Tư duy sáng tạo là quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định. Việc các mức sáng tạo – các mức khó của bài toán được phân loại thành năm mức (xem mục nhỏ 4.2.6) là dành cho các sáng tạo có tính mới thế giới và thuộc lĩnh vực sáng tạo sáng chế, là lĩnh vực được bảo hộ
bằng luật sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, nếu như cuộc đời của mỗi người là chuỗi các vấn đề cần giải quyết, chuỗi các quyết định cần phải ra thì phần rất rất lớn các bài toán của mỗi người bình thường không đáp ứng các yêu cầu của cách phân loại nói trên, ít nhất, do hai lý do.
Thứ nhất, đó là các bài toán mà lời giải của chúng (dù do người giải tự tìm ra một cách độc lập chứ không phải lấy của người khác) không có tính mới thế giới vì lời giải đó đã biết, đã công bố, đã đăng ký. Ví dụ, khi đi học từ mẫu giáo đến đại học, một người đã giải biết bao bài tập của nhiều môn học nhưng những sáng tạo đó không có tính mới thế giới. Ngay cả những sáng tạo của những người đoạt huy chương vàng trong các cuộc thi toán, vật lý, hóa học… quốc tế cũng không có tính mới thế
giới vì các đề thi đều có đáp án, là các lời giải đã biết trước đó.
Thứ hai, tuy sáng tạo có thể có ở bất kỳ lĩnh vực nào nhưng luật sở
hữu trí tuệ hiện nay chỉ bảo hộ một số loại hình sáng tạo nhất định. Do vậy, có những sáng tạo không đăng ký ở đâu được để có thể phân loại, đánh giá mức sáng tạo của người giải ở những lĩnh vực đó. Ví dụ, trong lĩnh vực gia đình có những sáng tạo giúp giải quyết tốt các vấn đề giáo dục con cái, xung đột vợ chồng, xây dựng hôn nhân bền vững, gia đình hạnh phúc không được đăng ký bảo hộ chính thức.
Trong các lớp học PPLSTVĐM, người viết thường gọi đùa những sáng tạo không đáp ứng các yêu cầu nói trên của cách phân loại theo năm mức là những sáng tạo "mức không" hay là "mức zêrô". Gọi như
vậy còn có lý do sau:
Như đã biết trong điểm 8 của mục nhỏ 4.2.6. Các mức sáng tạo – các mức khó của bài toán, mức sáng tạo càng thấp, ích lợi cho tác giả
đến càng nhanh và càng nhiều. Mức zêrô còn thấp hơn mức một vậy ích lợi cho tác giả đến nhanh nhất và nhiều nhất. Quả thật, bạn được điểm 10 trong các kỳ thi, hoặc là thủ khoa trong các kỳ thi, sáng tạo đó đem lại ích lợi cho bạn ngay lập tức. Chưa kể ích lợi đó còn có thể được nhân lên: được học bổng du học nước ngoài, được ở môi trường thuận lợi để
bạn có được sáng tạo mức cao. Tương tự như vậy, những sáng tạo giúp hôn nhân bền vững, gia đình hạnh phúc cũng đem lại ích lợi cho người giải ngay lập tức và lớn đến nỗi bạn có trong tay cả triệu đôla cũng chưa chắc mua được. Bạn đọc có thể tìm thấy những sáng tạo mức zêrô trong nhiều quyển sách tương tự như các quyển sách "Đắc nhân tâm" (How to Win Friends and Influence People), "Quẳng gánh lo đi mà vui sống" (How to Stop Worrying and Start Living) của D. Carnegie.
Những sáng tạo mức zêrô giúp cuộc sống, công việc hàng ngày của mỗi người trở nên dễ chịu, thoải mái và vui hơn.
Với ý nghĩa trên, chương trình dạy PPLSTVĐM luôn nhấn mạnh, khuyến khích, thậm chí, yêu cầu người học hãy áp dụng những gì học được bắt đầu từ những bài toán mức zêrô, không coi thường những sáng tạo mức zêrô, tức là bắt đầu từ những bài toán, sáng tạo gần gũi, thiết thân, sát sườn nhất, tránh chỉ nghĩ đến những sáng tạo mức cao. Khi các điều kiện thuận lợi của môi trường xuất hiện, người học cần tiếp
tục áp dụng PPLSTVĐM để có những sáng tạo với các mức cao hơn.