Dưới đây trích một số ý kiến của các học viên các lớp PPLSTVĐM. Bạn đọc nào muốn tìm hiểu kỹ hơn, xin mời ghé thăm Trung tâm Sáng tạo Khoa học – kỹ thuật thuộc Trường đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TpHCM theo địa chỉ sau: 227 Nguyễn Văn Cừ, Q.5, nhà B, lầu 3, phòng 31.
N.T.H (sinh viên Trường đại học khoa học tự nhiên):
… Trước khi học PPLST, sự sáng tạo là gì, nó nằm ở đâu thì em chẳng hề hay biết. Chỉ biết rằng cứ nhớ cho được nhiều, nhớ cho được lâu và được mau là làm được mọi việc, là tài giỏi. Một suy nghĩ mà đến bây giờ em mới biết là sai lầm. Còn trước đó, đấy như là một phương pháp làm việc, giải quyết vấn đề của em.
… Khi kết thúc buổi học PPLST đầu tiên, em hạnh phúc, vui sướng như thể một người đang cháy khát đi trên sa mạc được bắt gặp dòng suối mát trong vậy. Không ngờ sự sáng tạo từ trước đến giờ mình cứ tưởng là sự diệu kỳ bẩm sinh thì nay nó lại gần gũi, thân thiện đến thế. Thì ra ai cũng có thể sáng tạo được cả và mọi người đều chứa đựng một nguồn ý tưởng cực kỳ phong phú và vô tận mà không hề hay biết.
… Nếu các thầy hỏi các học viên là sau khóa học PPLST, các học viên cảm nhận thấy môn học như thế nào thì em sẽ không ngần ngại mà trả lời ngay rằng: “Một môn học tuyệt vời!”. Bởi lẽ môn học PPLST đã cho em một “cảm xúc người” nhất. Chưa bao giờ em lại được học một môn học mà em cảm thấy: tự tin, lạc quan, yêu đời và yêu cuộc sống đến thế.
… Trả lời cho câu hỏi “Em thu được những gì mới và ích lợi?” thì em nói rằng: Mới đến 99%, còn ích lợi thì không sao kể hết. Hầu như các mục nào trong “cuốn sách vàng” đều là mới đối với em. Tuy có cái không mới về nội dung, chẳng hạn như ba quy luật của phép biện chứng, nhưng nó lại mới về hình thức tiếp cận, thể hiện và áp dụng. Còn về tính ích lợi, mặc dù không phải nội dung nào học được em đều vận dụng được hết cả (nhiều khi nó khó vận dụng quá!) nhưng đối với một số mục thì em đã vận dụng được và đã đem lại những kết quả ngay tức khắc trong nhiều vấn đề, nhiều công việc khác nhau.
… Và sau đây em xin liệt kê một số những kết quả mới và ích lợi của em:
♦ Nếu trước đây mục đích học tập của em là điểm số thì bây giờ là hướng đến sự sáng tạo, từ đó em cảm thấy nhẹ nhàng hơn, yêu cuộc sống hơn.
♦ Nếu trước đây người ta nói xấu em là em hay tức giận, thù ghét thì bây giờ em đã bình tĩnh và tỉnh táo hơn, từ đó em cảm thấy nhẹ nhàng đầu óc, mà xem xét có đúng không để sửa sai (vì nhờ có tư duy hệ thống).
♦ Nếu trước đây em hay chơi với những người bạn hợp tính mình thôi và xa lạ với những người mà mình có ác cảm thì bây giờ em đã hòa đồng, vui vẻ với mọi người hơn, từ đó em được mọi người yêu quí em hơn, có được nhiều sự giúp đỡ hơn (vì nhờ có tư duy hệ thống).
♦ Nếu trước đây em không quen với việc tóm tắt, minh họa bằng hình vẽ, biểu đồ thì bây giờ em đã khá quen và thích thú với việc làm này, từ đó em nhớ được lâu hơn, hiểu vấn đề dễ dàng hơn (vì nhờ có TRIZ).
♦ Nếu trước đây (nếu có) em luôn đòi hỏi mình sáng tạo thì chỉ biết có sáng tạo trong chuyên môn thôi, thì bây giờ sự sáng tạo đã mở rộng ra không biên giới, và gần gũi nhất là những vấn đề sát sườn như: sắp xếp dụng cụ học tập, tổ chức thời gian, công việc trong ngày, thực hiện các mối quan hệ bạn bè, trong gia đình… Kết quả là sự thoải mái, vui vẻ trong cuộc sống tăng lên và mình càng tự tin hơn (vì nhờ có khái niệm sáng tạo).
♦ Nếu trước đây em ít khi nghĩ đến chuyện dự phòng thì bây giờ em đã thận trọng dự phòng tốt hơn, cụ thể là trong việc sắp xếp thời gian, công việc, chuẩn bị thi cử… (vì nhờ hiểu các thủ thuật).
♦ Nếu trước đây em chẳng biết kể chuyện vui, có óc khôi hài gì cả thì bây giờ em đã cố gắng tập luyện nó rồi, bước đầu làm khá tốt, từ đó cuộc sống thêm vui vẻ, bạn bè thêm thân thiện, nhiều người thích mình hơn (vì nhờ hiểu được qui luật của các mẩu chuyện vui cười).
