo dục thành phố Hải Phòng cũng mong muốn các trường trên phạm vi thành phố tiến hành dùng thử sản phẩm Dumex Dugro dạng gói (là sản phẩm được đề nghị sử dụng trong đề án Sữa học đường). Tuy nhiên, khi sử dụng sản phẩm tại trường Mầm non Hoa Lan, có hiện tượng các cháu bị tiêu chảy sau khi uống, sự việc này bị đưa lên báo chí và Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành thanh, kiểm tra. Sau sự cố này, chương trình Sữa học đường tại Hải Phòng và các tỉnh, thành khác đã phải tạm ngưng vì lý do sản phẩm Dugro của Công ty D kém chất lượng.
Sau khi chương trình Sữa học đường thất bại do sự cố tại trường Hoa Lan, các sản phẩm Dumex Dugro dạng gói của Công ty D không thể bán được cho các trường mầm non, nên Công ty N phải tiến hành bán trực tiếp cho người tiêu dùng trên thị trường. Tháng 3/2015, người tiêu dùng phát hiện và phản ánh có việc bôi xóa hạn sử dụng trên sản phẩm Dumex Dugro, Công ty N đã gửi email yêu cầu Công ty D giải thích về việc này, tuy nhiên Công ty D cố tình né tránh, không phúc đáp cho đến khi Công ty N liên tục hối thúc thì được trả lời bằng miệng rằng chỉ bị một vài sản phẩm do lỗi của nhân viên. Nhưng sau đó, Công ty N phát hiện việc bôi xóa này được tiến hành đồng loạt trên tất cả các sản phẩm dạng gói, vì vậy Công ty N đã ngưng bán các sản phẩm này ra thị trường. Sản phẩm của Công ty D kém chất lượng và bao bì bị tẩy xóa gây cho nhà phân phối như Công ty N những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về mặt kinh tế và uy tín.
Mặc dù vậy, Công ty D luôn né tránh và phủ nhận mọi trách nhiệm của mình đối với các chi phí Công ty N đã bỏ ra để tiến hành chương trình Sữa học đường, tiêu thụ sản phẩm cũng như giải quyết khủng hoảng truyền thông liên quan trực tiếp đến chất lượng sản phẩm của Công ty D là 4.809.168.554 đồng và thiệt hại về mặt uy tín là 2.000.000.000 đồng. Số tiền được tính như sau: Tổng giá trị sữa tiêu thụ trong hai tháng cuối năm tạm tính tại Hải Phòng là 31.834.072.500 đồng, lợi nhuận Công ty N đạt được là 5% tương ứng số tiền là 1.591.703.625 đồng, do Hải Phòng tạm dừng chương trình nên các tỉnh thành khác cũng dừng theo, trong đó có 3 tỉnh mà Công ty N đã làm việc là Khánh Hòa, Bình Định và Phú Yên, tổng giá trị lợi nhuận cho việc chạy thử chương trình tạm tính tương ứng với số tiền là 410 triệu đồng, tổng hai số tiền từ 4 tỉnh là 2.001.703.625 đồng, làm tròn là 2 tỷ đồng. Công ty N đã nhiều lần đồng ý đàm phán với Công ty D để giải quyết tranh chấp, tuy nhiên Công ty D không có thiện chí, phớt lờ đối với nghĩa vụ thanh toán cũng như trách nhiệm bồi thường các thiệt hại của Công ty N. Ngoài ra, sau khi chấm dứt các Hợp đồng với Công ty
D, Công ty N còn thiệt hại về chi phí cơ hội. Dựa vào những thông tin trên, Công ty N có yêu cầu đối với Công ty D như sau: Công ty D BTTH cho Công ty TNHH TM DV N do vi phạm Hợp đồng phân phối số CB-MK-1406-0012 và Phụ lục 1 ký ngày 01/02/2014 với số tiền là 10.429.570.548 đồng và chi phí cơ hội sau khi chấm dứt Hợp đồng với số tiền là 4.155.297.917 đồng 126.
