Một số giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý rác thải y tế

Một phần của tài liệu Pháp luật về xử lý rác thải y tế và thực tiễn áp dụng tại Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13 . (Trang 74 - 77)

Thứ nhất, xây dựng có hệ thống, đảm bảo loại bỏ sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật về xử lý rác thải y tế.

• Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường và liên quan đến xử lý rác thải y tế cần được xây dựng một cách có hệ thống, đảm bảo tính liền mạch trong việc áp dụng nhưng cũng không được xảy ra sự chồng chéo, tránh để tình trạng khi cùng một vấn đề cần giải quyết mà phải vận dụng nhiều văn bản pháp luật. Việc phải vận dụng quá nhiều các văn bản pháp luật, từ luật đến thông tư, nghị định để giải quyết một vài hoặc thậm chí là một vấn đề là điều cần phải được loại bỏ và không được để lặp lại trong những văn bản pháp luật ra đời sau. Phải đảm bảo quy định rõ ràng, có thể hiểu và vận dụng thuận lợi vào trong thực tiễn, tránh tình trạng khi đưa vào áp dụng rộng rãi thì lại gây khó khăn, nhầm lẫn, người ban hành quy định thì hiểu thế này, người hoạt động thực tế thì lại có cách hiểu khác. Từ đó dẫn đến việc khó khăn trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân liên quan đến xử lý rác thải y tế.

Thứ hai, việc ra sửa đổi, bổ sung các quy định hoặc cho ra đời các văn bản luật mới phải đảm bảo được sự ổn định, bao quát.

• Cần phải chú ý làm thế nào để các văn bản pháp luật ra đời sau vừa mang tính ổn định, bao quát và dự đoán được nhiều các trường hợp có thể xảy ra, vừa kế thừa được những quy định mà các văn bản luật trước để lại. Việc đảm bảo được những yêu cầu trên sẽ có thể giúp tránh được tình trạng các quy định mới ra đời nhưng lại sớm trở nên lạc hậu, không còn theo kịp với thực tế, không mang tính thời sự, phải tuyệt đối không để quy định mới ra không được bao lâu đã phải bổ sung, sửa đổi hay thậm chí là phải ra những văn bản hoàn toàn mới. Điều này là dễ hiểu khi lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung, xử lý rác thải y tế nói riêng đang thay đổi liên tục, nhiều những công việc, quan hệ xã hội mới liên quan đến những lĩnh vực này đang dần xuất hiện, đòi hỏi các quy định của luật phải có khả năng điều chỉnh được những nhân tố trên, không để xuất hiện lỗ hổng mà các đối tượng xấu có thể lợi dụng.

Thứ ba, việc rà soát, kiểm tra tính hiệu quả và tương thích của các quy định phải được thực hiện thường xuyên.

• Thường xuyên duy trì việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả của các quy định pháp luật về xử lý rác thải y tế, xem xét rằng trong thực tiễn áp dụng, các quy định này có đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn quản lý hay không. Thực hiện rà soát, tham

• khảo ý kiến từ nhiều nguồn như từ các nhà tư vấn, các cơ quan chức năng liên quan, các giảng viên và các tổ chức, cá nhân đang trực tiếp tuân thủ và áp dụng luật để từ đó thu về được những nhận xét, đánh giá có tính chính xác cao nhất phục vụ cho những công đoạn sửa đổi, bổ sung sau này, cùng với đó là kinh nghiệm để hoàn thiện các quy định một cách tốt hơn. Ngoài ra là còn đánh giá, kiểm tra xem các quy định pháp luật hiện hành đã cho thấy được sự tương thích, phù hợp với những cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hay chưa, với công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hay không. Nếu đã tương thích rồi thì đẩy mạnh việc phổ biến, áp dụng, nếu chưa thì cần nghiên cứu đưa ra được những thay đổi sao cho phù hợp và chính xác nhất với những cam kết đã ký. Việc thực hiện được đúng theo như các cam kết đã thỏa thuận sẽ tạo ra một môi trường vô cùng cạnh tranh, nhiều cơ hội để có thể thúc đẩy giao thương, phát triển cả về mặt kinh tế lẫn ngoại giao của Việt Nam.