♦ Nếu trước đây em gặp vấn đề gì thì phần lớn là em chỉ có hiểu theo một chiều, cứ dựa vào trí nhớ của mình là chính, hiếm khi phân tích kỹ càng, nhưng bây giờ thì em đã làm quen được với việc giải quyết vấn đề và ra quyết định theo mẫu TRIZ, kết quả là giải quyết được vấn đề với lời giải tốt nhất có thể.
Cụ thể là vấn đề sau…
Tiếp theo anh N.T.H kể về việc giải quyết vấn đề gặp trong đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành công nghệ sinh học.
Và còn có rất nhiều những vấn đề khác em cũng giải quyết theo kiểu TRIZ và đều cho kết quả tốt. Mỗi khi giải quyết xong một vấn đề nào đó là em sướng rơn lên. Thật là không có từ ngữ nào diễn tả cho hết cái cảm xúc thành công của sự sáng tạo. Tuy sự thành công ấy là chưa nhiều và chưa có gì là vĩ đại cả nhưng đó là những niềm cổ vũ, động viên tinh thần em rất lớn. Chưa bao giờ em lại tự tin ở chính mình đến như vậy.
N.T.T.T (sinh viên trường Đại học Bách khoa): … Học môn này em cảm thấy thú vị. Cực kỳ thú vị!
… Em thực thụ cảm thấy “một ngày đến lớp là một ngày hội” - mãi đến năm thứ III mới thấy được! Nhất là sau những lần đi học về, ngồi học bài và suy nghĩ lại những gì đã nhận được ở lớp cảm thấy thú lắm! Tự mình rút ra được triết lý sau mỗi thủ thuật, tự mình chiêm nghiệm
bản thân để thấy lỗ hổng, tự mình bỏ ra và thêm vào hàng loạt ngôn ngữ mới. Tất cả giúp em tự tin hơn trong những giải pháp đưa ra khi gặp vấn đề.
T.V.T (sinh viên trường Đại học Kinh tế):
… Bản thân tôi thấy không cường điệu chút nào nếu cho rằng hiệu quả mang lại từ môn học này không thể đem so sánh với bất kỳ một môn học nào khác. Trong quá trình học tôi nhận thấy suy nghĩ của mình dần dần trở nên tự tin và nhất là chủ động hơn trước rất nhiều.
H.T.M.T (sinh viên trường Đại học Mở - Bán công):
…Tôi bắt đầu với việc giải quyết vấn đề theo cách khác và nhận thấy ở đấy những vấn đề như dễ giải quyết hơn và đôi khi nó còn gợi trong tôi một số ý tưởng rất độc đáo mà tôi chưa từng có trước đây.
…Vì yêu cầu của việc học, tôi có rất ít thời gian ở nhà để lo cho gia đình. Trước đây mặc dù tôi đã rất cố gắng nhưng vẫn không trôi chảy, nhưng sau này tôi bắt đầu sử dụng các thủ thuật trong 40 thủ thuật để sắp xếp và giải quyết công việc khá chu toàn (lắm khi tôi còn tự gật đầu tán thưởng !)
N.M.T (sinh viên trường Đại học Y - Dược):
…Đây là môn học mà đáng lẽ ra chúng em phải được học trước bất kỳ môn học nào khác vì nó chỉ ra phương pháp giúp học tốt các môn khác.
N.H.B (sinh viên trường Đại học Kiến trúc):
…Thật khó kể hết những gì mà “Phương pháp luận sáng tạo KHKT” mang lại. Mặc dù em chưa thật sự nắm bắt hết tinh thần của nó nhưng bản thân em đã thấy được rất nhiều lợi ích.
Đặc biệt là trong bài tập sáng tác kiến trúc, nhờ phương pháp phân tích hình thái (và cả phương pháp đối tượng tiêu điểm) em có được rất nhiều ý mới và hay.
N.T.T.T (sinh viên đại học):
Tôi đã nhận thấy cách suy nghĩ của mình kém hiệu quả từ nhiều năm nay. Cùng một vấn đề, người ta suy nghĩ rất nhanh, còn mình thì chậm chạp, dò dẫm từng bước và nhất là còn mông lung, thừa thãi, chẳng ăn nhập vào bài toán. Tôi tập trung suy nghĩ rất kém và hay bỏ dở công việc nửa chừng… Đã đến lúc không thể chịu đựng nổi, phải thay đổi, thế là tôi đăng ký theo học… Giờ đây khóa học đã gần kết thúc, tôi thấy mình đã khác trước… Tôi tiếc cho mình sao không học môn này từ sớm để mình phải mất bao nhiêu là thời gian.
D.T.T.H (giáo viên toán, THPT):
… Từ bài học đầu tiên đến bài học cuối cùng, các tri thức em ghi nhận được, đa số đều rất mới mẻ, thú vị và cần thiết.
… Trong số đó, có những tri thức em cảm thấy tâm đắc hoặc gây ấn tượng mạnh cho em do tính “mới” và hiệu quả cao của nó. Chẳng hạn:
- Tính ì: giúp em tự hiểu mình và con người nói chung. Đặc biệt những bài học rút ra từtính ì rất bổ ích, rất cần thiết trong tu dưỡng bản thân và xử thế.