Công tác tuyên truyền đôi khi còn hình thức, chưa rõ nội dung cụ thể, thiếu chiều sâu, chưa được thường xuyên liên tục, dẫn đến một số xóm người dân chưa hiểu hết ý nghĩa, vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, từ đó việc huy động sức mạnh của toàn dân tham gia còn hạn chế.
Công tác giáo dục, hoạt động văn hóa còn khó khăn, việc cung ứng thiết bị phục vụ đổi mới chương trình giáo dục còn chậm, ảnh hưởng đến kết quả dạy và học.
Phần lớn các hộ nghèo thiếu vốn, thậm chí việc tiếp thu kiến thức kinh tế, kỹ thuật của một bộ phận không ít còn thụ động, thiếu năng lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Số hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo hàng năm còn rất cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững.
Nhiều hộ gia đình còn quen với tập quán thả rông gia súc, gia cầm, chuồng trại chưa đảm bảo và thiếu đầu tư thức ăn trong chăn nuôi dẫn đến hiệu quả chăn nuôi chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, các kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng trong cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được tập huấn, chuyển giao nhưng một bộ phận người nghèo chưa mạnh dạn áp dụng vào thực tế. Thực tế cũng cho thấy, tập quán sản xuất của người dân khu vực miền núi còn lạc hậu, diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất. Việc sản xuất ở một số vùng còn mang tính tự phát, làm theo phong trào, chưa có mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, kinh tế trang trại phát triển chưa tương xứng cao nên thu nhập hàng năm của bà con nông dân rất thấp, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tỉ lệ hộ nghèo cao.
Địa hình hiểm trở bị chia cắt do đó rất khó khăn trong việc phát triển giao thông và thuỷ lợi. Việc áp dụng máy móc kỹ thuật cũng rất hạn chế do đất đai bị chia cắt manh mún. Vì vậy, năng suất lao động thấp, hạn chế trong khả năng giao lưu kinh tế và tiếp cận với thị trường, do vậy cũng hạn chế quá trình sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến thu nhập.
Thiếu nguồn đầu tư, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp gần như không có, kinh phí thực hiện chương trình phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn hạn hẹp được phân cấp hàng năm, dẫn đến việc xã luôn trong tình trạng năm sau chi trả nợ cho các công trình của năm trước và không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng những công trình đã đưa vào sử dụng. Từ đó, mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng hàng năm không bảo đảm hoàn thành mức đạt chuẩn nông
thôn mới.
Việc thực hiện tiêu chí môi trường trên địa bàn đang gặp nhiều trở ngại do thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình cũng như nhận thức, ý thức chấp hành của người dân còn hạn chế, vì tập quán chăn nuôi của bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn rất lạc hậu.
Việc di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà chưa hiệu quả, còn nhiều hộ chưa xây dựng được chuồng trại hợp vệ sinh, nếu có thì chỉ trong tình trạng tạm bợ, che chắn đơn sơ. Ban ngày thì thả rông gia súc, phân gia súc vương vãi xung quanh nhà và đường đi. Tối đến bà con nhốt gia súc, gia cầm ngay dưới gầm nhà sàn nên làm ô nhiễm nặng môi trường sống của chính gia đình mình và những hộ xung quanh.
Hay như phong tục chôn cất người đã khuất của bà con người dân vẫn còn diễn ra theo từng dòng họ, gia đình. Khi có người thân mất đi, bà con đều đem tới nghĩa địa của dòng họ mình để chôn cất, thậm chí có gia đình còn chôn trên chính đất sản xuất, đất ở của gia đình mình. Ngoài việc ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân tập quán này còn gây khó khăn trong công tác quy hoạch, quy tập nghĩa trang,…