- Tính ì: giúp em tự hiểu mình và con người nói chung Đặc biệt những bài học rút ra từ tính ì rất bổ ích, rất cần thiết trong tu dưỡng bản thân và xử thế.
THAY CHO KẾT LUẬN
Dưới đây là các đoạn trích từ một số bài phát biểu và trả lời phỏng vấn của người viết đã đăng trên các báo để thay cho kết luận:
Phát biểu tại “Cuộc gặp mặt của Thủ tướng Phan Văn Khải với các nhà doanh nghiệp” tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TpHCM ngày 2 và 3 tháng 2 năm 1998, đăng trong bài “Nguồn vốn lớn nhất”.
Lê Khắc Hân ghi. Báo Giáo Dục và Thời Đại ra ngày 3 tháng 3 năm 1998.
“… Chúng tôi rất nhất trí ý kiến của Thủ tướng cho rằng: … nguồn vốn lớn nhất, có thể nói vô tận, phải là tài trí kinh doanh của đội ngũ doanh nghíệp cộng với năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ nước nhà (Trích phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải tại
Hội nghị mở rộng lần VI Hội đồng trung ương Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam).
Các vấn đề đặt ra tiếp theo là làm thế nào khai thác, sử dụng, phát huy “nguồn vốn lớn nhất” đó một cách tốt nhất trong tình hình hiện nay?
Ngoài những cách làm truyền thống đã có, với tư cách nhà khoa học, tôi xin cung cấp một số thông tin còn ít được biết đến, và ít được để ý ở Việt Nam, đấy là, hiện nay trên thế giới có hẳn một bộ môn khoa học về sáng tạo (tiếng Anh gọi là Creatology). Nói cách khác, quá trình tư duy sáng tạo của con người được khoa học hóa nhờ tìm ra được các quy luật của sáng tạo. Khoa học sáng tạo đã xây dựng được những phương pháp giúp khắc phục sự trì trệ của tư duy, giúp phát hiện, dự báo các vấn đề nảy sinh, giúp phát triển nhiều ý tưởng sáng tạo để giải quyết vấn đề và ra quyết định một cách định hướng, chính xác, tạo ra sự phát triển bền vững.
Các phương pháp tư duy sáng tạo này dạy được và học được tương tự các môn học truyền thống như văn, toán, tin học, quản trị kinh doanh… Trên thực tế, Trung tâm sáng tạo khoa học - kỹ thuật (TSK) của chúng tôi thuộc Trường đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TPHCM thành lập ra để phổ biến khoa học sáng tạo, phương pháp luận sáng tạo ở Việt Nam. Trong hơn 20 năm qua, chúng tôi đã thực hiện được hơn 100 khóa học cho gần 6000 người đủ mọi thành phần xã hội, kinh tế ở Việt Nam và một số quan chức Bộ Giáo dục Malaysia với những kết quả thu được rất thiết thực và khả quan. Quả thật, các ý kiến phản hồi của các cựu học viên cho thấy, mỗi người học đã tìm thấy “nguồn vốn lớn nhất” của chính mình và được trang bị
hệ thống các phương pháp, các kỹ năng tư duy sáng tạo một cách khoa học, bài bản để khai thác, sử dụng, phát huy nguồn vốn đó một cách có hiệu quả hơn nhiều so với trước khi theo học, tránh những mò mẫm “thử và sai” không đáng có.
