Luật sư bị đơn cho rằng Đơn chuyển quyền thừa kế xác lập giữa ông Chu Văn Sinh và Chu khắc Thuyên là hợp pháp và có hiệu lực pháp luật đối với phần đất thuộc quyền sử dụng của ông Sinh.
Tôi hoàn toàn không đồng ý với nhận định này bởi lẽ:
Như đã trình bày trong bản luận cứ, Đơn chuyển quyền thừa kế giữa ông Sinh và ông Thuyên không có giá trị pháp lý vì các đương sự đều đồng ý rằng thửa đất số 40, diện tích 777m2 là một phần di sản do cụ Chu Thị Cúc để lại cho các con. Do cụ không để lại di chúc nên di sản phải được chia theo pháp luật cho các con của Cụ. Do 4 chị em bà Thanh chưa tiến hành phân chia di sản nên thửa đất nêu trên vẫn là tài sản chung chưa chưa thuộc quyền sở hữu của 04 anh chị em, và việc chuyển nhượng phải được sự đồng thuận của cả 04 người. Chưa kể ông Thuyên còn chưa hoàn tất nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận với ông Sinh.
Tiếp theo, ông Sinh và ông Thuyên không hề có ý kiến phản đối với quyết định này của UBND xã Phù Vân về việc ngăn chặn việc chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng thửa đất. 5 ngày sau khi UBND xã ban hành quyết định, bà Thanh đã đại diện cho 4 chị em để lập Giấy giao quyền trông nom cho ông Thuyên với nội dung cho phép ông Thuyên thay mặt 04 chị em giao quyền sử dụng thửa đất cho ông Thuyên từ ngày 15/04/1994 đến ngày 15/04/1999. Nay thời hạn đó đã hết nên đương nhiên bà Tám không còn được phép ở trên đất của các con cụ Cúc. Đồng thời, xét đến hành vi của ông Sinh và ông Thuyên không phản đối quyết định của UBND xã, và ông Thuyên ký vào Giấy giao quyền trông nom đã cho thấy 2 ông đều thừa nhận hợp đồng giao kết vào tháng 01/1994 là không có giá trị.
Bên cạnh đó, luật sư của bị đơn căn cứ điểm a, điểm b tiểu mục 2.3 mục 2 Nghị quyết 02/2004 của HĐTP TAND tối cao để kết luận rằng giao dịch giữa ông Sinh và ông Thuyên có hiệu lực đối với phần của ông Sinh. Nhận định là không có cơ sở vì luật sư bị đơn mới chỉ nêu cơ sở pháp lý mà chưa nêu lập luận áp dụng. Căn cứ theo điểm a.4 và a.6 tiểu mục 2.3 mục 2 Nghị quyết 02/2004, ông Sinh chưa
được cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ, Đơn chuyển quyền thừa kế giữa ông Sinh và ông Thuyên cũng không có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Mà cơ quan có thẩm quyền ở đây là UBND huyện Phủ Lý (nay là UBND TP. Phủ Lý), theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Đất đai năm 1993. Do đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Sinh và ông Thuyên không có giá trị.
Điểm b.3 tiểu mục 2.3 có đưa ra một ngoại lệ đối với 2 điều kiện được nêu tại điểm a.4 và a.6 là: “... nếu sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã trồng cây lâu năm, đã làm nhà kiên cố... và bên chuyển nhượng không phản đối và cũng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo các quy định của Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thì Toà án công nhận hợp đồng...”. Như đã phân tích ở trên, hành vi của ông Sinh và ông Thuyền đều cho thấy vào thời điểm ngày 15/04/1994, hai ông không thừa nhận hiệu lực của hợp đồng giao kết trước đó vào tháng 01 cùng năm. Do đó không có căn cứ để áp dụng quy định tại điểm b.3 tiểu mục 2.3 mục 2 Nghị quyết 02/2004.
Thưa HĐXX, tôi không còn ý kiến tranh luận gì thêm. Mời HĐXX tiếp tục làm việc.