Thứ tư, cần nâng cao các quy chuẩn kỹ thuật, từ đó thắt chặt hơn nữa việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

• Đây cũng là yêu cầu vô cùng thực tế khi hàng năm tình trạng ô nhiễm môi trường chưa có dấu hiệu giảm xuống mà còn có xu hướng nghiêm trọng hơn ở một số khu vực, đặc biệt là những nơi chưa có nhiều điều kiện lý tưởng để xử lý được tốt các loại rác thải y tế như nước ta. Nâng cao các quy chuẩn về kỹ thuật bao gồm các quy chuẩn từ việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế cho đến ngay cả các công đoạn sau xử lý là rất quan trọng. Chỉ có cách thắt chặt hơn những yêu cầu về kỹ thuật, về các tiêu chuẩn của rác thải y tế trước và sau khi xử lý mới có thể tránh được tình trạng rò rỉ, phát tán rác thải làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và môi trường sống. Mọi công đoạn đều cần phải được quản lý và giám sát sát sao và thường xuyên hơn của các cơ quan chức năng và chính bản thân trong nội bộ của các đơn vị có chuyên môn xử lý. Các quy chuẩn được nâng cao cũng đồng nghĩa với nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức liên quan về tầm quan trọng của việc giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của rác thải y tế đối với môi trường.

Thứ năm, đánh giá và điều chỉnh các quy định về quản lý và xử phạt trong lĩnh vực pháp luật về xử lý rác thải y tế.

• Trước thực tế các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, vi phạm pháp luật về xử lý rác thải y tế nói riêng đang diễn biến tương đối phức tạp. Như đã đề cập ở mục 2.2.3, các quy định về xử phạt và mức phạt đối với cách hành

• vi vi phạm pháp luật về xử lý rác thải y tế đang vẫn còn khá là thấp, điều này tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm được lặp lại. Các tổ chức, cá nhân dễ dàng nhận thấy được lợi ích từ việc vi phạm khi mà số tiền phạt là nhỏ hơn nhiều so với chi phí phải bỏ ra để đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu về môi trường, từ đó họ sẵn sàng tái diễn các hành vi vi phạm bởi lợi nhuận mà chúng đem đến là lớn hơn việc tuân thủ quy định. Tiếp đến, đó là vai trò và thẩm quyền của các cơ quan chức năng trong việc quản lý và xử phạt. Có thể thấy tại Việt Nam, các cơ quan chức năng đang thực sự chưa có đủ nguồn lực và hệ thống các quy định, cũng như chế tài hỗ trợ đủ tốt, đủ sức nặng để có thể xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm có mức độ nghiêm trọng tăng dần, từ đó sẽ dẫn đến việc quản lý sẽ yếu kém và thường xuyên gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để có đủ khả năng tiếp nhận và xử lý mọi vụ việc vi phạm, từ đơn giản đến phức tạp, cần phải xây dựng được một hệ thống quy định pháp luật bao gồm các chế tài xử phạt có tính răn đe mạnh hơn, cụ thể là tăng mức phạt tiền và cả phạt tù cao hơn, có sức nặng để các đối tượng không dám và không thể lặp lại các hành vi vi phạm nữa, đồng thời cũng là lời cảnh báo cho các đối tượng đang có ý định hoặc chuẩn bị có những hành vi vi phạm làm tổn hại đến sức khỏe và môi trường. Muốn thực hiện được điều này yêu cầu các cơ quan chức năng phải có một cơ chế phối hợp một cách thực sự hiệu quả, thường xuyên hơn nữa để các hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người bị trừng phạt thật thích đáng.

Một phần của tài liệu Pháp luật về xử lý rác thải y tế và thực tiễn áp dụng tại Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 - Urenco 13 . (Trang 74 - 77)