Phương pháp luận sáng tạo không chỉ giúp cho các nhà doanh nghiệp làm tăng sức cạnh tranh, tăng các giá trị thặng dư nhờ chất xám mà còn có ý nghĩa lớn lao về chuẩn bị nguồn nhân lực nói riêng và về giáo dục đào tạo nói chung. Một số nước trên thế giới đã bắt đầu chú ý khoa
học này ở mức vĩ mô. Môn học này được dạy chính khóa ở nhiều trường đại học của các nước tiên tiến. Mỹ chính thức đào tạo cử nhân (BS) từ năm 1974, thạc sĩ (MS) từ năm 1975 về chuyên ngành sáng tạo và đổi mới (Creativity and Innovation) và sau đó là một số nước Tây Âu. Tôi có được may mắn học khoa học này tại Trường đại học sáng tạo sáng chế đầu tiên của Liên Xô và tốt nghiệp thuộc khóa đầu tiên vào năm 1973. Ở Nhật, tổ chức Keidanren thành lập “Ủy ban đặc biệt về bồi dưỡng nguồn nhân lực sáng tạo” vào 02 - 1995. Venezuela có Bộ phát triển trí
tuệ. Họ huấn luyện được 106.000 giáo viên dạy tư duy và đưa thành luật: mỗi học sinh phải học 2 giờ 1 tuần để phát triển các kỹ năng tư duy. Gần chúng ta, có Singapore với chương trình dạy tư duy sáng tạo trong các trường học mới được bắt đầu. Các phương pháp tư duy sáng tạo còn được đưa vào dạy cho các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhân viên của các Công ty. Ví dụ, ở Mỹ có Trung tâm lãnh đạo sáng tạo (Center for Creative Leadership) chuyên mở các khóa bồi dưỡng ngắn ngày cho các nhà lãnh đạo và quản lý các cấp bậc, một phần ba các công ty Mỹ thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện các phương pháp tư duy sáng tạo cho nhân viên.
Theo một số dự báo khoa học mà chúng tôi được biết, người ta tin rằng, sau thời đại tin học (hay còn gọi là làn sóng văn minh thứ tư sau nông nghiệp, công nghiệp và tin học) là thời đại sáng tạo mang tính quần chúng rộng rãi nhờ việc sử dụng các phương pháp tư duy sáng tạo một cách khoa học, được dạy và học một cách đại trà.
Theo thiển ý của chúng tôi, khoa học sáng tạo sẽ góp phần giúp chúng ta tìm con đường tắt để phát triển, để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa…”.
Lớp PPLSTVĐM dạy cho các quan chức Bộ giáo dục Malaysia
Trung tâm sáng tạo khoa học – kỹ thuật và hoạt động khơi dậy tiềm năng sáng tạo ở người học.
Phan Dũng. Công tác khoa giáo, số 5, 1998 (tạp chí của Ban khoa giáo Trung ương Đảng).
… Tháng ba vừa qua (tháng 3 năm 1998 – người viết), TSK rất phấn khởi đón GS.VS. Đặng Hữu, Ủy viên trung ương Đảng, Trưởng ban khoa giáo Trung ương đến làm việc. Sau khi nghe TSK báo cáo các hoạt động và các kết quả đạt được, GS.VS. Đặng Hữu cho rằng, cần mở rộng việc dạy và học sáng tạo trong các trường học. Trước mắt, Ban khoa giáo Trung ương sẽ tổ chức một số seminar dành cho các đồng chí có trách nhiệm của một số bộ để nghe TSK trình bày tình hình hoạt động về lĩnh vực này ở Việt Nam và các kiến nghị cụ thể phát triển môn học này ở nước ta …
Người viết (thứ nhất từ phải sang) đang trao đổi với GS.VS. Đặng Hữu, trưởng ban khoa giáo Trung ương Đảng (thứ hai từ
phải sang) tại Trung tâm sáng tạo khoa học – kỹ thuật (TSK).
Gặp gỡ cuối tuần: Chuẩn bị “tấm hộ chiếu vào thế kỷ 21” ở Việt Nam.
Khắc Thành thực hiện. Tuổi Trẻ Chủ Nhật. 29/8/1999.
“… Ông bắt đầu dạy PPLST ở VN năm 1977, một ngành học mới mẻ, hẳn phải trải qua nhiều thử thách để có thể đến với nhiều người. Hơn 20 năm qua ông đã gặp bao nhiêu “tình huống có vấn đề”? Cách ông giải quyết chúng như thế nào?
Chúng tôi gặp không ít các vấn đề. Chúng tôi tự xác định đây là công việc không ai bắt chúng tôi phải làm cả. Do vậy, “muốn ăn thì phải lăn vào bếp” và “mình làm mình chịu, kêu mà ai thương”. Chính PPLST đã giúp chúng tôi giải quyết được những vấn đề đó để từ “số âm” về tài chính, chúng tôi tiến tới trả được nợ ban đầu rồi mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu, in khá đầy đủ giáo trình cho người học, đi dự một số hội nghị khoa học quốc tế và có “hàng” xuất khẩu. Cần phải nói thêm, có PPLST là tốt nhưng có cả may mắn nữa thì tốt hơn… Chúng tôi luôn nhớ đến những người đã giúp đỡ chúng tôi với lòng biết ơn.