Qua nội vụ án nêu trên, có thể tóm tắt lập luận của Công ty N khi yêu cầu Công ty D BTTH như sau:
Thứ nhất,Công ty N cho rằng, Công ty D đã vi phạm hợp đồng phân phối, với các hành vi: (i) Không thực hiện bán hàng theo hợp đồng phân phối có thời hạn 5 năm; (ii) Không đảm bảo chất lượng sản phẩm sữa dẫn đến gây hại sức khỏe cho người dùng.
Thứ hai, Công ty N cho rằng các hành vi trên là nguyên nhân khiến Công ty N bị thiệt hại: (i) Thiệt hại các chi phí phục vụ việc thực hiện hợp đồng phân phối như thuê địa điểm, nhân công, mua quà tặng...; (ii) Thiệt hại về uy tín với đối tác là các trường học trong kênh phân phối và người tiêu dùng; (iii) Thiệt hại về “chi phí cơ hội” do hợp đồng bị chấm dứt nửa chừng.
Căn cứ vào thông tin trong hồ sơ vụ việc, có thể thấy, Công ty N đã căn cứ vào Điều 303 của LTM năm 2005 để yêu cầu Công ty D BTTH, các căn cứ cụ thể bao gồm:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng (không bán hàng theo hợp đồng, không đảm bảo chất lượng sản phẩm).
- Có thiệt hại thực tế (thiệt hại về kinh tế và uy tín và “chi phí cơ hội” – thực chất theo trình bày của Công ty N thì đây chính là những khoản thu nhập lẽ ra Công ty này được hưởng nếu hợp đồng tiếp tục được thực hiện).
- Hành vi vi phạm của Công ty D là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thiệt hại kể trên.
Do đó, để xác định yêu cầu BTTH của Công ty N có hợp pháp hay không cần trả lời các câu hỏi sau:
Một là, hành vi không bán hàng cho Công ty N có phải là hành vi vi phạm hợp đồng hay không? Theo hồ sơ vụ việc, hợp đồng giữa hai Công ty này chỉ quy định công nhận Công ty N là nhà phân phối của Công ty D mà không có điều khoản quy định Công ty D phải bán hàng cho Công ty N. Ngoài ra, hợp đồng có quy định Công ty N là đối tác phân phối sữa qua kênh trường học, việc tổ chức phân phối do
Công ty N tự chịu trách nhiệm, Công ty D không có nghĩa vụ phải chi trả các chi phí phân phối. Do đó, hành vi không bán hàng cho Công ty N không phải là hành vi vi phạm hợp đồng.
Hai là, hành vi cung cấp hàng hóa không đủ chất lượng, khiến học sinh uống sữa bị tiêu chảy có phải là hành vi vi phạm hợp đồng hay không? Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 14 LTM năm 2005, thương nhân thực hiện hoạt động thương mại phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mà mình kinh doanh, do đó, nếu sản phẩm sữa của Công ty D kém chất lượng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật thương mại. Giả định hợp đồng không có quy định liên quan đến chất lượng hàng hóa thì việc Công ty D cung cấp hàng kém chất lượng cho Công ty N vẫn là hành vi vi phạm quy định về chất lượng hàng hóa của bên giao đại lý theo khoản 2 Điều 173 LTM năm 2005. Mặc dù vậy, việc kết luận Công ty D vi phạm hợp đồng cần căn cứ vào các kết luận của cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa.
Ba là, thiệt hại mà Công ty N nêu ra có phải là thiệt hại thực tế theo quy định tại khoản 2 Điều 303 và khoản 2 Điều 302 năm LTM hay không?Qua số liệu thống kê từ Công ty N, các chi phí mà Công ty đã chi trả liên quan đến thuê mặt bằng phân phối, thuê nhân viên... chưa thỏa mãn tính chất “thực tế, trực tiếp” của thiệt hại do hành vi vi phạm của Công ty D. Trong trường hợp này, việc tổ chức phân phối hàng hóa hoàn toàn do Công ty N quyết định, và các chi phí trên do Công ty N tự nguyện chi trả. Công ty N hoàn toàn có quyền lựa chọn các phương án phân phối khác mà không phát sinh các chi phí này. Ngoài ra, khi không mua được hàng từ Công ty D, Công ty N có thể mua sản phẩm do Công ty D sản xuất từ các nhà phân phối khác hoặc yêu cầu Công ty D bán hàng cho mình, chứ không nhất thiết phải tổ chức các hoạt động phân phối khi chưa có được hàng từ Công ty D. Nói cách khác, các chi phí này là chi phí hoạt động thông thường của Công ty N, mà không phải là thiệt hại kinh tế do hành vi của một chủ thể khác (là Công ty D).
Ngoài khoản chi phí mà Công ty N cho là thiệt hại, Công ty N yêu cầu Công ty D bồi thường “chi phí cơ hội” bị mất do việc gián đoạn thực hiện hợp đồng với các đối tác khác và phần lợi nhuận bị mất từ Công ty D. Căn cứ vào khoản 2 Điều 302 LTM năm 2005, Công ty N có quyền đòi bồi thường “khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”. Trong trường hợp này, “chi phí cơ hội” mà Công ty N bị mất, có nguồn gốc từ các hợp đồng bán sữa với các đối tác do không có hàng để bán, thỏa mãn điều kiện là một “khoản lợi trực
tiếp” mà Công ty N được hưởng, đồng thời khoản thù lao từ việc Công ty D thuê Công ty N làm nhà phân phối cũng là một khoản lợi trực tiếp bị mất do hợp đồng phân phối bị chấm dứt. Do đó, Công ty N có quyền yêu cầu Công ty D bồi thường nếu chứng minh được hành vi vi phạm của Công ty D dẫn đến việc Công ty N mất những khoản lợi nhuận này.
Tuy nhiên, ngoài việc lập luận căn cứ dựa vào quy định của pháp luật, yếu tố quan trọng nhất trong các tranh chấp tại Tòa án cũng như Trọng tài thương mại là chứng cứ để chứng minh các thiệt hại. Khi tham gia giải quyết tranh chấp tại Tòa án, với mỗi khoản tổn thất kinh tế được cho là thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng thì Công ty N cần có các tài liệu dưới dạng văn bản (hoặc dữ liệu điện tử) để chứng minh. Đối với các khoản lợi bị mất từ các đối tác, dạng tài liệu cần có để chứng minh thiệt hại chính là các bản hợp đồng, trong đó có nội dung nhằm xác định việc không thực hiện được các hợp đồng này là do Công ty N không thể giao hàng và không có nguồn hàng cung cấp từ Công ty D. Đối với khoản lợi bị mất từ thù lao phân phối, sẽ rất khó để chứng minh bằng chứng cứ cụ thể vì khoản thù lao này sẽ được ghi nhận dưới dạng doanh thu, con số lợi nhuận thu được từ khoản doanh thu này chỉ là ước tính chứ không cố định, trên thực tế, lợi nhuận này hoàn toàn có thể tăng hoặc giảm tùy vào hoạt động thực tế của Công ty N trong việc phân phối hàng của Công ty D. Trong các yêu cầu BTTH của Công ty N, còn một khoản thiệt hại nữa được đề cập, đó là thiệt hại về uy tín với các đối tác. Về khoản thiệt hại này, trong trường hợp của Công ty N nói riêng và hoạt động thương mại nói chung là hoàn toàn có cơ sở. Việc ký kết HĐTM với một đối tác nhưng không thực hiện được (đồng nghĩa với vi phạm hợp đồng) sẽ gây mất uy tín thương mại nghiêm trọng với bên bị phạm, ngay cả khi hậu quả này không phải do bên vi phạm gây ra mà là một bên thứ ba. Thiệt hại về uy tín không được quy định trong LTM năm 2005, do đó, việc xác định và yêu cầu bồi thường sẽ được thực hiện theo khoản 3 Điều 361 BLDS năm 2015. Tuy nhiên, như phân tích ở phần trên, việc chứng minh những thiệt hại liên quan đến uy tín thương mại của doanh nghiệp rất khó khăn vì không thể tìm ra chứng cứ cụ thể. Công ty N dù có đưa ra yêu cầu này cũng không thể được chấp nhận bởi Tòa án.
Từ những phân tích thông qua các ví dụ thực tiễn, có thể đưa ra những nhận